Các lời kêu than như: “Lo quá, năm sau bé nhà mình vào lớp 1, thế này biết dạy con kiểu gì?”, “Cải với chả cách, đánh vần kiểu gì thế này?”, “Đánh vần thế này khác gì bắt chúng tôi đi học lại lớp 1 cùng con?”…
Tôi thấy có một điều rất lạ, dường như việc than thở đã trở thành “bản năng” của nhiều bậc phụ huynh. Cứ cái mới là sẵn sàng “ném đá tập thể” dù chưa tìm hiểu kỹ. Các vị hăm hở mổ xẻ phanh phui.
Các vị “than” và lý luận rằng, với phương pháp đánh vần mới này các vị “không biết dạy con kiểu gì”, các vị lo con mình sẽ không thể học tốt.
Thử hỏi, khi các vị không dạy được con học tiếng Anh, con các vị có “mù chữ” như các vị hay không?
Thứ nữa, tôi không thấy ai than rằng “con tôi kêu đánh vần khó”, “con tôi sẽ khó tiếp thu”,… mà chủ yếu kêu vì phụ huynh các vị sẽ vất vả hơn trong việc hướng dẫn con học.
Phải chăng vì lười tiếp nhận cái mới, lười phải tìm hiểu phương pháp dạy học mới nên các vị muốn duy trì những cách dạy và học cũ cho… đơn giản và thuận tiện? Và người học, người tiếp thu kiến thức là con cái chúng ta lại trở thành thứ yếu trong những tranh cãi của các vị.
Đã bao giờ các vị thử tìm hiểu xem những bà mẹ có con từng học theo cách đánh vần “lạ” này họ đánh giá thế nào, giới chuyên môn nói sao về phương pháp này?
Một chị bạn của tôi có con đang học ở trường Thực nghiệm tâm sự rằng, chị ấy thấy buồn trước hành động “ném đá” thiếu hiểu biết của một bộ phận phụ huynh. Con gái chị ấy năm nay học lớp 3, bé được dạy theo phương pháp đánh vần này và chị ấy thấy nó không hề gây trở ngại gì cho con trong quá trình học.
Hết lớp 1, con gái chị đã có thể đọc thông viết thạo, hết lớp 2 bé đã có thể làm thơ, gieo vần, viết các bài văn ngắn mà không hề bị sai ngữ pháp hay chính tả. Chị ấy tôn trọng cách dạy của giáo viên, chị ấy nhìn quá trình học tập của con chứ không can thiệp.
Chị ấy nói với tôi rằng: “Thử nghĩ xem, kiến thức văn hóa rộng lớn mà trẻ tiếp thu được là từ nhà trường hay những giờ kèm cặp của cha mẹ? Cha mẹ càng ít can thiệp vào việc học của con thì con càng nhanh trưởng thành và tự giác học tập. Cái chúng ta nên dạy trẻ là kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế chứ không phải ngồi đấy tranh cãi về cách dạy trẻ ghép câu, làm toán,… đó nên là việc của nhà trường và ngành giáo dục”.
Nhiều người nói chị ấy lười, vô tâm với việc học của con và chị ấy… chấp nhận. Chị ấy luôn nói với con rằng: “Việc học là việc của con chứ không phải của mẹ” và cá nhân tôi hưởng ứng suy nghĩ của bạn tôi. Đồng hành chứ không can thiệp sâu vào cách truyền đạt kiến thức của thầy cô.
Lại cũng có nhiều phụ huynh than rằng, cải cách kiểu gì thì cũng phải… thông qua phụ huynh.
Xin thưa, không quốc gia nào phải thông qua chương trình giáo dục với phụ huynh cả. Điều đó là vô lý. Phụ huynh không phải thanh tra giáo dục. Ai làm việc người ấy. Như việc xây dựng một con đường đúng quy chuẩn cũng để thanh tra xây dựng họ kiểm tra chứ không phải người tham gia giao thông.
Đổi mới thì các vị than không theo được con, không đổi mới thì các vị lại than giáo dục ì ạch, tạo áp lực cho con.
Thử nhìn lại, khi ngành giáo dục có chủ trương không giao bài tập về nhà cho các con để giảm áp lực cho trẻ thì các vị lại đưa con từ lớp học thêm này qua lớp phụ đạo khác vì sợ con không theo kịp bạn bè.
Các vị phản đối quá tải, hô hào giảm tải, chửi bới bộ GD&ĐT. Ấy nhưng khi một chương trình học đánh vần được nhiều giáo sư cũng như những người đã từng được học qua đánh giá là tốt, giúp trẻ nhanh biết đọc viết và ít sai chính tả thì các vị than khó rồi “ném đá” tơi bời.
Nói tóm lại, kiểu gì các vị cũng…than được.
Vậy thực sự các vị muốn gì? Muốn bọn trẻ không học gì? Hay muốn các con chỉ biết bằng các bố mẹ nên phải quản lý chặt chẽ những gì nó học ở trường?
Dù các vị muốn gì thì mong hãy nghe đi, hiểu đi rồi hãy… than!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!