Nhiều tâm tư thầy cô muốn gửi gắm đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhiều tâm tư thầy cô muốn gửi gắm đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Chủ nhật, 13/08/2023 16:59

Mối quan tâm lớn hiện nay của các thầy cô là còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong việc dạy Chương trình GDPT 2018.

Sắp tới đây sự kiện "Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục” lần đầu tiên được diễn ra, đây là cơ hội để các thầy cô được nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác.

Mặc dù đã bước sang năm triển khai thứ 4, nhưng nhóm vấn đề liên quan đến Chương trình GDPT 2018 vẫn nhận được sự quan tâm lớn đối với đội ngũ làm giáo dục.

Khối công việc lớn, còn nhiều bất cập

Là người trực tiếp tham gia giảng dạy bộ môn có nhiều thay đổi trong chương trình mới, trao đổi với Người Đưa Tin, thầy Hồ Như Hiển - Giáo viên môn Lịch sử trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa bày tỏ sự kiện lần này của Bộ trưởng là một "sự kiện chưa từng có trong lịch sử" và giáo viên rất hy vọng tiếng nói, nguyện vọng của mình sẽ đến thẳng người lãnh đạo cao nhất của ngành giáo dục.

“Trong những khó khăn chung của giáo dục đương đại, nổi lên 3 vấn đề lớn mà Bộ trưởng cần quan tâm. Thứ nhất, việc triển khai Chương trình GDPT 2018, bên cạnh những điểm mới, tích cực cũng đã và đang bộc lộ hạn chế và những khó khăn, thách thức không nhỏ, từ chương trình, sách giáo khoa, kế hoạch dạy học (tại Công văn 5512), kiểm tra, đánh giá theo thông tư mới”, thầy Hiển chia sẻ.

Giáo dục - Nhiều tâm tư thầy cô muốn gửi gắm đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thầy Hồ Như Hiển - Giáo viên môn Lịch sử trường liên cấp Đông Bắc Ga, Thanh Hóa

Cùng với đó thầy giáo cho rằng dạy môn tích hợp ở cấp THCS rất bất cập, khó triển khai, không khả thi. Bộ trưởng cần có quyết sách mạnh mẽ, bỏ việc tích hợp các môn học ở cấp THCS như hiện nay.

Đối với chế độ người giáo viên hiện nay, thầy Hồ Như Hiển bày tỏ: “Đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục chưa tương xứng với những đóng góp của họ cho xã hội, lương, phụ cấp còn thấp so với mặt bằng chung, giáo viên chưa "sống được bằng lương" dẫn tới phải làm thêm nghề "tay trái", khó toàn tâm toàn ý cống hiến. Con số hàng chục ngàn giáo viên bỏ việc là minh chứng rõ ràng nhất”.

Ngoài công việc giảng dạy, các thầy cô còn phải đối mặt với áp lực của sổ sách, hồ sơ, giáo án vẫn nặng nề, chiếm nhiều thời gian của giáo viên, gây tốn kém, phiền nhiễu.

“Giáo án theo công văn 5512 rất dài, khó triển khai, không thiết thực, khiến giáo viên đối phó, thậm chí giáo án chỉ in để kiểm tra gây lãng phí rất lớn. Bộ trưởng cần chỉ đạo sửa đổi, bỏ yêu cầu kế hoạch dạy học theo Công văn 5512 để giảm áp lực cho giáo viên”, thầy Hiển cho biết thêm.

Vị giáo viên cho rằng Bộ trưởng gặp gỡ và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của giáo viên là điều rất tốt. Tuy nhiên, để thay đổi cần có thời gian, nguồn lực và sự cố gắng rất lớn của toàn ngành. Từ Bộ trưởng đến giáo viên đều cần thay đổi, đổi mới từ tư duy đến hành động.

Khó khăn dạy tích hợp với giáo viên miền núi

Giáo dục - Nhiều tâm tư thầy cô muốn gửi gắm đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hình 2).

Trường THCS Tạ Khoa tổ chức khai giảng năm học mới 2022-2023 tại nhà văn hoá bản Nhạn Nọc, xã Tạ Khoa.

Với các tỉnh miền núi, các thầy cô giáo cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy.

Là điểm trường từng bị ngập trong mưa lũ trong đúng ngày lễ khai giảng năm 2022, ông Vũ Văn Tiếm - Hiệu trưởng Trường THCS Tạ Khoa, Sơn La chia sẻ với Người Đưa Tin: “Việc trao đổi giữa các thầy cô và lãnh đạo ngành là điều cần thiết bởi sẽ phản ánh đúng thực tế chính sách đang diễn ra như thế nào.

Đối với điểm trường chúng tôi khó khăn lớn nhất khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là phải dạy môn tích hợp, giáo viên phải đi học các kiến thức liên môn trong khi lực lượng còn ít và còn nhiều hạn chế khi đi học”.

Thầy Tiếm cũng cho rằng dù khối lượng công việc lớn, đòi hỏi trình độ của giáo viên cao nhưng chế độ đãi ngộ, đồng lương của các thầy cô hiện nay vẫn chưa phù hợp với điều kiện lao động hiện nay.

Giáo dục - Nhiều tâm tư thầy cô muốn gửi gắm đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hình 3).

Thầy cô giáo còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình dạy chương trình mới.

Cũng chung nhiều băn khoăn, ông Trần Văn Chiến - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH và THCS Nà Khoang, Sơn La cho biết: “Trường, lớp có diện tích nhỏ, cơ sở vật chất phần lớn chưa đáp ứng đủ điều kiện học tập cho học sinh là vấn đề được nhà trường quan tâm”.

Ngoài ra, giáo viên của trường cũng gặp khó khăn khi phải đi đào tạo dạy môn tích hợp. “Trước kia giáo viên học và dạy 1-2 môn đã khó nhưng bây giờ dạy liên môn phải học thêm nhưng trong khoảng thời gian ngắn nên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của Chương trình GDPT mới. Chưa kể việc phân bố, sắp xếp giáo viên cũng là vấn đề mà phải cân nhắc kỹ để đảm bảo giảng dạy và thời khoá biểu của thầy cô”, ông Chiến cho hay.

Chương trình đối thoại sẽ trao đổi các nhóm vấn đề lớn như: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); Điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; Cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.