Đến nay, tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 (Yagi) khi liên tiếp xảy ra sạt lở. Tại đây, nước sông Hồng dâng cao rất nhanh, làm nhiều tuyến đường, nhiều khu dân cư ngập úng, ảnh hưởng tài sản của người dân.
Cùng với đó, ở một số khu vực chịu thiên tại nặng như ở thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, Bắc Hà việc khắc phục sự cố điện gặp nhiều khó khăn do trời mưa to, giao thông bị chia cắt do nước lũ dâng cao, sạt lở đất.
Là điểm trường đang bị cô lập do sạt lở, khoảng hơn 130 học sinh nội trú và 11 thầy cô giáo Trường THCS-THPT Bát Xát, Lào Cai đã phải dừng việc học, đi sơ tán đến nhà văn hóa và trường mầm non trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn, số học sinh còn lại đã trở về với gia đình trước khi cơn bão số 3 ập đến.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vũ Xuân Quế - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bát Xát, Lào Cai cho biết: "Tôi đi công tác tại thị trấn sau đó không thể quay lại trường học vì đường đi xuống đó đang có 5-6 điểm sạt lở".
Hiện, nhà trường chưa có phương án học tập cụ thể, trước mắt ưu tiên đảm bảo an toàn cho học sinh. Về thiệt hại của điểm trường ông Quế cho hay: "Trường hiện tại có 3 điểm sạt lở, trong đó nặng nhất là sập 16 phòng ký túc xá của học sinh và bị vùi lấp 10 xe máy của giáo viên".
Do bị chặn các lối vào trường, việc tiếp cận để đưa nhu yếu phẩm là rất khó khăn, thực phẩm hiện nay do các thầy cô và học sinh chủ động tại chỗ.
"Chúng tôi vẫn đủ lương thực ổn định cho vài ngày tới, hôm qua đã phải mổ lợn của nhà bác bảo vệ trường để nấu cơm. Tuy nhiên, vẫn cần sớm có phương án khắc phục giúp học sinh có thể đi học trở lại", ông Vũ Xuân Quế cho hay.
Các điểm sạt lở gần Trường THCS-THPT Bát Xát (Ảnh: Trường THCS-THPT Bát Xát).
Với 59 trường học và hơn 22.000 học sinh, huyện Mường Khương, Lào Cai cũng đang phải tạm dừng hoạt động học tập do ảnh hưởng của mưa lũ gây ra.
Tận dụng chút pin cuối cùng của điện thoại để trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Vinh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Khương cho hay: "Huyện chúng tôi mất điện cả ngày hôm nay, mới có sóng điện thoại trở lại, học sinh cũng phải nghỉ học để tránh lũ, sạt lở. Trong những ngày này, các thầy cô vẫn phải trực tại trường 24/24 mới có thể chủ động phòng tránh khi có mưa lũ xảy ra và phụ giúp người dân trên địa bàn".
Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục tại huyện Mường chưa xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, phải điều chỉnh lại kế hoạch dạy học sau mưa lũ bởi học trực tuyến ở khu vực này là điều không thể.
"Ảnh hưởng của mưa lũ nên xảy ra mất điện, không có sóng điện thoại, khó khăn về vấn đề đường truyền và thiết bị nên khó có thể duy trì việc học của các em, chỉ có học bù sau khi ổn định trở lại", ông Vinh bày tỏ.
Riêng với các trường học bán trú, vẫn đảm bảo lượng thực phẩm duy trì nuôi ăn các em và kiểm soát an toàn. "May mắn, trước thời điểm bão lũ, huyện chúng tôi đã được cung ứng, hỗ trợ đầy đủ về sách giáo khoa, đồ dùng học tập. Vì vậy, đến nay không có tình trạng thiếu sách học tập cho học sinh", Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Ngoài Lào Cai, các tỉnh/thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng,… cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ.
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính các địa phương chủ động lên phương án di dời người dân có thể bị ảnh hưởng tới nơi an toàn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
Triển khai các giải pháp kiểm soát vùng thượng lưu, nỗ lực giảm lưu lượng nước xuống các hồ đập, giảm nguy cơ quá tải các hồ đập.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp xử lý kịp thời việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo, vấn đề vượt thẩm quyền thì khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.