Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay về dự án luật Giáo dục (sửa đổi) có 63 đại biểu đăng ký phát biểu.
Mở đầu phiên làm việc, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho rằng: “Qua nghiên cứu luật Giáo dục (sửa đổi) tôi nhận thấy có nhiều vấn đề lớn mang tính bao trùm hệ thống giáo dục, khi luật Giáo dục (gốc) được ra đời sau luật chuyên ngành và luật Giáo dục (sửa đổi). Ở đây, tôi góp ý 2 vấn đề về dự án luật Giáo dục (sửa đổi) lần này:
Thứ nhất, luật Giáo dục quy định các vấn đề chung của giáo dục, các luật chuyên ngành phải được xây dựng trên cơ sở luật Giáo dục. Hiện, dự án luật Giáo dục (sửa đổi) còn nhiều vướng mắc về luật Giáo dục đại học như mục tiêu giáo dục đại học, hội đồng trường tư thục, hoạt động không vì lợi nhuận… Cũng qua rà soát, tôi nhận thấy luật Giáo dục có ít nhất 16 nội dung được sửa đổi, bổ sung có liên quan mật thiết đến luật Giáo dục đại học như các điều: 4, 6, 37, 38, 39, 40, 41, 42…
Ngoài ra, nếu luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua luật Giáo dục đại học phải chờ cho đến khi luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực mới thực hiện được. Nếu không, sẽ trái luật. Tôi kiến nghị xem xét lại vấn đề này.
Thứ hai, về hệ thống giáo dục tại điều 5, tôi bắt đầu bằng nội dung nêu trong nghị quyết 29, cụ thể nghị quyết có nêu đổi mới giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ giữa các phương thức đào tạo, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quy định như dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) thì tôi thấy chưa thể chế hóa được nội dung cơ bản này…”.
Từ những phân tích nêu trên, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị dự thảo luật cần được chỉnh sửa, theo hướng quy định tại khoản 2, điều 5 cụ thể: Về các hệ thống giáo dục đào tạo quốc dân bao gồm: a, Giáo dục mẫu giáo; b, Giáo dục tiểu học; c, THCS, trung học toàn phần (THPT và trung học hướng nghiệp); d, Nghề có nghề sơ cấp, trung cấp, cao cấp; e, Đào tạo trình độ cao đẳng, cử nhân và tương đương, trình độ thạc sĩ và tương đương, trình độ tiến sĩ và tương đương.
“Nếu dự thảo luật được quy định theo hướng như vậy thì sẽ thể chế hóa được nghị quyết 29, nghị quyết 19. Tạo ra hình hài của một hệ thống giáo dục mở…”, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh cho biết thêm.
Tiếp đó, ĐBQH Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đóng góp 1 từ trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi).
“Có thể nói, từ kỳ họp trước đến nay, Quốc hội đã cho thay một từ chỗ luật sửa đổi một số điều sang thành luật Giáo dục (sửa đổi). Thời gian không dài, nhưng ban soạn thảo cũng đã rất cố gắng, kịp thời sửa đổi một số điều luật sang luật Giáo dục (sửa đổi). Đồng thời, phân tích rất sâu của cơ quan thẩm tra cho thấy sự hoàn chỉnh trong dự thảo luật. Để hoàn thiện dự thảo luật này, tôi xin đóng góp một từ đó là “thực nghiệm”. Từ “thực nghiệm” trước đây tồn tại ở điều 29 trong việc xây dựng sách giáo khoa, lần này tôi tìm và thấy nằm ở điều 103 về phần quản lý Nhà nước về giáo dục.
Tại sao tôi chỉ phân tích một từ này?Ở kỳ trước tôi phân tích khá sâu về “thí nghiệm”, “thực nghiệm”. Thời gian qua, vấn đề thí nghiệm, thực nghiệm có một số chỗ còn lấy học sinh ra làm chuột bạch, được thì tốt còn không được thì không biết học sinh sẽ đi về đâu? Sai một ly đi một dặm. Tôi có đặt vấn đề thực nghiệm phải thông qua Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra của cơ quan thẩm tra cũng có nhận định là cần có cơ quan kiểm chứng, cho ý kiến phê duyệt… Ý kiến này ban soạn thảo cũng tiếp thu, tuy nhiên khi đọc kỹ điều 103 tôi thấy còn loằng ngoằng chưa thể hiện sự cầu thị.
Do vậy, chúng tôi đề nghị ban soạn thảo phải có ý kiến về vấn đề này, nếu tiếp thu thì phải sửa, nếu không tiếp thu ban soạn thảo cũng phải nói rõ lý do. Tôi xin nhấn mạnh sự bức xúc ở điểm này…”.