Thông tin trên VietNamNet, tại Việt Nam, theo số liệu năm 2020, ung thư dạ dày đứng hàng thứ 4 trong các bệnh ung thư thường gặp với 17.902 ca mắc mới và 14.615 ca tử vong, cứ 100.000 sẽ có hơn 24 người mắc ung thư dạ dày.
Bệnh liên quan đến vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), chế độ ăn uống và một số yếu tố địa lý, môi trường. Bệnh thường diễn biến âm thầm ở giai đoạn sớm nên người bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.
Ths.BS Hà Hải Nam - Phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội) chia sẻ về trường hợp nữ bệnh nhân, hơn 40 tuổi, tới khám chỉ vì thấy chán ăn kéo dài.
Trùng hợp là chị cũng đang muốn giảm cân để duy trì vóc dáng, nên suốt vài tháng qua nữ bệnh nhân không phát hiện bất thường dù những người xung quanh nhắc nhở rằng thân hình chị ngày càng gầy đi.
Thay vì nhận định nguy cơ, chị coi đó là những lời khen. Đến khi bước lên cân cách đây vài ngày, người phụ nữ giật mình khi cân nặng chỉ còn chưa tới 40kg (trước đây là 50kg).
Người phụ nữ này chia sẻ, suốt gần 6 tháng qua, chị luôn trong trạng thái chán ăn, có ngày chỉ ăn một chút bánh và uống những viên thuốc vitamin tổng hợp, cộng thêm 1 cốc nước hoa quả. “Tôi hoàn toàn nói không với tinh bột trong suốt thời gian dài vì cứ nhìn thấy cơm canh là lợm giọng”, người bệnh cho biết.
Thế nhưng khoảng hơn 2 tuần nay, chị có cảm thấy buồn nôn và đau tức vùng thượng vị. Người phụ nữ này tự ra mua thuốc uống nhưng chỉ đỡ được thời gian ngắn, các triệu chứng lại xuất hiện dày đặc hơn. Tới lúc này, lo lắng khiến chị vội tìm hỏi thông tin để đi khám.
“Với kết quả xét nghiệm máu, nội soi có ổ loét lớn góc bờ cong nhỏ dạ dày nghi ngờ ác tính, tôi đề nghị bệnh nhân nhập viện sớm. Chưa hết, xét nghiệm máu cho thấy, chị đang trong tình trạng thiếu máu mức độ trung bình. Điều này thể hiện rõ một thực tế bệnh không còn ở giai đoạn sớm nữa…”, Ths.BS Nam lo ngại.
Lúc này, người phụ nữ im lặng rất lâu. Chị không dám tin vào những gì vừa được giải thích và tư vấn, cũng chưa đủ dũng khí để đối diện với kết quả thăm khám.
Sau đó, kết quả sinh thiết cho thấy, chị mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn IIB (giai đoạn mà khối u đã xâm lấn vào các lớp sâu hơn của dạ dày và di căn đến các hạch bạch huyết lân cận).
Thông tin trên Dân trí, ung thư dạ dày là căn bệnh thường gặp trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa. Những năm gần đây, bệnh có xu hướng trẻ hóa và tăng lên.
Số người được phát hiện sớm ung thư dạ dày tại Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng bởi phần lớn người dân chưa hình thành thói quen tầm soát ung thư định kỳ. Dưới đây là một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày:
- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày, như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột từng mắc ung thư dạ dày. Theo bác sĩ Bệnh viện K, những người trong gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 4 lần so với những người khác.
- Những người có viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm teo thân vị hoặc toàn bộ niêm mạc đều có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày. Hay những người bị viêm dạ dày mạn tính có nhiều dị sản ruột có nguy cơ phát triển thành ung thư dạ dày cao hơn.
- Những người bị hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình, những polyp này rất dễ trở thành ác tính.
- Người có tiền sử nhiễm HP dạ dày. Các nghiên cứu cho thấy có 35-90% bệnh nhân ung thư biểu mô dạ dày có liên quan tới nhiễm khuẩn HP.
- Người bị cắt dạ dày, dịch mật trào ngược gây viêm teo niêm mạc dạ dày mạn tiến triển thành ung thư dạ dày.
- Người có thói quen ăn uống các thực phẩm chứa nhiều nitrat như ngũ cốc mốc, thịt hun khói, thực phẩm ướp nhiều muối. Khi vào dạ dày, các nitrat sẽ phản ứng với các amin tạo thành các nitrosamine, làm tăng nguy cơ gây ung thư.
Thùy Anh (Tổng Hợp)