'Nhờ' em gái ngủ với kẻ điên để vinh danh khoa bảng

'Nhờ' em gái ngủ với kẻ điên để vinh danh khoa bảng

Thứ 5, 30/05/2013 15:27

Theo ghi chép trong Đại Việt đỉnh khiết lịch triều đăng khoa lục, nhà Nguyễn Đức Lượng có tới "ba đời đăng khoa", điều ấy đáng để đời sau ngưỡng mộ.

Nguyễn Đức Lượng, ở đất xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Dân Hòa huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Nhưng ngoài sức học, ông trạng Nguyễn Đức Lượng còn phải cậy nhờ cô em gái trao "cái ngàn vàng" cho kẻ điên bị hủi mới nên nghiệp khoa bảng.

Điều này, trong Đăng khoa lục sưu giảng còn ghi lại. Theo đó, buổi ấy Nguyễn Đức Lượng tuổi đã cao, sắp ngũ tuần rồi, mà chưa đỗ đạt gì, đường khoa cử không thấy hanh thông, sáng sủa. Ông bèn mời một thầy địa lý người phương Bắc về nuôi để tìm giúp cho một ngôi đất phát về khoa cử. Thầy địa lý đi tìm khắp nơi trong vùng, nhưng phải tròn một năm sau mới tìm được ngôi đất ưng ý cho ông, nhưng lại chưa tìm được ngày táng, nên phải đợi thời gian thích hợp. Gần ngôi đất ấy là khu chợ lớn, có một người đàn ông bị điên, lại mắc bệnh cùi (bệnh phong, bệnh hủi), hay lân la quanh chợ xin ăn. Việc từ đây mà mới năm bảy đường oái oăm.

Trước ngày táng mộ tổ nửa tháng của nhà Nguyễn Đức Lượng vào ngôi đất đã định, thì người ăn xin điên ấy lại dựng chiếc lều ngay đúng chỗ ngôi đất đã chọn của Nguyễn Đức Lượng. Đuổi hắn cũng không đi, cho tiền gạo, dỗ dành, quát nạt nặng nhẹ hắn cũng chẳng chịu. Nhưng khổ nỗi, người điên ấy lại có tính cố chấp, khăng khăng không chịu nghe lời ngọt nhạt của Nguyễn Đức Lượng.

Bấy giờ, ông có người em gái tuổi đã cập kê, nhan sắc đáng để bọn nam nhi ao ước, nổi tiếng khắp vùng bởi hương sắc mà lại chưa lấy chồng, còn đang đợi người xứng đôi vừa lứa đến rước đi. Người điên ăn xin ấy cũng biết tới tiếng tăm của cô. Dù là kẻ phong hủi, nhưng cũng là đàn ông như bao người khác. Hắn mới nói: Ông có cô em gái xinh đẹp, nếu cho tôi được giao hoan một lần, thì chẳng cần tiền bạc, nhà cửa hay ruộng vườn gì, tôi sẽ rút lều đi ngay.

Nghe hắn nói thế, Nguyễn Đức Lượng bất ngờ lắm, không ngờ kẻ điên, lại rơ ráy ngần ấy như hắn mà dám nói ra ước muốn không tưởng. Nhưng lại nghĩ đất tốt sắp đến ngày táng rồi, mà việc cứ đình lại mãi thế này không biết làm sao, ông bèn khất với người điên ăn xin về hỏi ý kiến em gái.

Về nhà, sau bao hồi suy nghĩ, ông không đành lòng nói cho em biết. Nhưng ngày hợp táng đã gần kề, mà kẻ điên vẫn cắm lều ở ngôi đất ấy không chịu rời đi. Chẳng biết làm cách nào hay hơn, một đêm khuya, Nguyễn Đức Lượng bèn gọi cô em gái lại bảo. Người em nghe anh tâm sự, lấy làm thông cảm lắm, sau một lúc lâu tư lự, mới nói: Nếu vì việc ấy mà hồn phách của cha được yên, danh tiếng, khoa cử của anh được thành, thì anh bảo sao, em xin nghe làm vậy. Tấm thân giữ vàng, gìn ngọc này em cần gì phải tiếc nữa.

Đến ngày hôm sau, cô em gái tắm rửa sạch sẽ, chờ đêm khuya, liền một thân một mình đi đến nơi người điên ấy đang cắm lều ngủ, rồi nằm chung với hắn, tỏ bày sự thể. Hai người vừa quan hệ được một lúc, người điên liền bị chết ngay trên bụng cô gái ấy. Người em gái sợ quá, liền đẩy luôn người điên xuống đất, hớt hải chạy về báo với Nguyễn Đức Lượng để ngày mai đến khiêng đi chôn chỗ khác... Kể từ khi táng hài cốt của cha vào bên cạnh mộ người điên chết, sức học của Nguyễn Đức Lượng cũng ngày một tấn tới. Đến khoa thi năm Giáp Tuất (1514) đời vua Lê Tương Dực, Nguyễn Đức Lượng được ghi danh đại khoa, đứng đầu bảng vàng.

Luật nay: Yêu cầu điều tra cái chết của người điên

Câu chuyện trên cho thấy được sự hy sinh cao cả của người em gái đến nhường nào. Để cho người anh được vinh danh khoa bảng, cô đã không ngần ngại trao tấm thân ngọc ngà ấy cho một kẻ điên mà mình không hề hay biết và yêu thương. Xét ra, việc làm ấy của người anh là đáng trách và có phần hơi ích kỷ.

Có một chi tiết đáng chú ý trong vụ việc trên là: Sau khi có quan hệ với với em gái của Nguyễn Hữu Lượng, kẻ điên đã chết một cách rất khó hiểu. Xung quanh cái chết ấy, liệu có điều gì khuất tất. Có phải để đạt được mục đích của mình mà người anh ngầm ra tay hạ độc? Chiếu theo những quy định của pháp luật thời nay thì không thể nghi ngờ, buộc tội cho một ai đó khi chưa có chứng cứ rõ ràng. Biết đâu cái chết của kẻ điên ấy chỉ là do niềm vui đến bất ngờ quá mà hắn đã bị thượng mã phong mà chết.

Sau khi có án mạng anh em Nguyễn Hữu Lượng phải báo ngay lên cơ quan công an để làm rõ sự việc. Đằng này, người em về nhà báo tin cho anh định mang cái xác đi chôn. Giả sử việc này xảy ra ở thời nay thì sao? Khi nhận được tin báo có án mạng, cơ quan công an phải tiến hành các biện pháp điều tra để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của kẻ điên ấy đồng thời có ra quyết định khởi tố vụ án hay không. Điều 13 BLTTHS quy định về Trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự như sau: Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội. Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.

Như vậy, trong vụ án trên, cơ quan chức năng sau khi có kết luận cuối cùng về án mạng của kẻ điên nếu có dấu hiệu của tội phạm thì phải ra quyết định khởi tố vụ án.                     

Tường Linh                                                       

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.