Nhọc nhằn nghề gác rừng - Bài 3: Trực chiến ngày đêm để bảo vệ  “báu vật” đại ngàn

Nhọc nhằn nghề gác rừng - Bài 3: Trực chiến ngày đêm để bảo vệ “báu vật” đại ngàn

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Chủ nhật, 11/08/2024 07:34

Nằm sâu trong lõi đại ngàn của huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), có quần thể gỗ hương cổ thụ quý hiếm. Lực lượng gác rừng ngày đêm túc trực bảo vệ.

Gác rừng bảo tồn "báu vật"

Gỗ giáng hương (còn gọi là gỗ hương) thuộc cây họ Đậu, tên khoa học là (Pterocarpus macrocarpus) nằm trong top 1, thuộc loại gỗ quý hiếm tại Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của cây giáng hương là có kết cấu bền, chắc, nặng và độ cứng cao. 

Thịt gỗ có màu nâu đỏ đậm với những đường vân đen sẫm, mùi thơm nồng nàn đặc trưng. Tuổi thọ của cây giáng hương có thể lên tới 1.000 năm. 

Chính vì vậy, gỗ hương được săn lùng trên thị trường. Lâm tặc "dòm ngó" loại gỗ này, khiến anh em gác rừng cũng thêm phần vất vả.

Tại xã Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), nằm sâu bên trong lõi những cánh rừng đại ngàn, vẫn tồn tại một quần thể gỗ hương cổ thụ, quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm. Chính bởi mức độ quý hiếm, giá trị kinh tế cao, nên những năm về trước huyện Kbang là "điểm nóng" tệ nạn phá rừng. Lâm tặc lợi dụng đêm tối khai thác trái phép, khiến quần thể rừng hương bị đe dọa phá hoại nghiêm trọng.

Nhọc nhằn nghề gác rừng - Bài 3: Trực chiến ngày đêm để bảo vệ  “báu vật” đại ngàn- Ảnh 1.

Những cây giáng hương cổ thụ, quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa cho biết: "Đơn vị có 26 người, được giao quản lý 7.780ha rừng. Trong đó, có quần thể gỗ hương quý hiếm. Tuy nhiên, rừng hương cổ thụ này không nằm tập trung ở một chỗ mà nằm rải rác tại 7 tiểu khu khác nhau, khiến công tác bảo vệ, quản lý gặp nhiều khó khăn".

Theo ông Thọ, những năm trước huyện Kbang là "điểm nóng" về tệ nạn phá rừng. Lâm tặc hoạt động rất tinh vi, cho người theo dõi "nhất cử nhất động" của lực lượng bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chúng lợi dụng đêm tối, trời mưa gió, địa hình rừng núi hiểm trở khai thác gỗ trái phép. Tinh vi hơn các nhóm "đầu nậu" lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân địa phương, thuê họ đi khai thác gỗ trái phép.

Khi sự việc bị phát giác, đa phần là những người dân địa phương phải đứng ra nhận trách nhiệm. Trước thực trạng lâm tặc ngày đêm dòm ngó rừng hương quý hiếm, tỉnh Gia Lai và huyện Kbang đã đề ra nhiều biện pháp quyết liệt bảo tồn rừng hương, duy trì, nhân rộng nguồn gen loài gỗ quý hiếm.

Nhọc nhằn nghề gác rừng - Bài 3: Trực chiến ngày đêm để bảo vệ  “báu vật” đại ngàn- Ảnh 2.

Giáng hương, một loại gỗ quý tại Việt Nam/

Ông Thọ chia sẻ thêm: "Với quyết tâm bằng mọi giá giữ bằng được rừng hương, lực lượng bảo vệ rừng của công ty được điều động thành lập các chốt ăn ở ngay tại các tiểu khu có sự hiện diện của rừng hương, ngày đêm canh giữ. Nhờ công tác quản lý chặt chẽ, những năm gần đây tình trạng phá rừng, khai thác gỗ quý đã giảm rất nhiều.

Tuy nhiên, cuộc sống của anh em rất vất vả, phải túc trực cả ngày lẫn đêm, sống xa gia đình. Đường lên trạm gác tại các tiểu khu rất gian nan, phải sống trong điều kiện thiếu thốn vật chất, ăn uống tạm bợ, ngoài lương chính ra không có khoản phụ cấp nào khác. Tôi mong các cơ quan chức năng có chính sách cải thiện chế độ, để anh em bảo vệ rừng đỡ vất vả hơn".

Nhọc nhằn nghề gác rừng - Bài 3: Trực chiến ngày đêm để bảo vệ  “báu vật” đại ngàn- Ảnh 3.

Lực lượng công ty phối hợp với cán bộ Công an huyện Kbang tổ chức những buổi tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ rừng hương quý.

Sau câu chuyện với Giám đốc công ty, chúng tôi ngồi sau xe máy "đặc dụng" của anh Lê Minh Nhật, Phó Đội trưởng đội Quản lý bảo vệ rừng "mục sở thị" quần thể gỗ hương quý hiếm. Trên đường đi anh Nhật kể, vừa qua đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai vào thống kê, trên địa bàn xã Krong có 410 cây hương, phân bố tại 27 khoảnh, 7 tiểu khu, trong đó có những cây gỗ hương được xác định đến vài trăm năm tuổi.

Gỗ hương mọc tập trung nhiều nhất là ở làng Vir với quần thể khoảng 250 cây và làng Hro có khoảng 40 cây. Sự tồn tại của quần thể gỗ hương lớn nhất tỉnh Gia Lai chứa đựng nhiều ý nghĩa trong việc bảo tồn gen và gìn giữ quần thể rừng phong phú, đa dạng.

Thay nhau gác rừng ngày đêm

Sau gần 2 giờ băng qua những con đường quanh co, gập ghềnh, anh Nhật chỉ cho chúng tôi vị trí cây gỗ hương đầu tiên kích thước khủng, vòng tay 2 người lớn ôm không xuể. Đi thêm một đoạn, chúng tôi có mặt tại chốt quản lý bảo vệ rừng Tơ Nang (làng Vir, xã Krong).

Theo anh Nhật, chốt đang quản lý, bảo vệ hơn 1.512ha rừng tự nhiên, trong đó có khoảng 256 cây hương. Vì mật độ cây lớn nên công ty đã phân công 4 nhân viên bảo vệ rừng, phối hợp cùng khoảng chục người dân trong tổ giao khoán thay nhau đi tuần tra, bảo vệ suốt ngày đêm.

Lúc này, trời đổ mưa to, chúng tôi ghé chốt, nơi anh em tổ quản lý bảo vệ rừng ăn ở sinh hoạt. Trong lán có 3 nhân viên bảo vệ rừng đang chuẩn bị ăn cơm trưa, dù lúc này đã gần 15h chiều. Nhìn bữa cơm đạm bạc, vài con cá suối, vài xâu ếch rừng nướng các anh mới bắt được tối hôm trước khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Nhọc nhằn nghề gác rừng - Bài 3: Trực chiến ngày đêm để bảo vệ  “báu vật” đại ngàn- Ảnh 4.

Bữa cơm trưa đạm bạc của anh em tổ bảo vệ rừng, ngày đêm giữ rừng hương quý.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nay Trâm, nhân viên tổ quản lý bảo vệ rừng cho biết, cả ba anh em mới tuần tra rừng một vòng về. "Ở đây ăn uống chỉ vậy thôi, mùa mưa đường xá lầy lội anh em ngại ra ngoài làng mua đồ ăn. Anh em thay nhau trực. 

Hôm nào cuối tuần có người vào thì mua đồ ăn cá khô, mắm muối để dành ăn cả tuần. Hôm nào mưa bão quá không có người vào, thì anh em lên rừng kiếm mớ rau, hay ra ngoài suối kiếm con cá, con tôm về cải thiện".

Trời tạnh mưa, chúng tôi tiến sâu vào rừng, bắt gặp một cây hương lớn bị gió bão quật đổ nằm vắt ngang. Anh Nhật cho biết: "Ngoài cây này, trong rừng còn 4 cây nữa bật gốc nhiều năm nay, có dấu hiệu bị mục, hư hỏng bởi thời tiết. Có những cây bị chôn vùi lâu nhất trong rừng khoảng 5 năm. Gỗ có giá trị cao để hư hỏng như thế rất lãng phí tài nguyên".

Ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: "Rừng hương là tài sản quý giá. Chính vì vậy, luôn bị các lâm tặc rình rập để khai thác trái phép. Trong khi đó, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, như rừng hương không nằm tập trung một chỗ mà rải rác tại các tiểu khu trên diện tích rộng, phải phân tán lực lượng nhỏ ra để canh gác. 

Bên cạnh đó, về mặt cơ chế chưa có quy định nào cho phép tận thu, khai thác những cây hương bị gãy đổ do thời tiết, mà phải giữ nguyên hiện trạng để năm này qua năm khác, cây bị mục nát gây lãng phí".

Nhọc nhằn nghề gác rừng - Bài 3: Trực chiến ngày đêm để bảo vệ  “báu vật” đại ngàn- Ảnh 5.

Một cây hương bị bật gốc, nằm phơi nắng, phơi mưa nhiều năm, có dấu hiệu bị hư hỏng.


Theo ông Hà, Chi cục sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai xem xét lại quy định cấm khai thác tận thu, tận dụng đối với nguồn lâm sản do ngã đổ tự nhiên. Qua đó, sớm đưa số cây hương ngã đổ ra ngoài, nhằm san sẻ gánh nặng trách nhiệm bảo vệ cho chủ rừng và tránh lãng phí nguồn lâm sản quý này.

Anh Lê Minh Nhật, Phó Đội trưởng đội Quản lý bảo vệ rừng cho biết: Theo quy định, dù cây gỗ hương bị ngã đổ tự nhiên cũng không được câu kéo, giữ nguyên hiện trường nên lực lượng bảo vệ rừng rất chật vật để canh giữ. Mỗi ngày, anh em phải trèo lên những vách núi hiểm trở để kiểm tra các cây hương gãy đổ đang mục dần. Công ty đã có nhiều văn bản đề nghị cơ quan chức năng đưa về trụ sở để bán đấu giá hay xử lý theo quy định, nhưng vẫn chưa thấy phản hồi".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.