Nhóm ngành Tâm lý, Tham vấn học đường là một trong số ngành học hấp dẫn cho học sinh theo học các khối Khoa học xã hội. Đặc biệt, với những thí sinh có nguyện vọng trở thành giáo viên, đây cũng là lĩnh vực cân nhắc thêm vào danh sách đăng ký của mình.
Hầu hết ngành Tham vấn học đường, Tâm lý học sẽ tuyển sinh ở các khối C00 (Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý), D01 (Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh) với mức điểm năm 2024 chuẩn dao động từ 24 đến 28 điểm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Trần Văn Công – Phó Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết lĩnh vực tâm lý rất đa dạng, vì vậy, thí sinh cần phân biệt rõ chương trình đào tạo của từng ngành để có lựa chọn phù hợp.
Đối với ngành Tham vấn học đường, nội dung học tập theo 3 hướng là tâm lý học đường, hướng nghiệp và công tác xã hội. Tương ứng, sau khi ra trường sinh viên có thể làm tham vấn về tâm lý và sức khỏe học sinh, tư vấn nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, các em cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến công tác xã hội, hỗ trợ cho học sinh yếu thế.
Còn ngành Tâm lý học (định hướng lâm sàng trẻ em và vị thành niên) tập trung vào nội dung tâm lý lâm sàng ở nhóm trẻ em và thanh thiếu niên. Việc làm của ngành này cũng được mở rộng tại các phòng khám, bệnh viện chứ không nhất thiết chỉ ở trong trường học với các vị trí như nhà tâm lý, chuyên gia tâm lý lâm sàng. Nếu sinh viên học ở bậc học cao hơn (như thạc sĩ, tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng) và có số năm kinh nghiệm làm kỹ thuật trị liệu và tham vấn tâm lý thì sẽ trở thành nhà trị liệu tâm lý.

PGS.TS Trần Văn Công – Phó Trưởng khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Tâm lý học (với chuyên ngành tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên) và Tham vấn học đường vẫn là những ngành còn khá mới và nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Vai trò của các nhà tâm lý và chuyên viên tâm lý ở các cơ sở y tế ngày càng được công nhận và tôn trọng.
Ở các trường học, cha mẹ và giáo viên dần nhận ra tầm quan trọng của cán bộ tham vấn học đường trong việc giải quyết các khó khăn và thúc đẩy và phát triển các khía cạnh cảm xúc của trẻ", ông Trần Văn Công cho hay.
Thêm vào đó, cả 2 ngành học trên đều là các ngành đào tạo theo hướng liên ngành. Đây là cơ hội để sinh viên các ngành Tâm lý học và Tham vấn học đường mở rộng cơ hội nghề nghiệp hay mở rộng hiểu biết ở các ngành học có liên quan.
Ở đây, ông Công cũng nhấn mạnh về triển vọng việc làm ở những nhóm ngành trên, chưa kể đến đây là một trong những nghề nghiệp khó bị thay thế bởi công nghệ hay AI.
Ông Trần Văn Công cho biết: "Khác với các công việc thiên về kỹ thuật hoặc có những quy trình tương đối chuẩn mực, rõ ràng hoặc có tính lặp đi lặp lại, thì tâm lý con người vẫn là vấn đề phức tạp, đa dạng và có tính cá nhân hóa cao độ nên chưa thể nhờ máy móc trong thời gian dài sắp tới, hay nhập dữ liệu là có thể xử lý, hay giúp đỡ các hành vi liên quan đến tâm lý".
Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển, nhưng theo ông Công vẫn có nhiều khó khăn mà sinh viên cần phải lưu ý trước khi chọn theo học ngành này.
Theo đó, nhiều giáo viên ở các trường học, cán bộ tâm lý ở các cơ sở y tế, trị liệu còn chưa được ghi nhận đúng vai trò, dẫn đến việc chồng chéo trách nhiệm hay kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Nhu cầu tham vấn tâm lý học được ngày càng tăng ở bậc THPT.
Hiện nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng, nhưng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chất lượng trong các lĩnh vực như tâm lý học lâm sàng còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Điều này có thể dẫn đến sự quá tải nhiệm vụ đối với các nhà tâm lý hay cán bộ tham vấn học đường.
Ngoài ra, mặc dù ngày càng có nhiều người quan tâm và tìm hiểu về sức khỏe tâm thần, nhưng nhắc đến việc đi thăm khám hay sử dụng dịch vụ "tâm lý, tâm thần", nhiều người Việt Nam vẫn còn e ngại. Việc này một phần do định kiến xã hội về sức khỏe tâm thần, một phần cũng do sự thiếu nhận thức đúng đắn của xã hội về vai trò của ngành tâm lý học và tham vấn học đường trong xã hội hiện đại.
Theo ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng trường tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc một trường học hạnh phúc đòi hỏi thầy cô vừa cung cấp kiến thức vừa là chỗ dựa về tinh thần để các em chia sẻ những tâm tư tình cảm của mình. Tuy nhiên, ông Mạnh nhận thấy hiện nay rất có tuyển dụng được nhân lực được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường cho học sinh, dù nhu cầu luôn có.
"Trong một vài năm tới, cả nước cần vài trăm nghìn người làm công tác "tư vấn học sinh", điều này đặt ra vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo điều kiện cho vị trí này. Mặc dù vậy, đây là ngành học vẫn đang bị bỏ ngỏ, ít được các em quan tâm trong nhiều mùa tuyển sinh", ông Mạnh chia sẻ.