Tuyển dụng người tài vào làm việc trong môi trường công vụ là một chủ trương lớn mà nhiều địa phương thực hiện suốt nhiều năm qua, trong đó có Tp.HCM.
Hai năm trước, Tp.HCM đăng tuyển mời gọi chuyên gia cho 14 vị trí thuộc các cơ quan, đơn vị gồm: Sở KH-ĐT, Ban quản lý (BQL) Khu nông nghiệp công nghệ cao, BQL Khu công nghệ cao (SHTP) và Viện Khoa học - công nghệ tính toán (thuộc Sở KH-CN).
Từ 14 hồ sơ đăng ký, chỉ SHTP tuyển được 5 vị trí, 3 đơn vị còn lại không tìm được nhân sự nào. Các vị trí làm việc ở SHTP có TS Hoàng Thế Bân trúng tuyển vị trí tư vấn xây dựng, phát triển Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ; ông Ngô Huỳnh Thiện (kiều bào đang sinh sống ở Bỉ) vào vị trí phát triển công nghệ vật liệu mới. Ba chuyên gia Nhật Bản trúng tuyển gồm ông Masakazu Aono, vị trí phát triển công nghệ vật liệu mới; ông Kazuhiko Nakamura và ông Susumu Sugiyama cùng tham gia vào vị trí công nghệ vi cơ điện tử - MEMS.
Trong 5 vị trí trên, TS Hoàng Thế Bân là chuyên gia đã làm việc tại SHTP từ năm 2016 theo chương trình thí điểm thu hút chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ của Tp.HCM. Đến nay, 4 chuyên gia còn lại vẫn chưa được ký hợp đồng chính thức nên chưa bắt tay vào việc.
Theo Thanh Niên, năm ngoái, chỉ duy nhất Sở VH-TT Tp.HCM đăng ký tuyển 6 người có tài năng đặc biệt, gồm 2 vị trí lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và 4 vị trí lĩnh vực thể dục - thể thao thành tích cao, nhưng cũng chỉ có một hồ sơ đăng ký và chưa tuyển được ai. Sang năm nay, chỉ 2 sở có nhu cầu tìm kiếm 5 người tài, là Sở KH-ĐT và Sở NN-PTNT.
Trong đó, Sở KH-ĐT tìm một chuyên gia tư vấn cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển kinh tế tập thể, tư nhân; một chuyên gia tư vấn quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Sở NN-PTNT tuyển 3 vị trí là các chuyên gia lĩnh vực công nghệ sinh học về công tác tại Trung tâm công nghệ sinh học (HCMBIOTECH, trực thuộc sở này).
Tính cho cả giai đoạn 2014 - 2019, nhờ áp dụng một số chính sách đãi ngộ rất cao, nhất là lương tối đa 150 triệu đồng/tháng mà Tp.HCM đã thu hút được 19 chuyên gia làm việc tại 4 đơn vị: SHTP, BQL Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán và HCMBIOTECH.
Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp.HCM, các chuyên gia nước ngoài đã đóng góp rất lớn để thực hiện các chương trình phát triển khoa học – công nghệ của thành phố, như: GS.TS Susumu Sugiyama, TS Maxime Projetti… tích cực tập trung nghiên cứu Chương trình phát triển ngành công nghiệp Mems (vi cơ điện tử); GS.TS Susumu Sugiyama cùng với các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SHTP Labs) đã nghiên cứu thành công cảm biến áp suất ứng dụng trong hệ thống quan trắc mực nước tại cống nước thải…
Đến giai đoạn 2019 – 2022, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức bằng Quyết định 17 của UBND Tp.HCM về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Tuy nhiên, từ khi triển khai chính thức, chương trình không giữ chân được nhân tài cũ. 14 trên 19 chuyên gia tham gia trước đó đã rời đi.
Theo Lao Động, lý do chính khiến Tp.HCM ngày càng khó thu hút nhân tài về làm việc là chính sách đãi ngộ có nhiều thay đổi và không nhất quán giữa 2 chương trình thu hút chuyên gia 2014 - 2019 (thử nghiệm) và 2019 - 2022 (chính thức).
Cụ thể, ở giai đoạn thí điểm, Tp.HCM áp dụng mức lương lương tối đa 150 triệu đồng/tháng. Nhưng khi áp dụng chính thức thì lương hàng tháng được tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp; đối với giáo sư, phó giáo sư được hưởng hệ số 9,4, các trường hợp còn lại hưởng hệ số 8,8.
Với mức lương cơ sở hiện là 1,49 triệu đồng/tháng, chuyên gia có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư chỉ nhận lương hằng tháng 14 triệu đồng, các trường hợp còn lại nhận 13,1 triệu đồng. Mức lương này bằng chưa tới 1/10 mức tối đa ở giai đoạn thí điểm, tương đương công nhân, kỹ sư lành nghề ở doanh nghiệp tư nhân.
Nghịch lý là ở giai đoạn thí điểm, Tp.HCM đã nhìn nhận chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn để thu hút chuyên gia đầu ngành, nhưng khi áp dụng chính thức thì mức lương lại thấp hơn rất nhiều.
Với mức đãi ngộ trên, TS Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc HCMBIOTECH, cho rằng rất khó để thuyết phục chuyên gia bỏ hẳn công việc đang làm để về Tp.HCM làm việc trong khu vực công lập, chưa kể đến việc tìm được chuyên gia phù hợp với nhu cầu không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, công việc của Tp.HCM thu hút theo dạng dự án, chỉ ký hợp đồng làm việc một vài năm cũng khiến chuyên gia băn khoăn khi hết hợp đồng sẽ làm gì…
Không chỉ đãi ngộ kém hấp dẫn, ngay chính quy trình xét tuyển phức tạp với 7 bước cũng khiến chuyên gia… "phát ngán".
Cụ thể, Tp.HCM đăng tải thông tin về nhu cầu trong vòng một tháng, sau đó chuyên gia nộp hồ sơ ứng tuyển, hội đồng từng lĩnh vực sẽ thẩm định hồ sơ, kế đến chuyên gia được mời phỏng vấn để trình bày dự án hoặc kiểm tra năng lực, tiếp đến UBND Tp.HCM phê duyệt kết quả, rồi đơn vị thu hút ký kết hợp đồng.
Quy trình này kéo dài có khi đến cả năm, điển hình như SHTP thông báo tuyển dụng từ tháng 11/2020, nhưng đến giữa tháng 9/2021, UBND TP.HCM mới phê duyệt kết quả để làm cơ sở ký hợp đồng. Thời điểm này trùng với dịch Covid-19 bùng phát nên 4 chuyên gia ở nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc.
Theo nhận định của Sở NN-PTNT Tp.HCM, quy trình thu hút thực hiện qua nhiều bước, mất thời gian nên việc thu hút bị hạn chế. Đối với chuyên gia đang ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, hoạt động khoa học công nghệ nhiều năm, họ sẽ không thoải mái khi phải nộp hồ sơ đăng ký, trình bày đề án, dự án khoa học… để hội đồng đánh giá.
Để thu hút nhiều người tài về làm việc, ông Ngô Võ Kế Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao Tp.HCM, đề xuất thành phố chỉ quy định mức trần như giai đoạn thí điểm trước đây là tối đa 150 triệu đồng mỗi tháng, còn lại để doanh nghiệp và chuyên gia thoả thuận lương theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh đó, Tp.HCM cần có cơ chế để chuyên gia góp phần tạo ra các sản phẩm công nghệ có thể được hưởng tỉ lệ lợi ích từ việc thương mại hoá các sản phẩm này.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, cho rằng, không chỉ chính sách đãi ngộ, chuyên gia, nhà khoa học cũng đặc biệt quan tâm đến môi trường làm việc, điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực, sở trường. Thủ tục hành chính cũng phải đơn giản nhất đến mức có thể, vì nhà khoa học sợ nhất là thủ tục phức tạp.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ Tp.HCM, cho biết chính sách thu hút người tài là một phần của Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM.
Hiện nay, Sở Nội vụ đang cùng các đơn vị tham mưu UBND Tp.HCM đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 54 và sẽ rà soát, điều chỉnh các cơ chế, chính sách thu hút người tài cho phù hợp, đem lại hiệu quả cao hơn.
Minh Hoa (t/h)