Ngày mùng 10 tháng 3 năm 1876 được coi là mốc son đầu tiên đánh dấu sự ra đời của điện thoại mà người cha phát minh ra nó là Alexander Graham Bell. Đây thực sự là một bước tiến công nghệ đột phá, nó đã mở ra cả một kỷ nguyên phát triển mới trong lịch sử thông tin liên lạc, thay thế cho phương thức cũ thô sơ là điện báo trước đó.
Sau đó, vào tháng 6 năm 1876, máy điện thoại lần đầu tiên được đưa vào sử dụng trong hội chợ triển lãm “Contennial Exposition” ở Philadelphia. Trong giai đoạn đầu, chiếc điện thoại được thiết kế khá kiểu cách và cầu kỳ với hai nét đặc trưng là có hai đầu, một ống để nói và một ống để nghe và chỉ có người giàu mới có khả năng sở hữu chúng.
Tiếp đến là sự phát triển một số hình dáng khác của điện thoại như bốt điện thoại (nhưng thật tiếc vì giờ nó chỉ còn mang tính biểu tượng trên phim ảnh), điện thoại trong xe (đây là một mẫu điện thoại tiến gần với chức năng "di động", nó nhỏ gọn và có thể gắn vào trong xe hơi, rất tiện lợi cho người sử dụng thời bấy giờ)
Ra mắt vào năm 1967, "Carry phone" được coi là chiếc điện thoại "di động" đầu tiên, là một bước tiền gần hơn tới mẫu điện thoại di động nguyên bản. Tuy nhiên, dù gọi là di động nhưng người dùng lúc nào cũng phải vác cái hộp máy to lù lù và nặng đến 4-5 kg như cái va-li, trong khi giá thành lại không hề rẻ làm cho sản phẩm này rốt cuộc cũng không được phổ biến rộng rãi.
Và ngày quan trọng đánh dấu một sự bứt phá trong lịch sử điện thoại thế giới đã đến, 3 tháng 4 năm 1973, người nắm giữ khoảnh khắc này chính là một kĩ sư đến từ công ty Motorola có tên Marty Cooper. Từ thị trấn Mahattan, ông đã gọi Joel Engel – người đứng đầu phòng nghiên cứu Bell Labs, một trong những đối thủ lớn của Motorola lúc bấy giờ - với nội dung: “Joel này, Marty đây. Tôi đang gọi cho ông từ một chiếc điện thoại di động cầm tay thực sự.”
Với cuộc gọi lịch sử này, Marty đã khẳng định với những đối thủ khác, Motorola chính là công ty đầu tiên mang thiết bị điện thoại di động đến thế giới với tên gọi Motorola DynaTAC 8000x.
Bước sang tuổi thứ 47, Motorola DynaTAC 8000x, là thiết bị đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành công nghiệp di động phát triển rực rỡ của hôm nay. Khi ấy thiết bị này có trọng lượng lên đến 1,13kg, thời lượng pin cho việc đàm thoại liên tục khoảng 20 phút, và thời gian sạc pin cực kỳ ấn tượng, cần đến 10 giờ để sạc đầy pin cho Motorola DynaTAC 8000x.
Được giới thiệu lần đầu vào năm 1973, nhưng phải chờ đến 10 năm sau ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ FCC mới cấp phép cho thiết bị này được bán trên thị trường. Ban đầu, nó có giá lên tới 3995 USD (khoảng gần 84 triệu đồng). Trọn bộ sản phẩm bao gồm: Một thân máy, 1 pin trọng lượng nhẹ, bộ sạc pin, sách hướng dẫn sử dụng, và có 3 phiên bản màu khác nhau cho người dùng lựa chọn. Chiếc điện thoại “khủng” này chính là tiền thân của những sản phẩm gọn nhẹ, và nhiều tính năng hiện đại sau này.
"Lúc bấy giờ, ý tưởng tung ra một thiết bị điện thoại cầm tay là một điều gì đó mang tính cách mạng và đó là một khoảng thời gian tuyệt vời ở Motorola khi chúng tôi chính là những người đi tiên phong, còn nhớ một ngày tháng 12 năm 1972, Marty nói với tôi: Chúng ta cần xây dựng một chiếc điện thoại di động! và tôi đáp lại sửng sốt: Điện thoại di động là cái quái gì vậy?", Ruby Krolopp, một trong những thành viên của đội thiết kế, hồi tưởng lại.
Thời điểm đó rất nhiều người, thậm chí cả nhân viên làm việc tại Motorola cũng không tin rằng điện thoại di động có thể trở thành một sản phẩm tiêu dùng phổ biến. Tuy nhiên Marty Cooper và các cộng sự của mình không tin như vậy, và ông đã đúng. 10 năm sau cuộc gọi lịch sử đầu tiên, chiếc điện thoại di động của Motorola đã xuất hiện trên thị trường và được cả thế giới công nhận.
Sau gần 50 năm phát triển, chiếc điện thoại di động trở nên phổ biến, và xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Theo ước tính có khoảng 6 tỷ thuê bao di động trên toàn cầu, số lượng điện thoại smartphone được sử dụng khoảng 1 tỷ thiết bị.
Thế Hiệp (Tổng Hợp)