Trong cuốn sách Hà Nội ba sáu phố phường, Thạch Lam có viết: “Người Pháp có Pari, người Anh có London, người Tàu (Trung Quốc) có Thượng Hải... Trong các sách, trên các báo chí, họ đều nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, yêu mến... Nói thế để ta có thể hiểu rằng mỗi thành phố của mỗi quốc gia trên thế giới đều khiến cho người ta tự hào về nơi mình đang sống”.
Cà phê bệt Sài Gòn thu hút nhiều người tìm đến.
Sài Gòn trước kia là Phủ Gia Định đến năm 1698 được Nguyễn Hữu Cảnh đổi tên thành Sài Gòn. Sau khi chính quyền Ngụy Sài Gòn sụp đổ, thành phố vinh dự được mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khu vực quận 1 và quận 3 được xem là hai quận có những đường phố đẹp nhất. Nếu nói đến những con đường ở Sài Gòn thì ta không thể nào bỏ qua đường Lê Duẩn. Đây là con đường đẹp nhất, trong lành nhất. Nơi đây còn tập chung những địa danh nổi tiếng như Dinh Thống Nhất, bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà thờ Đức Bà... Đường Nguyễn Huệ, một trong những con đường đẹp nhất và đắt đỏ nhất Sài Gòn. Mỗi khi Tết đến xuân về con đường này lại được trang trí thành một đường hoa rực rỡ, thu hút rất nhiều khách tham quan.
Sài Gòn là trung tâm của Nam Bộ nên hầu hết mọi hàng hóa đều được tập chung ở đây, với nhiều khu trung tâm buôn bán, những khu chợ sầm uất. Nổi bật trong số đó là chợ Bến Thành là biểu tượng về giao lưu thương mại từ xa xưa của thành phố. Cách đấy không xa là khu phố ẩm thực, với những cái tên thơ mộng như Sao Đông, Hương Vĩ Dạ, Em và Tôi, Hai Lúa Hai Lúa, bánh tráng Trảng Bàng - Tây Ninh... Nơi đây tập trung đầy đủ những món ăn của cả ba miền Bắc -Trung-Nam. Đó là bún bò Huế, bánh bèo, bánh nậm, bánh đúc, phở Bắc, hủ tíu Nam Vang... Các loại nui xào thịt bò, nui xào thập cẩm, các món lẩu, bánh tráng phơi sương thật là vô cùng hấp dẫn. Thực khách vào quán chủ yếu là các bạn trẻ và du khách nước ngoài, họ muốn thưởng thức những hương vị mang đậm chất quê.
Ngoài ra đến Sài Gòn bạn nên đến khu vực Chợ Lớn và chợ Bình Tây, đây là khu vực sinh sống chủ yếu của các Hoa kiều. Họ sang Việt Nam làm ăn sinh sống từ khá lâu và nới đây được coi là một Chinatown giữa lòng thành phố. Nơi đây nổi tiếng với rất nhiều mặt hàng có mẫu mã và phong cách của người Hoa. Mặc dù sang Việt Nam sinh sống từ khá lâu nhưng họ vẫn giữ được những nét văn hóa đặc chưng của người Trung Quốc, đường Hải Thượng Lãn Ông nổi tiếng với các sản phẩm trang trí, đồ mỹ nghệ, đường Lương Nhữ Học với những cửa hàng thuốc Bắc luôn tấp nập người mua bán... rồi các món ăn đã thành biểu tượng của người Hoa. Chợ Kim Biên, chợ vải Soái Kình Lâm luôn là những đầu mối bán sỉ cùa thành phố.
Nếu như ở Hà Nội nhắc đến “văn hóa vỉa hè” người ta nghĩ ngay đến những tách trà nóng, trà đá của những cụ già ngồi ven đường, thì ở TP HCM, nơi có khí hậu cũng như nhịp sống hối hả không phải là nơi trà mạn “dụng võ”. Người dân Sài thành quen với những li cà phê đá. Tuy nhiên không phải lúc nào, người ta cũng có được những khoảnh khắc thư thái để nhâm nhi quá lâu thứ đồ uống đó ngoại trừ những buổi sáng ít ỏi cuối tuần. Những ngày này cà phê bệt Sài Gòn lại là một hình thức nghỉ ngơi giải lao một cách tiện lợi nhất. Hầu hết trong thành phố đều có những quá cà phê này. Chỉ cần vài ba tờ báo và một bãi đất trống là người ta có thể ngồi nói chuyện hàn huyên nhâm nhi những ly cà phê cả tiếng đồng hồ. Đến Sài Gòn mà chưa uống phê bệt ở công viên 30/4 thì xem như chưa biết đến Sài Gòn. Mọi người ngồi nhâm nhi ly cà phê, trò chuyện với bạn bè, ngắm đường phố, xe cộ, ngắm những tòa kiến trúc cổ, ngắm con người Sài Gòn tưởng như lúc nào cũng tất bật...
Cuộc sống ban ngày hối hả, nhưng khi đêm xuống Sài Gòn lại biến mình thành một không gian tĩnh lặng, đẹp dịu dàng và quyến rũ một cách lạ thường. Dạo qua những góc phố ở Sài Gòn ban đêm ta có thể cảm nhận được bằng tất cả trái tim của một người con yêu mảnh đất này.
Thế Quyết