Thuộc kịch bản như diễn viên chính
Hầu hết những bộ phim về đề tài nông thôn như "Khi đàn chim trở về", "Đất và người", "Vị tướng tình báo và hai bà vợ", "Làng ven đô"... cho đến những tiểu phẩm hài phục vụ cho các chương trình: "Gặp nhau cuối tuần", "Góc thư giãn"... đều tìm về Tây Mỗ để bấm máy. Đây là một trong những làng cổ hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được không gian cổ kính của làng quê Việt như nhà thờ Nghiêm Xuân đã trải qua 18 đời với nhiều hoành phi câu đối chạm trổ công phu hay mái đình cổ kính rêu phong, một ngõ nhỏ ngoằn ngoèo với những bức tường loang lổ... đã tạo nên một không gian rất riêng, lôi cuốn những nhà làm phim về với Tây Mỗ.
Một cảnh quay tại sân gạch nhà bà Hoàng Thị Yên
Không chỉ hỗ trợ về bối cảnh mà người dân Tây Mỗ quen với phim trường tới mức sẵn sàng "sung quỹ" những món đồ cổ của gia đình như áo the, khăn xếp cho đến bộ bát đĩa Hải Dương cũ, chiếc ấm sắc thuốc có tuổi thọ hàng trăm năm nay đều đã trở nên quen thuộc trên truyền hình. "Rồi cũng chẳng biết vì quá yêu quý những món đồ cổ độc đáo đó hay vì muốn giữ làm kỷ niệm mà cứ sau mỗi lần về làng đóng phim, tìm kiếm tư liệu mà những vị khách lại "mượn đỡ" trong một thời gian dài cho đến khi mang trả thì cả chủ lẫn khách nhìn nhau cười giòn giã", bà Yên cười xòa nói.
Liên tục được mời tham gia những vai diễn quần chúng nên không ít người bộc lộ năng khiếu diễn xuất bất ngờ. Bà Yên kể một trong những người chuyên được mời hóa thân vào những vai diễn liên quan đến những cảnh quay mô tả các thao tác cấy, gặt... là bà Phạm Thị Lúa ở thôn Lò (Tây Mỗ, Từ Liêm). Trực tiếp diễn xuất để quay phim, đồng thời bà Lúa còn hướng dẫn nhiều diễn viên trẻ mới vào nghề những thao tác sao cho chuẩn nhất để diễn xuất. Thậm chí do sức ép về thời gian không đủ để diễn viên học hỏi đến nơi đến chốn nên nhiều cảnh quay bà Lúa cũng trở thành người đóng thế cho diễn viên chính ở những thao tác này.
Nhưng có duyên với điện ảnh nhất làng là bà Hoàng Thị Yên. Bà thường nói vui mình coi những nghệ sỹ như anh em, con cái trong gia đình nên tình cảm với nghệ thuật cứ lớn dần lên trong bà đến mức khả năng thuộc lời thoại cũng như diễn xuất của bà khiến các đạo diễn rất hài lòng. Ít ai ngờ được ở người đàn bà nông thôn hồn hậu này lại có những phút xuất thần cho nghệ thuật đến thế. Bà còn nhớ mãi vai diễn đầu tiên mình nhận là việc hóa trang thành một bà lão bán nước ở đầu làng, trong khi diễn viên Hải Anh đang hớt hải tìm về nhà đi qua hỏi thăm thì nhận được câu trả lời hốt hoảng của bà lão bán nước: "Có nhanh về vợ con sắp chết ở nhà rồi đấy". Để diễn xuất được sự lo lắng thay cho nhân vật chính, ngoài diễn xuất thì âm giọng cũng phải biểu cảm và bà đã làm rất tốt việc đó. Về tới Tây Mỗ, từ người già đến trẻ em đều có thể kể vanh vách những bộ phim đã từng quay ở đây. Có người say mê tới mức theo chân đoàn đi khắp làng trên xóm dưới và thuộc kịch bản không thua kém gì diễn viên chính.
Đạo diễn đang chỉ đạo một cảnh quay tại ngôi nhà cổ 150 tuổi ở Tây Mỗ
Tăng thu nhập bằng nghề cấp dưỡng
Có lẽ sức hấp dẫn của xã Tây Mỗ không chỉ là bối cảnh phù hợp và thuận lợi cho nhiều thước phim mà còn là sự hiếu khách của người dân nơi đây. Rời khỏi ống kính máy quay, những diễn viên quần chúng lập tức xắn tay vào bếp để chuẩn bị những bữa cơm nóng hổi phục vụ đoàn làm phim. Bà Yên cho biết, trước đây khi số lượng phim truyền hình còn ít thì mọi việc từ chợ búa, cơm nước đều do một tay bà đảm nhiệm. Vài năm trở lại đây, nhu cầu giải trí của công chúng ngày càng tăng nên đoàn làm phim kéo nhau về ngày càng đông. Với diện tích gần 1.000 m2 cùng những bối cảnh độc đáo như: Từ đường họ Nghiêm Xuân, sân gạch cổ... phù hợp với những thước phim về nông thôn nên ngôi nhà của bà Yên luôn là địa điểm vàng của các đoàn làm phim. "Mặc dù bối cảnh quay ở những nơi khác, cách nhà hàng chục km nhưng mọi người đều có thói quen lấy nhà tôi làm nơi tập kết, uống chén trà xanh rồi mới tỏa đi đến từng ngõ xóm", bà Yên nói.
Vậy mà địa điểm vàng này cũng có những hôm quá tải, tiếp tới 4, 5 đoàn một lúc khiến một người trở tay không kịp. Ban đầu thì một vài người hàng xóm gác việc nhà sang giúp công việc bếp núc, sau này lượng khách lúc nào cũng trong tình trạng đông người nên những người trong làng tự lập thành một nhóm chuyên phục vụ hậu cần. Phần lớn phim truyền hình thường dài tập nên nhiều người nhà xa cũng chọn luôn việc ăn nghỉ tại phim trường cho thuận tiện. Từ đạo diễn, diễn viên cho đến những người làm công tác kỹ thuật quay phim đều gọi bà Yên với cái tên thân mật: U Yên. Nhà cửa rộng rãi nên hầu hết những công việc liên quan đến bối cảnh, nghỉ ngơi đều được bà Yên tạo điều kiện miễn phí. Bữa ăn do người làng đảm nhiệm cũng chỉ mang tính chất lấy công làm lãi, vừa sạch sẽ lại chất lượng với mức giá bình dân 30 ngàn đồng/bữa nên mọi người trong đoàn ai cũng vui.
Diễn viên Tuyết Minh vui vẻ cho biết: "Thời gian ăn cơm với u Yên còn nhiều hơn ở gia đình". Có lẽ chính vì thuộc từng tính nết, khẩu vị của mọi người nên hầu như bữa ăn đều ngon miệng. Bà Vũ Thị Mến vừa nhanh tay ngắt những cọng rau mồng tơi tươi xanh vừa vui vẻ cho biết: "Rau vườn nhà có sẵn, bữa ăn thêm đĩa tôm đồng, nhộng rang là mọi người đều ăn ngon miệng. Do nhu cầu đoàn làm phim ăn nghỉ dài ngày nên chúng tôi khéo léo đổi món cho họ. Có lúc rảnh rỗi, nghỉ giải lao giữa giờ quay là cả đoàn lại kéo xuống phụ bếp, vừa vui, vừa tình cảm. Nhiều chị diễn viên nấu ăn khá ngon nên nhờ thế mà chúng tôi cũng biết thêm nhiều món để bữa ăn khỏi đơn điệu", bà Mến cho biết.
Bà Yên kể lại một kỷ niệm vui cách đây vài năm, bà có việc đi Phú Quốc hơn chục ngày nên mọi việc bếp núc do người khác tạm thay. Ngay từ bữa cơm đầu tiên không phải tay bà đảm nhiệm, vị đạo diễn "khó tính" Khải Hưng đã nhận ra ngay bởi khẩu vị khác hẳn.Tiếng vang của "kinh đô" điện ảnh Tây Mỗ cũng như tấm chân tình của con người nơi đây còn thu hút nhiều đoàn làm phim từ nước ngoài. Với mỗi nước đều có chế độ ăn và khẩu vị khác nhau. Vốn quen với việc chiều khách nên đội ngũ nấu ăn của làng tỏ ra khá thành thạo trong khâu đón tiếp. Mới đây làng tiếp đoàn làm phim từ Malaysia nên một số người trong đoàn lại có thói quen không ăn thịt, chỉ ăn một số đồ chay và đặc biệt là ngô luộc. Nắm được đặc tính từng đoàn khách nên mọi người đều chủ động học hỏi để nâng cao tay nghề nấu ăn, thậm chí những bữa ăn do tổ hậu cần nấu còn được tận dụng dùng để quay trước khi mọi người dùng bữa.
Với những bộ phim yêu cầu cảnh quay mâm cao cỗ đầy như cỗ cưới, liên hoan... thì tổ hậu cần luôn trong tình trạng làm không hết việc. Có bộ phim trong kịch bản là hơn 60 mâm cỗ nhưng để tiết kiệm chi phí nên đoàn thống nhất với tổ hậu cần chỉ làm 30 mâm rồi dùng kỹ xảo chỉnh góc máy quay để tăng thêm độ hoành tráng. Đối với những cảnh như thế mình làm vừa phải đảm bảo chất lượng lại đầy đặn thì khi ghi hình mới đẹp mắt. Sau khi quay xong thì cỗ cưới trở thành bữa liên hoan để diễn viên và quần chúng có dịp giao lưu với nhau".
Tham gia đóng phim để nâng tầm văn hóa Cụ Lại Văn Tịnh, một cao niên trong làng cho biết: "Hầu hết người dân Tây Mỗ đều rất nhiệt tình và hiếu khách. Có những cảnh quay đêm, người dân còn tạo điều kiện tắt hết điện, đốt đuốc... để tạo bối cảnh làng quê nông thôn 50 năm về trước y như thật. Từ diễn viên đến quần chúng tham gia diễn xuất chạy rầm rập quanh làng nhưng không ai cảm thấy phiền toái mà trái lại rất thông cảm với công việc của đoàn làm phim. Chúng tôi thầm cảm ơn điều này bởi nhờ có sự ghé thăm của những đoàn khách như thế thì phông văn hóa, ứng xử của những người làng cũng vì thế mà nâng tầm hơn…". |
Tuệ Linh