Những câu chuyện sau chiếc máy chạy thận nhân tạo - Bài 1: Nước mắt, đau đớn và tia sáng "cuối đường hầm"

Những câu chuyện sau chiếc máy chạy thận nhân tạo - Bài 1: Nước mắt, đau đớn và tia sáng "cuối đường hầm"

Thứ 7, 21/09/2024 07:20

Không chỉ vắt kiệt sức khỏe, căn bệnh suy thận mạn còn khiến nhiều bệnh nhân khánh kiệt về kinh tế. Từ có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế khá giả, nhiều người trở thành gánh nặng cho gia đình, chỉ biết “trao cuộc đời” cho chiếc máy chạy thận nhân tạo.

Nỗi đau khi mắc bệnh "nhà giàu"

Tìm đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chúng tôi bắt gặp rất nhiều bệnh nhân đang ngồi chờ đến lượt vào bên trong khu chạy thận nhân tạo. Đa phần bệnh nhân đến đây đều với một mục đích kéo dài sự sống bên người thân, gia đình.

Khuôn mặt sạm đen, bà H’Nĩ Ayun (SN 1977, trú tại xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) tranh thủ húp vội chén bún lõng bõng nước. 

Nở nụ cười hiền, bà H’Nĩ cho biết, cách đây 18 năm, trong một lần thăm khám tại bệnh viện, bà bất ngờ nhận tin dữ mình mắc phải căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối và được chỉ định chạy thận nhân tạo.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy chạy thận nhân tạo:  Bài 1 - Nước mắt, đau đớn và tia sáng

Nhiều bệnh nhân đến từ sớm ngồi chờ đến lượt vào chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Để có tiền điều trị căn bệnh nan y, gia đình bà H’Nĩ phải đôn đáo vay mượn khắp nơi, rồi chờ đến mùa thu hoạch cà phê cuối năm mới có thể trang trải nợ nần. 

Sau nhiều năm chạy thận, sức khỏe của bà H’Nĩ ngày càng suy giảm. Bà không còn đủ sức làm những công việc nặng nhọc như trước. 2 năm nay, cả hai chân bị loãng xương và tự gãy, khiến việc di chuyển của bà phụ thuộc vào chiếc xe lăn.

Từng là trụ cột trong gia đình, nhưng giờ đây, ông Đào Trọng Trung (SN 1966, trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) chỉ biết sống phụ thuộc vào người thân, cũng chỉ vì căn bệnh suy thận mạn. 

Ông Trung nhớ lại, vào năm 2015, trong lúc hái cà phê, ông bất ngờ phát hiện đôi chân của mình sưng phù. Lo lắng, ông đến bệnh viện khám thì hay biết bị suy thận mạn giai đoạn 2.

Với hy vọng "còn nước còn tát," ông Trung tìm đến một bệnh viện ở Tp.HCM để điều trị. Tuy nhiên, bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn ngày càng nặng hơn. Đến năm 2018, ông được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn 5 (giai đoạn cuối) và được chỉ định chạy thận.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy chạy thận nhân tạo:  Bài 1 - Nước mắt, đau đớn và tia sáng

Bà H’Nĩ Ayun ăn vội những miếng bún cuối cùng để vào phòng chạy thận.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy chạy thận nhân tạo:  Bài 1 - Nước mắt, đau đớn và tia sáng

Ông Đào Trọng Trung cho biết, sức khỏe của ông bị suy kiệt sau nhiều năm sống chung với bệnh suy thận mạn.

Kinh tế gia đình cạn kiệt, ông Trung rơi vào cảnh nghèo khó chỉ sau vài năm. Ông đành trở về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị. Để có tiền chạy thận, gia đình ông buộc phải bán hơn một nửa diện tích đất rẫy (7-8 sào).

Mọi chi phí chạy thận của ông và sinh hoạt trong gia đình giờ đây phụ thuộc vào sự hỗ trợ của 2 người con. Để gia đình bớt lo lắng, ông Trung luôn động viên bản thân phải cố gắng từng ngày, từng giờ để vượt qua nỗi đau của bệnh tật. 

Mỗi tuần, 3 ngày, cứ khoảng 4h sáng, ông lại lặng lẽ chạy chiếc xe máy từ nhà lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với quyết tâm duy trì sự sống.

Sau gần 20 năm điều trị suy thận mạn, ông Nguyễn Văn Bay (SN 1965, trú tại phường Tân An, Tp.Buôn Ma Thuột) đã phải gánh chịu nhiều mất mát.

Ông nhớ lại: "Trước đây, mỗi buổi sáng, tôi còn tự chạy xe đi uống cà phê, gặp gỡ bạn bè và được lắng nghe tiếng "đồng loại". Một mình tôi còn cáng đáng mọi việc trên 2ha đất rẫy của gia đình, mỗi năm thu nhập khoảng 400-500 triệu đồng. Thậm chí, năm 2017, tôi còn mua xe ô tô để chạy.

Ấy thế mà, giờ đây, tôi không thể tự đứng trên đôi chân của chính mình, mà phụ thuộc vào chiếc xe lăn. Cuộc sống cũng trở nên nhạt nhẽo, ngày ngày trôi qua trong bệnh viện, chiều về nhà, tôi chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường".

Suy thận mạn còn lấy đi tính mạng của nhiều bệnh nhân, để lại nỗi đau và sự mất mát lớn lao cho không ít gia đình. Chị P.T.H. (SN 1982, trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) nhớ lại khoảnh khắc đau xót vào tháng 2/2023, khi chồng chị là anh H.V.Đ. (SN 1981) phát hiện mình mắc suy thận giai đoạn cuối.

Từ giây phút đó, chồng chị rơi vào trạng thái sốc nặng, tinh thần suy sụp hoàn toàn. Anh không còn muốn ăn uống hay trò chuyện với bất kỳ ai, dẫn đến việc phải nhập viện cấp cứu liên tục. Không đành lòng, chị H. đã đưa chồng đến nhiều bệnh viện, hy vọng chạy thận có thể duy trì sự sống cho anh Đ. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 4 tháng từ khi biết bệnh, anh Đ. đã rời bỏ cõi tạm.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy chạy thận nhân tạo:  Bài 1 - Nước mắt, đau đớn và tia sáng

Căn bệnh suy thận mạn đã vắt kiệt sức của các bệnh nhân.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy chạy thận nhân tạo:  Bài 1 - Nước mắt, đau đớn và tia sáng

Phía sau mỗi chiếc máy chạy thận là cuộc chiến đầy cam go của các bệnh nhân.

Khát vọng sống mãnh liệt

Giữa không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng máy móc vận hành trong phòng chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi bất ngờ bắt gặp hình ảnh một người đàn ông gầy gò, tay cầm cuốn sách có tựa "Dám nghĩ lớn". Đó là anh Ngô Thanh Lâm (SN 1985, trú tại Tp.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).

Né ống kính của chúng tôi, anh Lâm đặt cuốn sách xuống và gác tay lên đầu, như đang chìm đắm trong những suy tư thầm kín.

Sau ít phút gặng hỏi, người đàn ông với vẻ ngoài đầy bí ẩn cũng mở lòng chia sẻ. Anh cho biết, vào năm 2022, anh bất ngờ phát hiện mình mắc căn bệnh suy thận mạn gần bước sang giai đoạn cuối.

Sau 2 năm điều trị bằng thuốc, anh được chỉ định chạy thận từ tháng 12/2023.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy chạy thận nhân tạo:  Bài 1 - Nước mắt, đau đớn và tia sáng

Những khuôn mặt đầy lo lắng trong lúc chờ vào phòng chạy thận.

Hàng ngày, anh Lâm vượt chặng đường 120km từ Tp.Gia Nghĩa đến Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để chạy thận. Khoảng 9 tháng trước, anh quyết định đăng ký ghép thận tại một bệnh viện ở Tp.Hà Nội, với hy vọng không phải tiếp tục sống chung với căn bệnh nan y này.

Sau nhiều tháng chờ đợi, anh nhận được tin vui đã tìm được thận tương thích nhờ sự hiến tặng của một bệnh nhân. Tuy nhiên, do sức khỏe bị thiếu máu và phổi bị nám, anh buộc phải điều trị thêm và chờ thời điểm thích hợp để thực hiện ca ghép thận. Dự kiến, ca ghép sẽ được thực hiện vào cuối năm 2024, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng.

"Tôi đặt rất nhiều hy vọng và niềm tin vào ca ghép thận này, với mong muốn được trở lại như một người bình thường, có sức khỏe để làm việc và chăm lo cho gia đình, con cái", anh Lâm chia sẻ với ánh mắt đầy quyết tâm.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy chạy thận nhân tạo:  Bài 1 - Nước mắt, đau đớn và tia sáng

Chị Nguyễn Thị Thủy không ngừng nuôi hy vọng về một ca ghép thận trong tương lai.

Không chỉ riêng anh Lâm, câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1988, trú tại phường Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), hiện đang chạy thận tại Bệnh viện Tp.Buôn Ma Thuột cũng là một nguồn động viên lớn cho những bệnh nhân mắc suy thận mạn.

Chị Thủy chia sẻ: "Khoảng 3 năm trước, khi biết tin tôi bị suy thận mạn, mẹ đã tự nguyện hiến một quả thận cho con gái. Sau đó, tôi và mẹ đã vào bệnh viện ở Tp.HCM để thực hiện các xét nghiệm và thủ tục hiến thận. Hạnh phúc hơn khi bác sĩ thông báo, thận của mẹ tương thích với tôi", chị Thủy nhớ lại.

Cách đây 1 năm, chị Thủy và mẹ xuống Tp.HCM để thực hiện ca ghép thận. Tuy nhiên, tia hy vọng của chị Thủy nhanh chóng vụt tắt khi ca ghép thận không thành công như mong đợi. "Khi biết mình ghép thận không thành công, tôi đã rất buồn, nhưng không cho phép mình gục ngã. Tôi tự nhủ phải cố gắng hơn nữa và chờ đợi cơ hội khác. Hiện nay, tôi vẫn nuôi hy vọng về ca ghép thận tiếp theo, nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được thận phù hợp", chị Thủy nói.

Cùng chung hoàn cảnh, anh Phan Thành Lập (SN 1994, trú tại phường Tân Lập, Tp.Buôn Ma Thuột) đã trải qua 10 năm sống gắn bó với chiếc máy chạy thận và thấm thía nỗi đau khi phải sống chung với bệnh nan y.

Với hy vọng tìm được "ánh sáng cuối con đường," mẹ anh đã liên hệ với một bệnh viện tại tỉnh Thừa Thiên Huế và may mắn tìm được người hiến thận tương thích. Dự kiến, vào cuối năm 2024, anh Lập sẽ được phẫu thuật ghép thận.

Những câu chuyện đằng sau chiếc máy chạy thận nhân tạo:  Bài 1 - Nước mắt, đau đớn và tia sáng

Sau nhiều năm chạy thận, đến nay, cánh tay của nhiều bệnh nhân bị phì đại, biến dạng và nổi u to.

Bác sĩ Hoàng Thị Thủy Tiên, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thông tin, bệnh suy thận mạn diễn biến âm thầm hầu như không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, khi phát hiện thường đã ở giai đoạn trễ. Đa số bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vào viện đã ở giai đoạn cuối của bệnh, trong tình trạng nặng cần chạy thận nhân tạo cấp cứu mà chưa có đường mạch máu để chạy thận, chưa có sự chuẩn bị từ trước nên việc điều trị cũng gặp khó khăn.

Theo BS.CKI Trần Thanh Quý, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tp.Buôn Ma Thuột, có nhiều nguyên nhân dẫn đến căn bệnh suy thận mạn như biến chứng sỏi thận, bệnh lý về hội chứng thận hư, hẹp động mạch thận, thận đa nang, tăng huyết áp... Tuy nhiên, bệnh gây biến chứng nhiều nhất gây ra suy thận mạn là đái tháo đường không thể kiểm soát. Bệnh thận mạn khi đã bị rồi thì sẽ tiếp tục tiến triển từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 5 (giai đoạn cuối). Bệnh nhân suy thận mạn khi đã chuyển đến giai đoạn cuối có các triệu chứng cấp cứu như: tăng kali máu, phù phổi cấp, tăng ure huyết thì phải được lọc máu cấp cứu, nếu không nguy cơ tử vong rất cao.

(Còn nữa)

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.