Hai câu chuyện của nhà văn Chu Lai
Không có gì bi thảm bằng một người đàn ông cứ ngồi nhìn 8 người con của mình lần lượt ra đi. Cụ có 10 người con, mất 8 người giờ chỉ còn lại có 2. Một người con gái và nhà văn Chu Lai.
Cụ bảo: "Tôi có hai con trai liệt sĩ. Cậu đầu hy sinh ở Buôn Mê Thuột. Cậu thứ hai hy sinh ở Yên Bái. Hai đứa con khác mất khi Tây càn vào làng xả súng giết dân, năm đó hai đứa nhỏ mới lên 8, lên 9. Còn mấy đứa sau này do đau bệnh mà chết. Hồng Phi cũng đau bệnh vừa mất xong". Cụ nói rồi lặng đi, từ khóe mắt rỉ ra giọt nước… Đấy là lời nhà viết kịch Học Phi, bố đẻ của nhà văn Chu Lai. Còn bây giờ là chuyện kể của tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: "Ăn mày dĩ vãng", "Phố nhà binh", "Nắng đồng bằng"…
Câu chuyện thứ nhất:
Vợ tôi đến bây giờ lại rất tin tâm linh. Cô ấy năng đi chùa và tin rằng có kiếp sau. Tin rằng cuộc sống hiện tại liên quan đến mồ mả của ông bà. Ngược lại, ngày tết đi lễ chùa cô ấy không cho chồng đi theo, bởi vì, đi theo là ông ấy nhơn nhơn ra. Ông cứ ngắm cuộc đời, ngắm phụ nữ đẹp.
Thời bao cấp đói khát, hai vợ chồng rủ nhau sang đền thờ Bà Chúa Kho ở tận Bắc Ninh, vì đói quá, đói đến nỗi bộ quân phục vừa mới lĩnh về chưa kịp ngửi xem mùi hồ thơm ngái ra sao đã bí mật mang ra chợ Trời bán thốc, bán tháo. Đói đến nỗi 4 giờ sáng phải lấy khay đá ở tủ lạnh Saratov bí mật bán ngoài cửa hàng giải khát.
Cái đó là nỗi nhục. Đến nỗi buổi trưa mồ hôi dầm dề trèo lên mái ngói, kiểu đặc công quần đùi, cởi trần thò sang mái nhà của vườn trẻ quân đội đấu điện bị giật nảy người lên. Có chút điện câu trộm để cho thằng bé con mình vừa chào đời được hưởng một chút gió quạt tai voi.
Nhà văn Chu Lai trong lễ kỷ niệm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Ảnh ST)
Thời kỳ đó hai vợ chồng nghĩ: Tại sao mình đã 10 năm cơ cực, mất mát hết rồi bây giờ lại chịu tiếp tục đày đọa này nữa, hay là thử vận may như mọi người vẫn hay làm. Hai vợ chồng lếch thếch kéo nhau sang đền thờ Bà Chúa Kho. Người ở các nơi kéo đến đông, hương cay nhèm mắt, khói mù mịt. Vợ tôi khấn vái rất chân thành. Riêng "ông" Chu Lai cũng khấn vái, nhưng khấn vái theo kiểu ông Chu Lai.
Ném đồng xu lên, ngửa có nghĩa là bà cười, ý nói rằng nói đi: Tôi nói: "Thưa Bà Chúa Kho, xét đến cùng tôi và bà đều cùng bộ đội. Bà là lính quân lương đời Lý. Tôi là lính đặc công trong chiến trận. Mà phàm là lính thì muôn đời khốn khổ, luôn thời hy sinh và thua thiệt và đã là người lính thì phải cưu mang lẫn nhau. Xin bà cưu mang cho tôi sống ổn đi một chút. Tôi vừa sinh một thằng con…".
Sau lần hai vợ chồng kêu cầu đó thì một thời gian sau cuộc sống của gia đình ổn, khấm khá dần lên. Ổn thật không phải do Bà Chúa Kho mà do bắt đầu Đại hội VI, bắt đầu tự cứu lấy mình. Đất nước vĩnh biệt cơ chế bao cấp ảm đạm bước sang cơ chế thị trường. Cuộc sống bắt đầu nhích dần lên. Gặp được cầu khấn của Bà Chúa Kho, cảm giác tâm linh và hiện thực hòa vào với nhau. Nhưng, trong nơi sâu kín của mọi người vẫn biết rằng có thế giới khác với thế giới mình tồn tại song hành.
Câu chuyện thứ hai:
Trong một buổi nói chuyện sôi nổi, tưng bừng tại một trường đại học, sinh viên, giáo viên đứng kín ở hội trường nhìn vào con người đang thao thao bất tuyệt với những ngôn từ khẩu khí mang đao gươm, kiếm pháp - nhà văn Chu Lai. Kết thúc buổi nói chuyện có một cô giáo dạy môn vật lý đi tới bên nhà văn. Cô ấy hơi tái mặt bảo: "Nhà văn ơi! Cho em gặp anh một chút".
Tôi đi theo cô giáo ra hành lang trong lòng tò mò vì không biết chuyện gì? Cô ấy mới nói: "Em quan sát khi nhà văn nói chuyện suốt hai tiếng đồng hồ em thấy có một người đứng đằng sau nhà văn. Người này em bảo đảm đã cứu vớt, hỗ trợ cho nhà văn suốt cả cuộc đời của nhà văn mà nhà văn không biết, nên người đứng đằng sau có vẻ mặt hơi buồn buồn".
Cô giáo ấy nói thêm: "Người ấy có khuôn mặt giống nhà văn lắm". Tôi mới giật mình nghĩ: Thôi chết rồi! Có lẽ đấy là ông anh hy sinh ở Yên Bái năm 1965. Anh tôi hy sinh còn trai tân, chưa vợ, chưa người yêu. Điều đấy không phải là tâm linh nữa mà là ám thị. Lúc anh tôi còn sống, hai anh em rất thân nhau. Khi anh mất, tôi luôn nghĩ đến cái chết của ông anh thân yêu, cảm giác như người ta có thể nhìn xuyên qua thời gian, không gian.
Nhà văn Chu Lai (Ảnh ST)
Sau khi nghe cô giáo nói vậy, tôi giật mình, từ đó liền đưa ảnh anh mình đang được thờ tự từ nhà bố tôi về nhà mình phóng to lên rồi đặt bên cạnh bát hương. Khoảng cách thật và giả, hư và thực, tin và không tin cứ xen trộn vào với nhau.
Tới đây, đồng chí Chu Lai nếu bị nhũn não thì có khi mình đi vào cõi tâm linh một cách chân thành. Lấy cuộc sống chùa chiền làm chủ yếu. Bây giờ vẫn đang "trai tráng mạnh khỏe" nên chưa nghĩ đến việc tụng niệm, kinh kệ.
Và một điều nữa, Chu Lai là người lính tựa lưng vào hàng trăm trận sinh tử mà không tin được vào tâm linh, mặc dù trong tiểu thuyết cũng có viết về tâm linh. Ví dụ như trong cuốn tiểu thuyết "Ăn mày dĩ vãng", nhân vật liên lạc của Đại đội trưởng cứ khi nào trước khi vào trận cậu ấy buồn là y như rằng trận đó có thương vong.
Và riêng trận chiều hôm ấy, cậu ra bờ sông Sài Gòn, âm thầm nhìn xuống mặt nước. Đó là dấu hiệu của thương vong, nhưng không ngờ chính cậu hy sinh trong trận đó. Đó là tâm linh, là tiên tri, là điềm, hay là trực giác của người lính? Một người lính đánh trận nhiều lần thì có trực giác biết trận này thắng hay không thắng. Trực giác tạo tâm linh cũng như là tính cách tạo số phận.
Câu chuyện của NSƯT Lê Chức
NSƯT Lê Chức - Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, là em út của nghệ sĩ Lê Mai, cậu ruột của 3 ái nữ có tên đệm là Lê: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi. Cha của ông là nhà thơ, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Đại Thanh. Sau khi ông Lê Đại Thanh mất, có nhiều câu chuyện kỳ lạ xoay quanh đại gia đình làm nghệ thuật này. Dưới đây là câu chuyện do NSƯT Lê Chức kể lại:
Ngày cha tôi còn sống, ông luôn đeo trên tay một cái nhẫn có chữ Phúc. Sau khi cha mất, đi đâu tôi cũng mang theo bên mình chiếc nhẫn, kỷ vật của cha. Tôi mặc một cái áo của con trai tôi, điều đó cho tôi cảm giác bên cạnh mình có ba thế hệ, người cha đã qua đời, mình và con mình. Có những tình huống bất chợt xảy ra, thật khó khăn, không lối thoát, tôi đã cầm trên tay chiếc hộp đựng cái nhẫn của cha, rồi trong khoảnh khắc đó, tôi cầu bố tôi phù hộ cho tôi và rồi, có những việc được đáp ứng ngay.
NSƯT Lê Chức
Chứ không, biết đâu lúc này tôi đang phải "ngồi tù" hoặc đã mục xương rồi? Khi làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, hôm đưa đoàn đi diễn ở Hoàng Su Phì - một huyện lắt lẻo, heo hút trên Hà Giang, gặp cơn mưa rừng tầm tã. Mặt đất trắng xóa một màu, sạt núi, đường trơn đến độ cả 3 chiếc xe chở anh em nghệ sĩ trong đoàn đều có thể lao xuống vực.
Trong cơn hốt hoảng, thảng thốt, trên tay tôi là chiếc nhẫn của cha và tôi nói văng vẳng trong đầu, tha thiết khẩn cầu ông: "Bố cứu con đi, giúp con đi, không tình huống xấu lắm!". Để sau đó, 3 chiếc xe ôtô trở chúng tôi đi qua mấy chục cây số trên con đường lầy đất mà không bị sao cả. Nó là linh cảm à? Có thể, có người tin và không tin. Có thể đó là sự may mắn trùng hợp, song dù sao lần đó chúng tôi đã thoát nạn.
TGĐ, TS - KTS Vũ Thế Khanh Có những trường hợp ngẫu nhiên trùng hợp cũng có trường hợp về mặt tâm linh, tôi đi tìm mộ liệt sĩ nhiều lần thì cảm thấy cũng có những liệt sĩ đi theo phù hộ độ trì cho toàn bộ quá trình tìm hài cốt. Thậm chí, theo ngoại cảm người ta còn được báo trước. Tôi khẳng định mọi người sống trên trần gian này đều có sự trợ duyên vô hình. Và theo nguyên lý nhân quả. Có những trường hợp người cõi âm đi theo là báo ân những người thân của mình ở trên dương thế, những người sống tốt với mình khi mình còn sống. Và có những trường hợp đi theo để báo oán, để người ta trả thù người sống khi xưa đã cư xử không tốt với mình. Có quá nhiều ví dụ trong cuộc sống. Chuyện này không phải mơ hồ đâu. Nên mọi điều cũng chỉ ở mức độ tương đối. Nghĩa là có trợ lực một phần nào đó trong phạm vi của người cõi âm. Nhưng tất cả phải nằm trong vòng nhân quả. Ngay kể cả con vật còn báo oán chứ huống chi con người. Thuyết hỗn mang vũ trụ. Nhà tâm lý học, Bác sĩ Trần Quốc Bình Trước nay, hầu như đa phần ở các vụ án hình sự, kẻ giết người sau khi gây án xong nếu có may mắn trốn thoát thậm chí 10 năm, 20 năm trước sau gì cũng bị bắt. Vậy là hiện tượng nhân quả ở đời. Nhà Phật có câu: "Gieo nhân nào thì gặt quả nấy", thậm chí những tên tội phạm vẫn thường mơ về những bóng ma về đòi mạng. Vậy, lý giải điều này dưới góc độ khoa học, ta thấy, những kẻ phạm tội ở một góc khuất sâu kín nhất trong tâm hồn vẫn hiện lên hình ảnh mà mình đã từng phạm pháp. Có thể hắn day dứt, có thể không day dứt nhưng sự thực thì những hình ảnh đó vẫn ở trong góc khuất của tâm hồn nằm cư trú ở phần của não bộ khiến hắn sợ hãi. Cảm giác sợ hãi đeo đẳng cộng với hiện thực khiến cho tên tội phạm liên tục liên tưởng và có cảm giác bất an. Trong con người chúng ta, ai cũng có giác quan thứ 6, đó là linh cảm. Có người linh cảm nhiều, có người linh cảm ít. Có những điều linh cảm đúng. Có những điều linh cảm sai. Rồi ai trong chúng ta cũng có những người thân được kết nối với nhau bằng một sợi dây vô hình mà các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra là tần sóng của người này và tần sóng của người kia có thể bắt được nhau hay không? Hiện tượng được cõi âm phù hộ có người tin và người không tin. Nhưng, bạn thấy đấy, ở bất kỳ ngôi nhà nào tại Việt Nam ta cũng có bàn thờ thờ cúng ông bà, tổ tiên. Nếu gia đình nhà ai có người mất vẫn có cúng 49 ngày, 100 ngày, một năm… Câu "Trần sao âm vậy" được nhiều nhà thực hiện triệt để. Nhưng chúng ta cũng cần biết một điều là do thương nhớ người thân mà những người đang sống nghĩ về người đã mất, làm một điều gì đó cho người đã mất để có cảm giác người thân đã mất ấy vẫn đang ở đâu đây, rất gần kề, vẫn có thể hiểu được mình… Và trong tâm khảm của người đang sống muốn bám vào một điều gì huyền bí, một thế lực siêu tự nhiên để họ hy vọng được tiếp sức, có thêm sinh lực hoạt động… Người ta cũng thường dùng trí tưởng tượng của mình để hiện ra một thế giới mơ hồ, huyền ảo làm tăng thêm "sức mạnh" cho bản thân. |
Theo Trần Mỹ Hiền/Công an nhân dân