"Kho báu" của Việt Nam
Nằm ẩn mình trong những cánh rừng già trên địa bàn xã Ea Ral (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) – quần thể thông nước (hay còn gọi là cây thủy tùng) có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis được coi là những "báu vật" của quốc gia và là di sản của thiên nhiên. Đặc biệt hơn, chẳng một ai biết, loài cây quý hiếm này được sinh sản bằng cách nào.
Theo chân ông Võ Thành Tám, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk), chúng tôi băng qua những con đường tuần tra được làm từ các cầu phao, mặt lót ván gỗ để vào nơi có quần thể thủy tùng. Dừng chân tại cây thủy tùng cổ thụ gần 700 tuổi, ông Tám đã từng bước tiết lộ những điều đặc biệt về loại cây này.
Theo ông Tám, thủy tùng thuộc nhóm IA, loài đặc hữu có tên trong Sách đỏ Việt Nam, có nguy cơ tuyệt chủng và được xếp vào diện cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Loài cây này chủ yếu sống ở đầm lầy, chỉ có một số ít sống ở trên cao.
Tại Việt Nam, chỉ có duy nhất ở tỉnh Đắk Lắk là có thủy tùng, với tổng số 162 cây phân bố thành hai quần thể tự nhiên gồm: xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) 142 cây, huyện Krông Năng 19 cây và 1 cây tại thị xã Buôn Hồ, với tổng diện tích 124,7ha. Trong đó, một số cây có đường kính 1,06m, cao vút ngọn 13m, gần 700 năm tuổi.
"Có thông tin cho rằng, loài cây này có thể trị được ung thư, diệt muỗi. Hay theo quan niệm dân gian, tượng hoặc các đồ mỹ nghệ làm từ gỗ thủy tùng có tác dụng mang lại bình an và may mắn cho gia đình. Tuy nhiên, thực tế không phải như thế", ông Tám nhấn mạnh.
Ông Tám lý giải, thủy tùng có giá trị về mặt khoa học, có mùi thơm đặc trưng, không bị mối mọt và vân của lõi cây rất đẹp. Đặc biệt hơn, cây khô nằm dưới nước càng lâu thì vân của lõi từ màu vàng sẽ đổi thành màu xanh.
Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, không ai biết được thủy tùng sinh sản bằng hình thức nào. Bởi loài cây này có hoa, có quả nhưng quả không có noãn bên trong quả, dẫn đến "vô sinh". Đây cũng là lý do quá trình quản lý nhiều năm qua, đơn vị chưa từng phát hiện thủy tùng con nào.
Cho rằng thủy tùng là miếng mồi béo bở, không ít người đã tìm cách đột nhập vào rừng để săn lùng. Nhiều khu đầm lầy, hồ nước nằm giáp ranh với quần thể thủy tùng bị xăm bới, lật tung. Ông Tám kể, năm 2014, lợi dụng đêm mưa gió, kẻ xấu đã lẻn vào rừng và leo lên để cắt 1 ngọn cây thủy tùng. Khi nghe tiếng động, lực lượng bảo vệ rừng chạy ra thì đối tượng đã nhanh chân bỏ chạy.
Tiếp đó, vào rạng sáng ngày 19/5/2017, cũng trong một đêm mưa to gió lớn, một nhóm đối tượng đã đột nhập vào Khu Bảo tồn sinh cảnh Thông nước để cắt một đoạn của ngọn cây thủy tùng hơn 300 năm tuổi.
Rất may, lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã kịp thời phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng và giao cho cơ quan chức năng xử lý. Quá trình xác minh, điều tra, cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ thêm 6 đối tượng có liên quan. Đáng nói, hầu hết các đối tượng đều là học sinh, chưa đủ tuổi vị thành niên.
Ngoài ra, hằng năm, nhiều người (hầu hết là học sinh, người dân tộc thiểu số) lợi dụng những ngày cuối tuần, mùa hè, vào rừng để xăm bới dưới nước, tìm kiếm những cây thủy tùng khô chết, cành, nhánh nằm sót lại.
Chuyện tình đẹp nhờ con đỉa ở nơi "rừng thiêng"
Để giữ an toàn cho những cây thủy tùng, lực lượng Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước đã không ngừng nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thách thức, túc trực ngày đêm dưới những tán rừng.
Anh Nguyễn Tấn Phục (SN 1991, trú tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), một cán bộ bảo vệ rừng chia sẻ: "Việc bảo vệ thủy tùng không hề dễ dàng. Vào mùa mưa, nước lên ngập ngang người, chúng tôi phải lội bộ dưới đầm lầy đến từng cây để kiểm tra sự sống và an toàn của cây. Không ít lần, điện thoại của chúng tôi bị hư hỏng vì bị ngấm nước".
Công việc của những người giữ rừng đầy gian nan và nguy hiểm. Mỗi khi lội bộ dưới sình lầy để thực hiện công tác tuần tra, nhiều cán bộ bảo vệ rừng bị đĩa bu kín chân dù đã trang bị ủng dài. Chưa kể, muỗi, rắn độc tấn công đến mức phải nhập viện điều trị.
Đối diện với những khó khăn, thiếu thốn giữa rừng, lực lượng bảo vệ rừng nói đây không cho phép mình bỏ việc, mà tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt tài sản quý hiếm của quốc gia. Những chòi gác được dựng lên giữa giữa rừng để bảo vệ "báu vật" khỏi những kẻ xấu.
Nhiều hôm mưa gió, lực lượng cán bộ bảo vệ rừng vẫn mắc võng túc trực giữa rừng để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Vào những ngày lễ, tết, công tác tuần tra càng được tăng cường trên mọi nẻo đường.
"Do công việc đặc thù, mỗi năm tôi chỉ có thể về Quảng Nam thăm gia đình 3-4 lần, rồi lại lên đường đi làm nhiệm vụ. Xa gia đình, rất nhớ vợ con, nhưng tôi luôn ưu tiên công việc. Bởi sau nhiều năm gắn bó, bản thân tôi và các cán bộ trong Ban luôn xem quần thể thủy tùng như một phần cơ thể của mình", anh Phục nói.
Đang say sưa trò chuyện, anh Phục đã bất ngờ chia sẻ về câu chuyện tình yêu của một đồng nghiệp trong đơn vị sau lần bị đỉa cắn. Người anh Phục nhắc đến là anh Lê Văn Huy (SN 1988), cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trấp Ksơr, thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước.
Anh Huy kể, vào năm 2013, khi mới vào công tác tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trấp Ksơr, anh đã bị đỉa cắn trong một lần tuần tra để bảo vệ thủy tùng. Hậu quả, anh bị nhiễm trùng và phải làm tiểu phẫu.
Trong thời gian điều trị, anh có cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu về một nữ điều dưỡng tại một phòng khám trên địa bàn thị xã Buôn Hồ. Đến năm 2015, khi tình yêu đã chín muồi, cả hai quyết định kết hôn. Đến nay, gia đình anh Huy đã có một người con 9 tuổi.
Kể từ câu chuyện của anh Huy, nhiều cán bộ trong đơn vị chưa lập gia đình thường trêu nhau, xem đỉa như "linh vật" của tình yêu, ai muốn lấy vợ thì cứ cho đỉa cắn rồi lên viện nằm khắc có.
Lựa chọn cái nghề hiếm có người phụ nữ theo đuổi, chị Nguyễn Thị Mai Đào (SN 1995) vào công tác tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ea Ral, thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước từ tháng 12/2021.
Khuôn mặt rám nắng, chị Đào cho hay, khi còn là sinh viên ngành Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Trường đại học Tây Nguyên, chị đã có thời gian ăn, ở trong rừng nên phần nào hiểu được những vất vả của lực lượng bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, khi về công tác tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ea Ral, bản thân chị không khỏi lạ lẫm và phải đối diện với nhiều thách thức trong việc tuần tra bảo vệ rừng thủy tùng dưới đầm sình lầy. Nhiều đêm đi tuần tra ở các cánh rừng, chị hoảng hốt khi bắt gặp những con rắn độc đang bò ra đường tuần tra nhưng may mắn không bị tấn công.
Mặc dù công việc giữ rừng nhiều áp lực, chị Đào vẫn quyết tâm gắn bó với rừng. Sau nhiều năm, chị đã dần quên đi những khó khăn và có tình yêu đặc biệt với thiên nhiên, xem rừng thủy tùng như ngôi nhà thứ 2 của mình.
Ngoài công tác bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước còn miệt mài nghiên cứu để phát triển nguồn gen cho cây thủy tùng.
Ông Tám chia sẻ, đặc thù của thủy tùng là rễ xung quanh mọc nhô lên mặt nước, hay còn gọi là rễ thở, giúp cây hô hấp. Từ năm 2014, Ban đã thử nghiệm phương pháp ghép chồi lên rễ thở của cây thủy tùng mẹ.
"Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật cao. Chúng tôi phải lựa chọn những chồi có mắt ngủ phù hợp để ghép vào những rễ thở còn tươi sống, khỏe mạnh. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công rất thấp, chỉ đạt 2-3%. Đến nay, Ban đã ghép chồi trên hàng trăm rễ thở, nhưng chỉ có 5 cây sống sót", ông Tám nói.
Đơn vị còn áp dụng phương pháp giâm hom. Theo đó, cán bộ của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước chọn một số chồi phù hợp để giâm hom. Phương pháp giâm hom cũng rất khó khăn và trải qua nhiều giai đoạn nhưng tỉ lệ sống rất thấp.
Những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng quản lý bảo vệ rừng đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển nguồn gen của loài cây thủy tùng quý hiếm, mang lại hy vọng cho sự tồn tại và phát triển của loài cây này trong tương lai.
Đồng thời, từng bước giúp cho người dân địa phương nâng cao nhận thức, hiểu được giá trị của cánh rừng độc đáo, duy nhất ở Việt Nam và cùng chung tay bảo vệ. Nhờ vậy, tình trạng xâm phạm rừng thủy tùng đã giảm đáng kể.
Trước nguy cơ tuyệt chủng cao của thủy tùng, tháng 3/2011, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định phê thành lập Ban quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước và đi vào hoạt động từ tháng 8/2012 để quản lý, bảo vệ 162 cá thể thông nước ở huyện Ea H’leo và huyện Krông Năng.
Ông Võ Thành Tám, Ban Quản lý Khu Bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước thông tin, hiện nay đơn vị có 15 biên chế. Trong đó, có 10 cán bộ trực tiếp tham gia quản lý bảo vệ rừng. Thời gian qua, đơn vị nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và địa phương trong việc cấp kinh phí sửa chữa hàng rào, làm cầu nổi để phục vụ tuần tra, quản lý vào năm 2015. Trước đó, việc đi tuần tra chủ yếu lội bộ dưới sình lầy, rất khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay, Ban Quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh Thông nước chưa có trụ sở làm việc chính thức nên phải lấy Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ea Ral do Hạt Kiểm lâm bàn giao để làm trụ sở tạm. Trạm này xây dựng từ năm 1996 trên đất của người dân. Đồng thời, chưa có đường tiếp giáp với rừng tại xã Ea Ral nên lực lượng của đơn vị phải đi trên đất của người dân để tuần tra. Dù công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng chế độ chính sách của ngành nói chung và đơn vị nói riêng chưa đảm bảo. Ngoài tiền lương, lực lượng quản lý bảo vệ rừng nơi đây không có thu nhập khác như: ưu đãi ngành, thâm niên, chế độ làm thêm ngoài giờ...
Khánh Ngọc