Nhồi máu não là căn bệnh cấp tính xảy ra ở não, phần lớn là do tuần hoàn máu lên não không bình thường, gây thiếu máu cục bộ nghiêm trọng và mô não bị hoại tử. Mặc dù nhồi máu não vốn được xem là bệnh lý đặc trưng của độ tuổi trung niên nhưng những năm trở lại đây, căn bệnh này xuất hiện nhiều ở đối tượng trẻ tuổi, kể cả trẻ em cũng có nguy cơ.
Theo các chuyên gia y tế, dưới đây là những dấu hiệu cơ bản nhất cảnh báo bệnh nhồi máu não đang đến rất gần:
Chóng mặt: Nhồi máu não chủ yếu do tắc nghẽn mạch máu não, khiến não thiếu oxy, thiếu máu, gây hoại tử và tử vong. Khi mạch máu não bị tắc nghẽn, lượng máu cung cấp lên não không đủ sẽ xuất hiện triệu chứng chóng mặt, loại chóng mặt này có thể chỉ diễn ra một lần nên rất dễ bị bỏ qua.
Trong trường hợp cơn chóng mặt ngày một nhiều và trầm trọng hơn thì có thể bệnh nhồi máu não đã tiến triển nặng.
Hoa mắt nhiều: Một số người cao tuổi và trung niên bị giảm thị lực, mắt mờ, hoa mắt. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do các vấn đề về mắt như lão thị, đục thủy tinh thể,... nên mọi người thường không chú ý đến.
Tuy nhiên, bệnh nhân nhồi máu não cũng sẽ gặp các vấn đề như giảm thị lực, mất thị lực trong một thời gian ngắn, hay khiếm khuyết thị giác,… Do đó, nếu có vấn đề về thị lực, tốt nhất nên đi thăm khám để phòng tránh kịp thời.
Ngáp nhiều: Ngáp khi cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ là biểu hiện bình thường, tuy nhiên nếu ban đêm ngủ ngon song ban ngày vẫn ngáp dài và buồn ngủ thì có thể bạn đã gặp vấn đề về sức khỏe, cần cảnh giác bệnh nhồi máu não.
Theo thống kê, 80% bệnh nhân nhồi máu não có triệu chứng ngáp liên tục, lừ đừ, thậm chí chảy nước dãi. Vì thế nếu cơ thể xuất hiện dấu hiệu này nên tiến hành chụp CT não càng sớm càng tốt.
Tiết nhiều nước bọt: Nhiều người nghĩ rằng chảy nước dãi khi ngủ là dấu hiệu của một giấc ngủ ngon, nhưng không hẳn vậy. Chảy nước dãi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu não. Đặc biệt, nếu người già buồn ngủ vào ban ngày và thường chảy nước dãi khi ngủ thì nên chụp CT não để kiểm tra tình trạng mạch máu não.
Tê bì: Trước khi bị nhồi máu não, có thể không xuất hiện cảm giác đau hay khó chịu rõ ràng nhưng cơ thể sẽ thấy tê bì. Ban đầu có thể chỉ bị tê cục bộ, nhưng khi bệnh tiến triển nặng thì triệu chứng này sẽ tăng dần và một số cơn tê sẽ lần lượt xuất hiện, tê bì mặt, tê lưỡi, tê tay và các hiện tượng khác.
Một khi nhận thấy tình trạng tê bì cơ thể ngày càng gia tăng, thậm chí một bên chân tay bị tê, thì nên chú ý đến khả năng bị nhồi máu não.
Tỷ lệ đột quỵ não ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên
Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới.
Ghi nhận tại Trung tâm Đột quỵ não – Bệnh viện Trung ương Quân đội (TƯQĐ) 108, năm 2020 đã ghi nhận nhiều trường hợp trong độ tuổi thanh thiếu niên bị đột quỵ não, trong đó có trường hợp nhỏ tuổi nhất là 12 tuổi.
Còn theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm có khoảng 15 triệu người mắc đột quỵ não, khoảng năm triệu người trong số đó tàn phế vĩnh viễn và năm triệu người tử vong.
Tổ chức Đột quỵ Mỹ thống kê, năm 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây, và khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50.
Lam Anh (T/h theo VTCNews, Suckhoe&doisong)