Theo y học cổ truyền rau răm có vị cay tính ấm, không độc, có tác dụng chữa đầy hơi, trướng bụng, tiêu hoá kém, đau bụng lạnh, các vết thương do rắn cắn, chữa ghẻ, tổ đỉa, sưng chân tay do bị cước vào mùa đông,... Ngoài ra nó còn được dùng để chữa thông tiểu, chống nôn và sốt.
Một số bài thuốc sử dụng rau răm trong đông y:
- Chữa tiêu hóa kém, đầy hơi trướng bụng: Rửa sạch rau răm rồi vắt lấy nước uống. Phần bã đem xoa vào bụng (xoa chủ yếu vào khu vực quanh rốn).
- Chữa cảm cúm: Giã nát 1 nắm rau răm cùng 3 lát gừng sống rồi vắt lấy nước uống. Hoặc bài thuốc gồm rau răm (20g), kinh giới (16g), tía tô (20g), xương bồ 16g, xuyên khung (10g), bạch chỉ (10g), thiên niên kiện 10g đem sắc uống.
- Chữa đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh: Kinh giới (16g), rau răm khô (16g), bạch truật (12g), lương khương (12g), gừng nướng (4g), quế (10g). Đổ 2 bát nước, đun còn 1 bát. Chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Chữa rắn cắn: Rau răm giã nhuyễn vắt lấy nước uống. Phần bã đắp vào chỗ bị rắn cắn rồi băng lại (thực hiện càng sớm càng tốt).
- Chữa nước ăn chân: Giã nhỏ rau răm cùng chút muối đắp vào vùng da bị lở loét ngày 2 lần.
- Chữa đứt tay: Rau răm rửa sạch giã nhỏ đắp nơi bị chảy máu.
Tuy có rất nhiều lợi ích nhưng tác dụng phụ của rau răm mà nhiều người đều biết đó là ức chế nhu cầu tình dục, giảm ham muốn của nam giới. Đồng thời, tiêu thụ quá nhiều rau răm cũng sẽ dẫn đến giảm tinh khí, thương tổn đến tủy, rối loạn kinh nguyệt và làm giảm nhu cầu ở nữ giới,...
Nói chung cả nam và nữ nếu ăn rau răm thường xuyên sẽ dẫn đến giảm ham muốn, nam giới kém cường dương tráng khí, chân huyết sẽ khô đi. Nữ giới có thể mất chu kỳ kinh nguyệt. Đây cũng là lý do vì sao người tu hành thường dùng rau răm để an tâm tu hành đắc đạo.
Ngoài ra nữ giới trong những ngày “đèn đỏ” cũng không nên ăn rau răm vì có thể gặp hiện tượng rong huyết. Phụ nữ có thai cũng không nên ăn nhiều rau răm vì có thể dẫn đến hiện tượng sảy thai. Những người máu nóng, suy nhược cơ thể đặc biệt không nên ăn rau răm.
Hồng Vũ (t/h)