Rủi ro về sức khỏe khi đi bơi
Mùa hè oi bức, việc tìm đến các bể bơi công cộng để giải nhiệt trở nên vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, những "chuyến đi bơi" để giải tỏa cái nóng này lại ẩn chứa nhiều rủi ro đáng báo động về sức khỏe.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ThS. BS Trần Thị Thu - Chuyên khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết, gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp mắc các bệnh lý thường gặp khi đi bơi. Điển hình như trường hợp của bệnh nhân nam 50 tuổi, đến khám vì có tình trạng rát đỏ, ngứa nhiều ở vùng bẹn. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm nấm da và xác định có nấm sợi tại vùng thương tổn.
Khai thác các yếu tố nguy cơ, bệnh nhân cho biết thường xuyên đi bơi tại bể bơi công cộng và có sử dụng chung khăn tắm với nhiều người. Bệnh nhân đã được điều trị nấm da và được hướng dẫn cách phòng tránh tái phát.
Một trường hợp khác là trẻ nữ 12 tuổi, đến khám vì tình trạng đỏ, ngứa nhiều và tiết dịch vùng kín kéo dài nhiều ngày. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện vùng âm hộ nề đỏ, bong da và có một số mụn nước. Kết quả xét nghiệm vi nấm cũng chỉ ra sự hiện diện của nấm men Candida.
Khi tìm hiểu yếu tố nguy cơ, bác sĩ nhận thấy trẻ thường xuyên đi bơi nhưng sau khi bơi không tắm ngay mà mặc quần áo ướt kéo dài, dẫn đến nhiễm nấm Candida. Trẻ được điều trị và hướng dẫn cách dự phòng tái phát.
Những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn
BS. Trần Thị Thu chỉ ra rằng các bể bơi phổ thông thường đón một lượng lớn khách hàng cùng lúc và tần suất thay nước không thường xuyên. Điều này tạo điều kiện cho các vi sinh vật, nấm xâm nhập và gây ra các bệnh ngoài da như hắc lào, lang ben, nấm móng, mụn nhọt.
Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều hóa chất khử trùng và clo trong nước bể bơi cũng có thể gây ra các vấn đề về da như viêm da tiếp xúc, khô da và bong tróc.
"Các yếu tố như không tắm trước khi xuống bể, mang theo mỹ phẩm, mồ hôi, bụi bặm cũng có thể trở thành tác nhân gây bệnh", BS. Thu nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc dùng chung khăn tắm sau khi bơi là một trong những nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm các bệnh ngoài da như nấm, ghẻ, u mềm lây, giang mai.
"Bệnh đau mắt đỏ cũng dễ gặp phải, bởi bể bơi là nơi bệnh này dễ lây lan nhất. Nguyên nhân gây bệnh một phần xuất phát từ việc nhiễm khuẩn trong nước hồ bơi, phần còn lại là lây chéo từ những người đã mắc sẵn các bệnh lý về mắt trước đó", bác sĩ cho biết.
Không chỉ vậy, nhiều bể bơi lạm dụng hóa chất còn làm cho người bơi dễ mắc các biểu hiện khác về mắt như: khô mắt, đỏ mắt. Hơn nữa, do bị nước lọt vào tai, nhất là nguồn nước ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn, người tham gia bơi lội dễ mắc các bệnh viêm tai, mũi.
Không chỉ vậy, các tác nhân gây bệnh trong nước bể bơi dễ xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm nấm, viêm nhiễm đường sinh dục, đặc biệt là với phụ nữ. Bên cạnh đó, các chất hóa học được sử dụng trong nước bể bơi cũng có thể xâm nhập đường hô hấp và kích hoạt các cơn hen, ảnh hưởng đến sức khỏe của những người mắc bệnh hen suyễn.
Ngoài ra, tóc cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các chất hóa học lọc nước như ôxit đồng, muối nhôm, clo... Điều này khiến tóc trở nên khô xơ, cứng và dễ rụng, đặc biệt nếu tần suất bơi lội thường xuyên và trong thời gian dài.
Các biện pháp phòng tránh
Đưa ra các biện pháp phòng tránh, BS. Trần Thị Thu cho biết khi đi bơi mọi người cần trang bị kính bơi, mũ bơi bởi bể bơi là nơi có rất nhiều hóa chất, các chất thải, chất bẩn gây hại cho cơ thể.
Vì thế, ngoài đồ bơi chất liệu tốt, chúng ta cũng nên trang bị các phương tiện bảo hộ như kính, mũ bơi... để bảo vệ cho các vùng nhạy cảm trên cơ thể, tránh gây ảnh hưởng xấu và các bệnh tật gây hại.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước và sau khi bơi: Tắm tráng trước khi xuống bể bơi. Sau khi bơi, nên tắm lại bằng nước sạch rồi lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai, rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Vệ sinh sạch sẽ vùng kín bằng các dung dịch vệ sinh có hoạt tính dịu nhẹ.
Lựa chọn các bể bơi ít người, thông thoáng. Nguồn nước sạch sẽ, trong, không có mùi lạ và hạn chế mùi clo. Không sử dụng chung đồ bơi, khăn tắm.
Tránh cạo râu hoặc tẩy lông trước khi tắm tại bể bơi. Không gãi hay làm hành động gì gây xước da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào trong.
Thoa kem chống nắng: Với bể bơi trong nhà, có thể thoa kem chống nắng với độ SPF ở mức 15 bởi ánh nắng mặt trời vẫn có khả năng xuyên qua cửa kính và tác động đến da.
Khi bơi ngoài trời, cho dù trời không nắng vẫn nên thoa kem chống nắng để bảo vệ da. Hãy chọn loại kem chống nắng không thấm nước, có độ SPF ở mức 30. Mức SPF cao hơn sẽ khó thẩm thấu vào da khiến da dễ bị khô.
"Mọi người cần lưu ý rằng, người đang bị đau mắt đỏ hoặc đang có bệnh lý ngoài da, phụ nữ trước và trong kỳ “đèn đỏ” hay đang điều trị viêm nhiễm phụ khoa thì không nên đi bơi", bác sĩ nhấn mạnh.