Lâu nay nhiều người vẫn lo ngại về những biểu hiện của quầng thâm mắt. Không ít người đặt ra câu hỏi, liệu đó là triệu chứng bình thường của việc ngủ ít hay tiềm ẩn trong đó là một bệnh lý khác.
Để làm rõ những thắc mắc đó, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi TS.BS Ngô Thị Thu Hà, hiện đang công tác và giảng dạy tại trường Cao đẳng Y Dược Pasteur (Hà Nội).
Theo TS.BS Ngô Thị Thu Hà, quanh mí mắt là vùng da mỏng nhất cơ thể, các tĩnh mạch ở vùng da này cũng đi rất nông. Vì vậy, máu chảy qua các tĩnh mạch nhỏ bên dưới làm cho vùng da này có màu phơn phớt xanh và sậm màu hơn những vùng da khác.
Khi có các yếu tố bất lợi tác động, vùng da này càng sậm màu hơn. Đa số, các trường hợp bị quầng thâm mắt là một trong những biểu hiện hoàn toàn bình thường của cơ thể và có thể do nhiều nguyên nhân gây nên. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp quầng thâm mắt có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe nào đó.
Có rất nhiều các nguyên nhân khác nhau gây nên quầng thâm mắt, điển hình như: Do cơ địa, tuổi tác, do thiếu ngủ, chế độ dinh dưỡng…
Bên cạnh đó, theo TS.BS Ngô Thị Thu Hà, quầng thâm mắt có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào, lứa tuổi nào và không phân biệt giới tính. Tuy nhiên, do những đặc điểm sinh lý và nội tiết nên nữ giới, đặc biệt là những phụ nữ trên 30 tuổi thường bị quầng thâm mắt nhiều hơn nam giới.
Đối với trường hợp quầng thâm ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh nên chú ý, vì điều này cảnh báo trẻ đang gặp một số vấn đề về dinh dưỡng. Chẳng hạn như trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt…
Ngoài ra, cũng không ngoại trừ khả năng chức năng tim, gan, thận của trẻ cũng đang gặp vấn đề.
“Do đó, nếu thấy con bạn có biểu hiện mắt xuất hiện quầng thâm trong một thời gian dài, kèm theo các dấu hiệu khác như chán ăn, người gầy gò, xanh xao, ngủ kém thì các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám và điều trị kịp thời nếu phát hiện bệnh”, TS.BS Ngô Thị Thu Hà chia sẻ.
Để phân biệt được quầng thâm mắt bình thường hay hay quầng thâm bệnh lý, BS Hà đưa ra lời khuyên, mỗi người cần tự theo dõi những thay đổi trong cơ thể mình.
“Đối với quầng thâm mắt bình thường, chúng thường xuất hiện sau những đêm dài thiếu ngủ, mệt mỏi, hoặc khi mang thai… Quầng thâm mắt kiểu này có thể tự hết sau một thời gian điều chỉnh lại lối sống và cách sinh hoạt.
Nếu quầng thâm do bệnh lý thì chúng thường không xuất hiện một mình mà kèm theo các biểu hiện khác như vàng da, nước tiểu sẫm màu, đau vùng thượng vị…
Khi mắc một số bệnh lý về thận, gan, dạ dày thì bệnh nhân cũng bị thâm mắt. Cụ thể như sau: Đối với các bệnh thận, quầng thâm mắt sẽ thâm đen, hai mắt không có thần; Đối với bệnh nhân mắc các bệnh về gan thì vùng da trên khuôn mặt, xung quanh mắt đều sẫm màu, thậm chí có màu vàng sẫm; Đối với bệnh nhân mắc các bệnh dạ dày mạn tính thì quầng thâm mắt có màu hơi sẫm, xuất hiện màu xanh dương nhạt và phạm vi tương đối lớn.
“Ngoài việc thay đổi lối sống, lối sinh hoạt sao cho lành mạnh thì các bạn cũng có thể sử dụng thêm một số biện pháp được lưu truyền trong dân gian như sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên để giảm quầng thâm như túi lọc trà, dưa leo... Tuy nhiên, các biện pháp này cần thời gian dài để đạt được hiệu quả như mong muốn”, TS.BS Ngô Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Ở một góc độ khác, TS.BS Y khoa Mai Mạnh Tuấn - Giảng viên trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết thêm: “Thâm quầng mắt không thể mất hoàn toàn mà chỉ có thể cải thiện. Biện pháp để thể cải thiện quầng thâm mắt tốt nhất hiện nay là phương pháp ghép tế bào tự thân. Ngoài ra, đối với nhiều trường hợp, việc cắt da chùng mí dưới sẽ cắt cả vị trí bị thâm, vì vậy tình trạng thâm mắt cũng được cải thiện rất tốt”.
Lý giải sâu hơn về ghép tế bào tự thân, TS.BS Mai Mạnh Tuấn cho hay, đây là phương pháp mới và hiệu quả nhất hiện nay để điều trị quầng thâm mắt. Khi tiến hành ghép tế bào gốc, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ lấy tế bào, lấy một chút nhỏ niêm mạc miệng. Phần niêm mạc được nuôi cấy trong môi trường phòng thí nghiệm giúp tế bào phát triển, sử dụng tế bào đó ghép lại vào vùng thâm giúp da sáng lên.
Bên cạnh đó, việc thực hiện massage da mặt, trẻ hóa làn da khiến cho tuần hoàn máu vùng mắt được cải thiện đáng kể, không những làm tan vùng quầng thâm ở mắt mà các nếp nhăn quanh mắt cũng theo đó mà giảm đi đáng kể.
Nguyễn Huệ