Trước đó, trong Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đã hạn chế quyền cung cấp thông tin vi phạm, điều này hoàn toàn là trái với Luật khiếu nại tố cáo.
“Nếu phát hiện tôi sai, phải báo với… tôi”
Công văn này khẳng định rõ, “chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến đề thi như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có).”
Phao thi nhản nhản trên thị trường báo hiệu một mùa thi... gian lận không giảm |
Ngay khi nghe thông tin về văn bản này, PGS Văn Như Cương cho biết cái lý trong văn bản của Bộ GD-ĐT gửi các tỉnh là không ổn. Rõ ràng báo chí có chức năng của báo chí, thấy có sai sót, tiêu cực thì phải phản ánh và chịu trách nhiệm về sự đúng sai của mình.
Báo chí không thể phát hiện ra tiêu cực rổi đi báo cáo với cơ quan chức năng hay công văn để trước khi đăng, và thêm nữa, cơ quan hành chính có chức năng của họ, báo chí có chắc năng của báo chí.
“Bộ GD- ĐT không thể can thiệp như vậy được. Việc ban hành văn bản này tôi thấy không nên, không đúng, không hợp lý. Lo sợ tiêu cực ai chẳng lo sợ, nhiệm vụ của Bộ là phải chỉ đạo cho các Hội đồng thi chống lại những hành động sai trái chứ không phải đi ban hành, và làm vòng ngoài giống như “Nếu phát hiện ra sai trái thì phải báo cáo với chúng tôi”, tôi cho là không phải", PGS Văn Như Cương thẳng thắn.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội cho rằng: “Tất cả mọi vấn đề cần làm theo Luật. Báo chí có Luật của báo chí. Vấn đề đặt ra ở đây là tính chất an toàn và nghiêm túc cho kỳ thi, lãnh đạo cần xử lý thông tin như thế nào để không gây ra sự bất thường. Khi sự việc nhạy cảm xảy ra, cần bàn bạc kỹ để có hướng xử lý hợp lý.
Quan điểm của tôi là ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Trước một sự việc, ai cũng muốn có sự an toàn cho mình nhưng tùy từng mức độ để đặt ra. Báo chí cũng vậy”.
Và… hoang mang
Một chuyên gia giáo dục bức xúc: “Ngày càng nhiều quan chức tham gia chỉ đạo báo chí”. Có thể thấy, lần đầu tiên, ở Việt Nam có một Bộ, mà lại là Bộ GD- ĐT làm một văn bản đề nghị các địa phương “chỉ đạo các cơ quan truyền thông.
Như vậy, ai cũng hiểu theo đúng chỉ đạo như thế này: các địa phương sẽ chỉ đạo báo chí, nếu có tin tức về tiêu cực thi cử, thay vì đăng tải công khai trên báo chí, sẽ phải đến “xin phép” các cơ quan có trách nhiệm, nếu chưa xin thì chưa được đăng.
Tuy nhiên, trước công văn gây sốc này, bên hành lang Quốc hội Bộ trưởng Bộ Phạm Vũ Luận đã có giải thích xung quanh việc ban hành văn bản 2998/2013:
Không ai nói là cấm đăng tin, tôi vẫn quyết định cho mang phương tiện ghi âm, ghi hình và phản ảnh, đưa tin. Tôi đề nghị các địa phương trao đổi để các cơ quan báo chí cân nhắc việc đó để phối hợp và không có giới hạn việc đưa thông tin sai phạm trong thi cử lên mặt báo. Báo chí phản ảnh sẽ tạo nên sức ép để cả xã hội đấu tranh với chuyện tiêu cực trong giáo dục một cách sát sao.
Nhưng tôi cho rằng khi báo chí đưa tin cần thận trọng, nhiều khi nghe thông tin một cái là đưa, nhất là lúc các em học sinh đang làm bài mà tiếp nhận được thông tin ấy là sốc, không làm được bài…
Rồi ông nói, chúng ta nên chống tiêu cực trong giáo dục một cách có trách nhiệm, chất lượng để đảm bảo môi trường thi cử cho các em học sinh được yên tĩnh và chúng ta không bị những thông tin của những người hoặc vô tình hoặc cố ý làm mất ổn định môi trường sư phạm.
Còn nhớ trước năm 2007, tình trạng thi tốt nghiệp tại các địa phương thực sự… gây sốc, nhà nhà đi thi, đi ném bài… Và những vụ việc điển hình đã được báo chí đưa ra công luận như THPT Phú Xuyên A, Hà Tây (cũ) ngày 2/6/2006, và đình đám hơn cả là vụ quay cóp ở trường PTTH Đồi Ngô (Bắc Giang) mùa thi năm 2012...
Hoan nghênh anh em báo chí như lời Bộ trưởng nói, nhưng nếu chờ đợi “thẩm định” như công văn thì tiêu cực sẽ đi tới đâu. Và điều này khiến nhiều người thêm hoang mang, khi Bộ trưởng kí công văn như vậy và lời nói bên hành lang Quốc hội, điều nào là chuẩn mực. Khi mà công văn là sắc lệnh và lời nói bên lề liệu có “gió bay”?...
Chỉ còn ít ngày nữa, kì thi tốt nghiệp năm 2013 sẽ diễn ra. Nếu cứ nhìn vào những bảng thành tích xấp xỉ 100% đỗ tốt nghiệp trước năm 2007 rồi những ngôi trường ngập tràn điểm ) tốt nghiệp khi thực hiện “ hai không” và những năm gần đây bảng vàng ấy trở lại.
Bằng chứng là năm 2010 là 92,57%, năm 2011 là 95,72%, năm 2012 là 97,63%... thì thấy rằng con cái chúng ta giỏi thật, nếu những tiêu cực như Đồi Ngô không lộ diện. Và năm nay, khi những quy định “chỉ đạo” báo chí được xiết lại theo đúng tinh thần… công văn thì tỷ lệ tốt nghiệp còn vô cùng… ngất ngưởng.
Theo Nguyễn Mỹ (Pháp luật Việt Nam)