Những cô cậu tuổi 18 đã từng nghĩ rằng con đường đến với đại học thật chông gai và tốn nhiều thời gian, không phải vì sức học kém, cũng không phải vì thiếu điểm đậu… mà vì học phí. Thế nhưng, vượt lên số phận, mỗi người có những cách để vượt qua khó khăn ấy, quyết đi lên bằng chính con đường học hành.
Gánh nặng trên đôi vai bố
Mẹ bị bệnh tim. Một mình bố gánh vác kinh tế gia đình. Nguyễn Duy Cường (19 tuổi, Lâm Đồng) từng có ý định nghỉ học sau khi học xong lớp 12 để đi làm.
Dưới Cường còn có hai em, đều đang tuổi ăn tuổi học. Một mình bố nuôi 5 miệng ăn.
“Hồi cấp 3, em có suy nghĩ là không đi học đại học. Vì em thấy mọi việc đều dồn hết lên bố. Một mình bố nuôi các con ăn học. Em muốn nghỉ học để học nghề, hoặc đi làm sớm để phụ giúp gia đình”, Nguyễn Duy Cường chia sẻ.
Trong suy nghĩ của Cường lúc đó, con đường đến giảng đường đại học thật chông gai và tốn nhiều thời gian. Cường đã nhiều lần trao đổi với mẹ, để bàn về việc nghỉ học.
“Tiền học phí đại học cao lắm. Xuống thành phố học, chi phí cũng rất đắt đỏ. Nhà mình như vậy thì làm sao mà lo được”, Cường từng chia sẻ với mẹ.
Ước mơ học đại học của Cường có lẽ đã chấm dứt từ đó nếu không có đoàn tuyển sinh Trường Đại học Gia Định (GDU) đến tư vấn tại trường học. Khi biết GDU có mức học phí phù hợp với gia đình, Cường đã đăng ký xét tuyển ngành Đông Phương học và trúng tuyển. Hiện Cường là sinh viên năm nhất ngành Đông phương học tại đây.
Bà Phạm Thị Lệ Thu, mẹ Cường kể: “Cách đây gần 2 năm, tôi phát hiện mình bị bệnh tim và không lao động nặng được. Một mình bố Cường nuôi mấy mẹ con nên bố không dám nghỉ làm ngày nào. Dù cho con đi học đại học cũng khó khăn, cũng phải đi vay mượn nhưng tôi mau cháu sẽ có công việc ổn định sau tốt nghiệp”.
Kiếm tiền ngay từ thời sinh viên
Cũng từng ý định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, nên trong Kỳ tuyển thi Tốt nghiệp THPT và Xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020, Nguyễn Phước Hậu (20 tuổi, Đồng Nai) đã không điền nguyện vọng đại học.
“Ba năm liền em là học sinh giỏi. Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm đó của em là 25,8 điểm cho tổ hợp môn Toán, Lý, Hóa. Em quyết định không đi học đại học vì nhu cầu lúc đó là kiếm tiền sớm, phụ giúp cha mẹ”, Hậu nói.
Khi ấy, dì của Hậu định hướng em học khóa học trong vòng vài tháng để làm, có thể kiếm tiền được ngay để phụ cho gia đình. Nhưng rồi năm đó, dịch bệnh Covid-19 diễn ra, chính công việc của dì Hậu cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Đắn đo nhiều lần, người thân lại khuyên Hậu nên đi học đại học.
“Sau biến cố, dì nói với em rằng dù học đại học tốn thời gian hơn, nhưng con đường này cho Hậu kiến thức, tư duy và cơ hội bền lâu sau này. Dì sẽ lo học phí nếu Hậu đậu vào đại học. Với mong muốn học nhanh, ra trường sớm để phụ giúp gia đình và đền đáp công ơn của dì, em tìm kiếm trường học phí phù hợp và thời gian đào tạo ngắn”, Hậu chia sẻ.
Khi tìm hiểu, Hậu biết Trường Đại học Gia Định có thời gian đào tạo chỉ 3 năm (8 học kỳ). Hậu đăng ký xét tuyển vào trường bằng phương thức xét kết quả học bạ THPT và trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh.
“Con cháu học giỏi thì mình mừng, mình vui, mình lo cho nó học. Học đại học thì có tương lai cho cháu hơn. Hậu cũng nói với tôi đây là trường có học phí đỡ hơn các trường khác”, dì của Hậu bà Phạm Thị Thanh Vân.
Hiện Nguyễn Phước Hậu là sinh viên năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Gia Định, và luôn năng động, sôi nổi với các hoạt động của trường lớp. Không chỉ có thế, em đang là cộng tác viên của nhà trường và được trả lương bằng ½ nhân viên chính thức của GDU. Mức thu nhập này giúp Hậu trang trải chi phí sinh hoạt và học tập.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giảng viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Gia Đình cho biết: “Hậu là sinh viên chăm chỉ, là cán bộ lớp rất nhiệt tình, có trách nhiệm. Tôi thấy em tiến bộ qua từng ngày vì em có đam mê trong học tập. Cùng với những kiến thức được học và sự cầu tiến, đam mê thì tôi nghĩ, em có rất nhiều cơ hội để thành công trong công việc sau này”.
PGS.TS Võ Trí Hảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho biết: “Nhà trường duy trì mức học phí phù hợp để mở rộng cánh cổng đại học và đưa giấc mơ đại học đến số đông, đến những người có ý chí và nguyện vọng”.