Những loại thực phẩm không nên hâm nóng trong lò vi sóng:
Sữa
Lò vi sóng có thể làm nóng bình sữa mẹ không đều, tạo ra "điểm nóng" có thể làm bỏng nghiêm trọng miệng và cổ họng của trẻ. Ngoài ra, nhựa nóng còn có nguy cơ gây ung thư.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến cáo nên rã đông và hâm nóng sữa trong nồi trên bếp, hoặc sử dụng nước nóng. Có thể đun nóng một ly nước trong lò vi sóng, sau đó thả túi hoặc bình sữa mẹ vào đó để rã đông.
Trứng luộc
Trứng có vỏ hoặc không có vỏ, khi luộc chín trong lò vi sóng, hơi ẩm bên trong tạo ra hơi nước tích tụ cực độ, giống như một nồi áp suất thu nhỏ, đến mức trứng có thể nổ! Thậm chí, đáng sợ hơn, trứng không chỉ có thể nổ bên trong lò vi sóng khi đang được làm nóng, mà còn có thể bắn ra trên tay, trên đĩa hoặc thậm chí trong miệng, theo Bright Side.
Để tránh biến trứng thành bom hơi, hãy cắt trứng thành từng miếng nhỏ trước khi hâm nóng, hoặc tốt nhất là đừng cho nguyên cái trứng vào lò vi sóng.
Thịt nguội
Đầu tiên, thịt chế biến không phải là thực phẩm lành mạnh vì chứa nhiều muối, chất phụ gia, hóa chất và chất bảo quản. Nhưng khi thêm bức xạ vi sóng vào các loại thịt nguội và đồ hộp, có thể làm tăng mức cholesterol, dẫn đến các vấn đề về tim.
Cách an toàn nhất để làm nóng dăm bông và xúc xích là nướng trên bếp nướng, theo Bright Side.
Nước
Làm nóng nước trong lò vi sóng có vẻ là cách đơn giản nhất. Nhưng các nghiên cứu cho thấy nhiều trường hợp bỏng xảy ra từ nước đun trong lò vi sóng, đặc biệt là khi trẻ em cầm tay.
Sóng điện từ trong lò vi sóng có thể làm cho nước quá nhiệt, làm cho các phân tử nước không ổn định và có thể gây sôi dữ dội và thậm chí gây nổ!
Thịt gà
Lò vi sóng đôi khi có thể làm chín thức ăn không đều, có nghĩa là vẫn có thể có vi khuẩn còn sót lại trên gà. Đặc biệt, gà là nguồn lây nhiễm rất mạnh một loại vi khuẩn gây tiêu chảy.
Cả những loại thịt khác cũng vậy. Tốt nhất là hâm thịt thật kỹ, trên nhiệt độ trực tiếp, như trong nồi, trên vỉ nướng hoặc trong lò nướng.
Cơm
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, nếu cơm được để ở nhiệt độ phòng, nó có thể chứa các bào tử vi khuẩn có thể sinh sôi và gây ngộ độc thực phẩm. Lò vi sóng sẽ không thể giết chết vi khuẩn, vì vậy tốt nhất nên ăn hết cơm vừa nấu.
Tuy nhiên, nếu cất cơm vào tủ lạnh ngay sau khi nấu chín, thì việc hâm nóng lại sau đó sẽ an toàn hơn. Và cần phải đảm bảo hâm đủ nóng đều cơm, theo Bustle.
Hải sản
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, hải sản nấu chín nếu để ngoài nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ, vi khuẩn có hại có thể hình thành và gây ngộ độc thực phẩm.
Nếu hâm nóng bằng lò vi sóng, cần đảm bảo hâm nóng kỹ lưỡng và không để ở ngoài quá lâu để tránh bị nhiễm khuẩn.
Trang Dung (t/h)