Điêu Thuyền
Điêu Thuyền, một nhân vật trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa vốn nổi tiếng với nhan sắc “khiến mặt trăng phải xấu hổ mà giấu mình đi” cùng tài năng ca múa thuộc hàng thượng đẳng.
Điêu Thuyền được văn hóa dân gian Trung Quốc xếp vào “tứ đại mỹ nhân” trong lịch sử quốc gia này, bên cạnh Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Ngọc Hoàn.
Dù không tìm thấy bất cứ ghi chép nào về xuất thân của mỹ nữ lừng danh này, song nhiều truyền thuyết dân gian lại cho rằng Điêu Thuyền vốn họ Nhậm, tên là Hồng Xương. Theo một số tài liệu sử, nàng là con nuôi trong nhà của Tư đồ Vương Doãn, và cũng chịu số phận éo le giống Tây Thi.
Nói tới Điêu Thuyền, độc giả của Tam quốc diễn nghĩa đều biết, nàng là con nuôi của Tư đồ Vương Doãn và được ông hết mực yêu chiều. Trong thời gian này, Đổng Trác với sự giúp đỡ của Lã Bố đã thâu tóm hết binh quyền, ám hại công thần và ăn chơi trác táng. Đứng trước tình thế ấy, Vương Doãn cùng Điêu Thuyền liền bày kế ly gián thâm sâu nhằm lật đổ Đổng Trác. Ông hứa gả nàng cho Lã Bố nhưng sau đó lại hiến luôn cho Đổng Trác.
Điêu Thuyền bèn lợi dụng cơ hội nói với Lã Bố rằng mình bị Đổng Trác cưỡng bức, rồi mặt khác lại khóc lóc nỉ non với Đổng Trác vì Lã Bố dám sàm sỡ nàng. Việc này khiến hai bố con nghi ngờ lẫn nhau, dẫn tới việc Lã Bố giết chết người con trai nuôi của mình.
Thật không ngờ, một cô gái bình thường như Điêu Thuyền lại có thể dùng trí thông minh tuyệt vời để Lã Bố phải nổi cơn ghen tuông, dùng kích đuổi theo mà sát hại Đổng Trác, làm náo loạn Phụng Nghi Đình. Thời đại Tam quốc phân tranh cũng bắt đầu từ đó.
Tiểu Kiều và Đại Kiều
Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì Tiểu Kiều và Đại Kiều (chị gái) họ là con gái Kiều Công, chủ nhân Kiều gia trang, gần vùng núi quận Cối Kê xứ Giang Đông, khu vực bờ nam sông Dương Tử.
Đại Kiều được mô tả là cô gái nhu mì, đẹp trầm lặng, đôi mắt diễm lệ nhưng đa sầu, tính cách hiền hậu, nhút nhát, sống nội tâm và tình cảm, nàng thích công việc nữ công gia chánh, thêu thùa, nấu ăn, chăm sóc hoa lá. Tiểu Kiều được mô tả dung mạo xinh đẹp, thông minh, thích đọc sách, đánh đàn, ngắm hoa và làm thơ thuộc hàng tuyệt thế giai nhân thời Tam quốc.
Sau khi chiếm được Uyển Thành, Lư Giang, Tiểu bá vương Tôn Sách cùng bạn là Chu Du đến thăm Kiều gia trang rồi tình cờ chạm mặt hai nàng Kiều. Họ bèn cầu hôn hai tiểu thư họ Kiều. Đại Kiều kết hôn với Tôn Sách và Tiểu Kiều kết hôn với Chu Du.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân của hai chị em họ Kiều được xem là sự hôn phối giữa “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “mỹ nhân và danh tướng” nhưng đều không kéo dài. Lấy nhau được 3 năm thì Tôn Sách mất, Đại Kiều một mình nuôi con cho tới cuối đời.
Phần cô em là Tiểu Kiều thì may mắn hơn chị, được cùng chồng là Chu Du yên hưởng tình yêu tới 12 năm nhưng Chu Du cũng đoản mệnh. Sau khi chồng mất, họ đều trở lại Kiều gia trang để sinh sống. Cả hai chị em họ Kiều đều phải chịu cảnh goá phụ khi còn quá trẻ.
Chân Mật
Văn Chiêu Chân hoàng hậu sinh năm 182 còn được gọi với cái tên Chân Mật và Chân Lạc, thời Hán Linh Đế, người quận Trung Sơn (nay là Chính Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc).
Cha của Chân Lạc mất năm nàng 3 tuổi. Đến 9 tuổi, Chân Lạc trở nên vô cùng thông minh, biết cách tự học chữ đọc sách.
Sau này, khi đến tuổi thành thân, Chân Mật được bá chủ phương Bắc đương thời là nhà quân phiệt Viên Thiệu cưới về cho con trai Viên Hy.
Dung nhan của Chân Mật được lưu truyền trong dân gian với vẻ đẹp lộng lẫy, làm động lòng Tào Tháo và 2 người con trai Tào Phi và Tào Thực. Có một câu nói trong dân gian được cho là ở thời Tam quốc dùng để miêu tả sắc đẹp của nàng: "Giang Nam hữu Nhị Kiều, Hà Bắc Chân Mật tiếu”.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, họ Viên dần dần bị Tào Tháo triệt hạ. Năm 204, quân Tào Tháo chiếm được thủ phủ của Ký Châu, Chân Mật đã lọt vào tay quân Tào. Khi thắng trận, Tào Phi - con trai Tào Tháo dẫn quân xông thẳng vào nhà họ Viên thì thấy vợ Viên Thiệu và Chân Mật đang ôm nhau khóc.
Thấy đầu bù, mặt nhọ, Tào Phi đã kéo nàng Chân lại gần, dùng ống tay áo nhẹ nhàng lau mặt cho nàng và tự nhiên xúc động thốt lên “Thật là một tiên nữ!”. Sau đó, Tào Phi hứa sẽ bảo toàn cho cả gia đình.
Nhiều sách khác lại kể rằng, vì nghe đồn về nhan sắc kiều diễm của Chân Mật, chính Tào Tháo rất thèm khát nên khi đem quân triệt hạ họ Viên đã có ý định chiếm lấy nàng về mua vui cho mình. Vì thế, ông ta ra lệnh không ai được xâm phạm đến gia quyến nhà họ Viên. Thật không may là cậu con trai nhanh chân hơn đã chiếm được người đẹp, khiến Tào Tháo tuy tiếc đứt ruột vẫn phải cưới nàng cho con trai mình.
Còn tiếp…
Quốc Tiệp (t/h)