Người phụ nữ bán rau, nuôi 3 con học đại học
Đó là chị Đào Thị Gần (49 tuổi, ở Thôn Mai Xá, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Hàng ngày, chị tất tả với gánh hàng rau trên một góc phố nhỏ cuối đường Trần Quang Diệu (Hà Nội). Gần 20 năm nay chị bám chặt với con phố này, tảo tần bên gánh rau, một mình gồng gánh nuôi 3 con học đại học.
Năm 2009, chồng chị đột ngột qua đời sau một cơn bạo bệnh đã khiến cho mẹ con chị mất đi chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Gánh nặng kinh tế từ đó cũng dồn hết lên đôi vai gầy của chị. Tuy nhiên, vượt lên khó khăn và mất mát, cả 3 con của chị đều lần lượt thi đỗ vào đại học.
Mười tám năm qua, ngày nào cũng vậy, bất kể mưa dầm hay giá rét, khoảng 3 giờ sáng là chị lại một mình đạp xe hàng chục cây số ra chợ đầu mối để lấy hàng, rồi rong ruổi khắp các ngõ ngách của phố phường để bán hàng, chắt chiu từng đồng để gửi về quê, nuôi ba con đang tuổi ăn tuổi học.
Con gái đầu, cháu Hải Lý thi đỗ vào Đại học Thái Nguyên; cháu Hồng Hải cũng thi đỗ vào Đại học Y học cổ truyền Hà Nội. Đặc biệt là con trai út, cháu Lê Mạnh Tuấn, thi đỗ vào cả Đại học Y Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân với số điểm rất cao.
Điều khiến chị Gần cảm thấy hạnh phúc, tự hào nhất khi nhắc đến các con của mình chính là khả năng tự lập, ý chí vượt khó cũng như tinh thần đoàn kết vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài việc học ở trường, Tuấn và Hồng Hải lại làm gia sư để kiếm tiền trang trải cho việc học. Hầu hết những kỳ nghỉ hè, khi các bạn cùng trang lứa về quê để sum vầy cùng gia đình thì các con chị ở lại để làm thêm kiếm tiền cho năm học mới.
Cô con gái đầu là Hải Lý sau khi tốt nghiệp đại học đã thi đỗ vào làm giáo viên dạy môn Sử tại Trường PTCS Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội.
Người mẹ nghèo bán “rau đắng” nuôi 4 con học đại học
Chị là Trần Thị Sự ở thôn 5 xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau ngày chồng mất, bao vất vả, nhọc nhằn về cơm áo, gạo tiền để nuôi 4 đứa con học đại học đều đè nặng trên đôi vai của chị.
Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng nhìn chị già hơn tuổi rất nhiều vì cuộc sống nhiều lam lũ. Người phụ nữ da đen sạm, dáng gầy guộc, liêu xiêu và vẻ khắc khổ luôn hiện trên khuôn mặt của chị. Gặp chị đang trên đường trở về nhà sau buổi chợ.
Năm 2008 chồng chị lâm bệnh nặng và mất sau đó không lâu. Sau ngày chồng mất chị lại vất vả ngược xuôi để kiếm tiền nuôi các con. Từ năm 2008 đến nay sáng nào chị cũng đi bán rau đắng kiếm tiền nuôi các con ăn học. Mỗi sáng chị kiếm được 30.000đ đến 50.000đ. Chị chắt chiu gom góp từng đồng rồi vay mượn thêm để đến tháng lại gửi tiền cho các con.
Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ rất sớm. 4h sáng chị dậy chất rau lên xe, đạp xe hàng chục cây số đi bán, trưa lại tất tả về lo cơm nước. Chiều đi làm thuê, chập choạng tối lại ra ruộng cắt rau. Cứ thế, cuộc sống của chị không hề có thời gian cho riêng mình. Lúc nào chị tất bật với nỗi lo cơm áo gạo tiền cho con cái.
Chị Trần Thị Sự tần tảo sớm hôm nuôi 4 người con vào Đại học.
Năm 2005 đứa con trai đầu của chị đổ vào trường Đại học KHXH&NV TP.HCM. Hai năm sau đứa con con gái thứ hai của chị cũng đổ vào Đại học Phú Xuân Huế, Năm 2009 con trai thứ ba của chị đổ vào đại học sư phạm Huế và năm 2012 con trai út của chị đã đổ vào Đại học Huế.
4 đứa con của chị đứa sau noi gương đứa trước lần lượt vào đại học. Các con vào đại học niềm vui sướng, tự hào của người làm mẹ. Tuy nhiên, niềm vui sướng tự hào bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa với gánh nặng trên đôi vai của chị càng nặng trĩu bấy nhiêu.
Những năm gần đây sức khỏe của chị ngày càng giảm sút, thời tiết không thuận lợi, hoa màu mất mùa chị không biết xoay đâu ra tiền để nuôi các con. Nỗi lo lại càng đè nặng trên đôi vai gầy guộc của chị. Vất vả bao nhiêu thì quyết tâm của chị lại tăng lên bấy nhiêu. Mặc dù sức khỏe ngày càng giảm sút nhưng bằng mọi giá chị vẫn quyết tâm cho các con ăn học nên người.
Vì thế, sau mỗi buổi chợ ai thuê gì chị cũng làm. Từ cắt lúa thuê, phụ hồ, khuân vác… chị đều làm tất, miễn sao có tiền gửi cho các con. Để có tiền trang trải cuộc sống chị phải thức khuya dậy sớm để bán rau nhưng cũng chỉ kiếm được 30.000 đến 50.000 đồng/ngày. Có những lúc ốm đau phải nghỉ ở nhà nhưng ngồi nhà chị lại không yên tâm. Chị cứ suy nghĩ mình mà ở nhà thì làm gì có tiền để gửi hàng tháng cho các con. Thế là, quân năm, suốt tháng chiếc xe đạp của chị không bao giờ ngừng nghỉ. Nó cùng chị có mặt trên mọi ngã đường. Có những lúc chị nhin đói đạp xe hàng chục cây số để cắt lúa thuê, phụ hồ, tối lại đạp xe về nhà.
Dù giờ đây, đứa con đầu và thứ hai của chị đã học xong nhưng vẫn còn hai đứa đang học, chiếc xe đạp của chị vẫn chưa được nghỉ, món nợ của những năm tháng các con đi học giờ đây đã ngót nghét cả trăm triệu.
Không còn bố, mẹ vẫn một mình nuôi 3 con học đại học
Gần 10 năm sau ngày chồng qua đời, chị Hoàng Thị Kim (ở thôn 5, làng Đại An, xã Hoằng Lương, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vừa làm mẹ, vừa làm cha, gồng gánh nuôi 3 con khôn lớn, vào đại học.
Không chỉ làm 5 sào ruộng, chị bắt đầu đi mua rau rồi ra chợ bán lại kiếm vài đồng lời để có tiền nuôi các con. Ngày ngày, không kể trời nắng hay trời mưa, chị dậy từ 4h sáng để lấy rau rồi lại đi hàng chục cây số để bán, trưa lại tất tả về lo đồng ruộng. Buổi tối, chị cặm cụi với đàn gà lợn. Cứ thế, ngày qua, đêm đến chị tất bật với nỗi lo cơm áo gạo tiền cho con cái.
Có lẽ hiểu được hoàn cảnh gia đình, để đền đáp công lao của mẹ nên 3 con của chị rất chăm ngoan và học giỏi. Đứa nhỏ noi gương đứa lớn, cứ thế năm nào các con của chị cũng đạt thành tích cao trong học tập, hai cô con gái Phượng và Hương còn đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Văn và môn Sinh, rồi không những thế các con của chị lần lượt đậu đại học.
Năm tháng qua đi, đôi gánh rau của chị đã đưa hai con qua ngưỡng cửa đại học. Con trai đầu của chị là Hoàng Ngọc Khoa, sinh năm 1986, đã tốt nghiệp Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (loại Khá) và Trường CĐ Cộng đồng Hải Phòng. Con gái thứ hai là Hoàng Thị Phương ra trường năm 2011 với tấm bằng cử nhân ĐH Hải Phòng. Cả hai hiện đã có công việc ổn định. Còn cô con gái út là Hoàng Thị Hương sinh năm 1992, đang học năm thứ 2 Học viện Ngân hàng.
Nói về các con, đôi mắt chị sáng lên niềm vui và tự hào, chị tâm sự: “Đời tôi khổ nhiều rồi nên tôi luôn nhắc các con rằng chỉ có con đường học mới thoát khỏi cảnh lam lũ cơ cực như mẹ. Mẹ dù nghèo nhưng mẹ còn sống thì các con vẫn có thể đến trường. Người ta chỉ học được mấy năm thôi còn vay mượn thì làm cả đời sẽ trả được. Các con thương mẹ thì phải cố mà học”.
Dù giờ đây, hai con của chị đã học xong nhưng đôi quang gánh của chị vẫn chưa thôi oằn nặng, món nợ của những năm tháng các con đi học vẫn còn treo lơ lửng, cô con gái út mới học năm thứ 2.
H.H (tổng hợp/Giáo dục Việt Nam)