Người bị bệnh tim mạch và huyết áp cao
Nghiên cứu từ Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) cho thấy, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm cay có thể làm tăng nhịp tim, tăng nguy cơ đối với những người bị bệnh tim hoặc tăng huyết áp.
Thực phẩm cay kích thích tuần hoàn máu, nhưng có thể gây gánh nặng không cần thiết lên hệ tim mạch.
Người mắc bệnh dạ dày
Người bị các chứng bệnh như viêm dạ dày mạn tính, viêm loét dạ dày, phù nề, ung thư dạ dày... không nên ăn cay. Các thực phẩm cay nóng có thể kích thích mạnh đến niêm mạc gây xung huyết, các vết viêm loét trở nên trầm trọng, ảnh hưởng đến sự hồi phục chức năng tiêu hóa.
Người mắc bệnh trĩ hoặc táo bón mạn tính
Theo Harvard Health Publishing, thực phẩm cay có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh trĩ. Capsaicin không được tiêu hóa hoàn toàn, dẫn đến kích ứng và đau rát ở hậu môn, đặc biệt với những người có tổn thương niêm mạc.
Người bị viêm túi mật, sỏi mật
Capsaicin trong ớt kích thích axit dạ dày tiết ra nhiều, khiến các bệnh liên quan đến túi mật nghiêm trọng hơn. Người bệnh khi ăn các đồ ăn cay có thể làm các thành động mạch co lại, quá trình tiết mật trong túi mật gặp nhiều khó khăn.
Phụ nữ mang bầu và mới sinh con
Phụ nữ mang bầu và mới sinh con cũng không nên ăn cay. Ăn cay sẽ khiến cho em bé bị ảnh hưởng khi sử dụng sữa mẹ.
Người bị mụn hoặc các vấn đề về da
Thực phẩm cay làm tăng nhiệt độ cơ thể, kích thích tiết dầu và mồ hôi, dẫn đến tình trạng mụn hoặc các bệnh da liễu như viêm da, vảy nến trở nên nghiêm trọng hơn, theo tạp chí Dermatology Times.
Người bị viêm loét miệng
Viêm loét miệng sẽ nhạy cảm với gia vị cay. Nếu không kiêng cữ trong thời gian điều trị sẽ khiến vết loét nặng thêm và lâu khỏi, gây đau đớn cho người bệnh.
Dù thực phẩm cay mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, việc ăn cay cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên tình trạng sức khỏe cá nhân để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.
Minh Hoa (t/h)