Tâm sự nghề của một "kiện tướng lái tàu"
Những ngày Tết đến Xuân về, những đoàn tàu vẫn xình xịch trên đường ray để đưa khách vào Nam ra Bắc đón tết cùng người thân, gia đình. Tết đến cũng là thời điểm mà ngành đường sắt trở nên bận rộn hơn cả, bởi đây là lúc lượng khách tăng cao đột biến.
Thời điểm này, những chuyến tàu không bao giờ nghỉ, kể cả giáp Tết hay trong khoảnh khắc giao thừa. Người lái tàu thầm lặng hàng năm trời vẫn luôn cần mẫn với công việc đưa những chuyến hàng, hành khách đến mọi miền đất nước.
Vào nghề năm 1985, đến nay ông Nguyễn Duy Khánh (SN 1965, công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) đã có 35 kinh nghiệm lái tàu. Ông Khánh nói rằng, lái tàu vào những ngày lễ Tết không có gì khác biệt vì bản thân họ vẫn miệt mài trên các cung đường sắt.
Để trở thành người lái tàu thực thụ, ông Khánh mất 7 năm đi học. Trong đó có 4 năm học tại trường Trung cấp Nghề đường sắt khu vực 3, sau đó tiếp tục đi phụ lái 3 năm rồi thi lên lái tàu bậc 1. Ông Khánh nói rằng: “Nghề lái tàu có nhiều khó khăn, vất vả, lúc nào cũng rầm rầm tiếng động cơ và hôi rình mùi dầu máy diezel, người điều khiển phải cực kỳ dày dặn kinh nghiệm mới có thể điều khiển cả máy móc nặng hàng trăm tấn. Nghề vất vả là vậy nên rất cần những người thực sự yêu nghề để có thể gắn bó lâu dài với công việc vất vả này”.
35 năm gắn bó với các con tàu, bản thân ông Khánh chẳng nhớ nổi mình đã chạy bao nhiêu chuyến trên các cung đường. Chia sẻ về nghề, ông Khánh cho hay, nhiệm vụ một lái tàu là sẽ phải có mặt ở phòng trực ban trước 2 giờ để làm các thủ tục rất nghiêm ngặt trước khi nhận nhiệm vụ.
Thủ tục sẽ bao gồm việc kiểm tra lại các thông số kỹ thuật của tàu, kiểm tra quy trình, giấy phép rời ga cũng như để các nhân viên có trách nhiệm đo nồng độ cồn trong hơi thở để xem có đủ sức khỏe, tỉnh táo để làm việc hay không.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, trên hành trình của một lái tàu thì thời điểm đoàn tàu đi qua khu dân cư là lúc lái tàu phải căng mình, luôn luôn phải giữ tinh thần cao độ bởi đây là khu vực dễ xảy ra tai nạn nhất.
Hồi còi tàu rền vang thay tiếng pháo đón Giao thừa
Với nghề lái tàu, đêm Giao thừa cũng như ngày thường, đều không có giờ ăn, nghỉ cố định, họ phải chờ khi tàu về đến ga mới có thể ăn cơm, hoặc tranh thủ ăn luôn trên tàu. Tuy phải trải qua nhiều khó khăn, nhưng ông Khánh và những người đồng nghiệp vẫn bền bỉ bám trụ bởi sự gắn bó và tình yêu nhiệt huyết nhiều năm với nghề.
Tâm sự vào những năm tháng lái tàu dịp Tết Nguyên đán, ông Khánh bảo rằng, ngày lễ Tết khi mọi người được nghỉ phép, sum họp, vui chơi cùng gia đình anh em lái tàu vẫn miệt mài làm việc trong khoang lái. “Nghề của mình mà, mình nghỉ thì ai đưa người dân về quê ăn Tết đây”, ông cười rồi nói.
Lập gia đình năm 28 tuổi, từ khi lấy vợ, từng ấy thời gian, mọi lo toan trong gia đình ông Khánh đều một tay vợ lo hết. Càng vào dịp lễ Tết, người vợ ở hậu phương phải chịu thương, chịu khó chăm lo gia đình, đi chúc tết bà con hai bên nội ngoại, mua sắm tết nhà cửa và cho các con.
“Trước khi đi đến hôn nhân và có 2 cô con gái, tôi đã nói với vợ rằng lấy chồng làm lái tàu là phải chịu vất vả, cam chịu và chấp nhận cảnh chồng thường xuyên không có mặt ở nhà. Gia đình chính là hậu phương vững chắc nhất để anh em lái tàu chúng tôi yên chí thực hiện nhiệm vụ”, ông Khánh chia sẻ.
Clip: Lái tàu Nguyễn Duy Khánh gửi lời chúc Tết và cùng đoàn tàu rời ga.
Tâm sự về thời khắc khi Giao thừa đã điểm nhưng ông cũng đồng nghiệp vẫn ngồi trong khoang lái chật hẹp để hoàn thành sứ mệnh, giọng ông Khánh nghẹn lại, dừng một lúc rồi ông nói: “Giờ phút đêm Giao thừa trên cabin có mỗi lái chính và lái phụ ngồi cạnh nhau, hoàn toàn tách biệt với các toa của khách. Hai người vẫn ở hai ghế, mắt vẫn hướng về phía trước tiếp tục điều khiển đoàn tàu lăn bánh, có chăng chúng tôi chỉ quay sang nói với nhau câu chúc mừng năm mới trong lúc tàu lao vẫn đi giữa màn đêm, có bánh mứt thì cùng ăn, cùng chia sẻ.
Thời khắc thiêng liêng của đất trời, mình nhớ về gia đình, nhớ vợ nhớ con, cảm giác tủi thân, chạnh lòng có nhưng mình luôn tự nhủ phải hoàn thành sứ mệnh là đưa hành khách đoàn tụ cùng gia đình trong dịp Tết. Họ ăn Tết vui vẻ thì mình cũng vui lây”, ông Khánh nghẹn ngào tâm sự.
Cách đón Giao thừa trên cabin của nghề lái tàu ở đâu cũng vậy, khoảnh khắc đồng hồ điểm 0h thì anh em tổ lái tàu sẽ kéo hồi còi tàu dài và nhấp nháy đèn. Những hồi còi tàu rền vang thay cho tiếng pháo chính là thời khắc đánh dấu để chào đón một năm mới bình yên và hạnh phúc…