Kiêng khem quá mức thường dẫn đến những rối loạn ăn uống. Bỏ bữa ăn, không ăn đủ chất, vừa ăn vừa làm việc riêng… là những nguyên nhân khiến chị em khó có thể giảm cân.
Chỉ chọn thực phẩm ăn kiêng, ít béo
Đồ ăn ít béo, dành riêng cho người ăn kiêng là lựa chọn thường xuyên của những người muốn giảm cân nhanh. Tuy nhiên không phải lúc nào lạm dụng thực phẩm này cũng đem lại hiệu quả mong muốn, bởi có thể trong những sản phẩm này sẽ chứa đường nhân tạo, khiến bạn tăng cảm giác thèm ăn và nhanh đói.
Ăn quá thường xuyên, nhiều bữa
Nhiều thông tin cho rằng, nếu bạn chia nhỏ các bữa ăn sẽ giúp tăng hiệu quả đốt mỡ thừa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Maastricht, Hà Lan đã cho biết, việc này không đem lại hiệu quả tích cực vì dù ăn ít hay nhiều, việc thường xuyên ăn uống trong ngày cũng khiến cơ thể dễ tăng cân do hấp thụ calo liên tục.
Nhịn ăn, bỏ bữa
Chế độ ăn quá ít năng lượng có thể khiến cơ thể mất đi khối cơ, mất nước và tăng các rủi ro sức khỏe. Việc kiêng hoàn toàn tinh bột, cũng không phải phương pháp khoa học.
Khi cơ thể ăn ít tinh bột, gan sẽ sử dụng chất dự trữ để chuyển hóa thành đường cung cấp năng lượng cho cơ thể. Quá trình gan lấy glycogen chuyển hóa thành đường sẽ tạo ra chất xeton gây hại cho não. Khi đó, gan sẽ rất mệt mỏi.
Đặc biệt, cơ địa người có gan nhiễm mỡ hoặc có bệnh lý về gan không nên áp dụng chế độ ăn cắt hoàn toàn tinh bột. Việc áp dụng chế độ ăn low-carb vẫn có thể thực hiện nhưng chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn dưới sự theo dõi của chuyên gia.
Vừa ăn vừa làm việc riêng
Đây là thói quen phổ biến của rất nhiều người, đặc biệt là người làm công việc văn phòng. Khi vừa ăn vừa làm việc riêng, hoặc nhâm nhi thức ăn để tán dóc, xem YouTube…, cơ thể sẽ ăn không đúng định lượng. Nó dẫn đến việc cơ thể dư thừa năng lượng không cần thiết nhưng lại không đủ chất cần thiết.
Ngoài ra, nhiều trường hợp vừa ăn vừa xem phim hoặc ngồi ăn quá lâu cũng dễ khiến bụng tích tụ mỡ.
Ăn quá ít
Ăn không đủ năng lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giảm khả năng lao động, mất sức do ăn không đủ nhu cầu. Đặc biệt, nếu bạn ăn quá ít, dưới 800 kcal/ngày khiến cơ thể giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh thời tiết như cảm cúm, nhiễm trùng, tiêu hóa, viêm loét dạ dày.
Nhịn đói trong thời gian dẫn đến rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tăng chất xeton gây bất lợi cho cơ thể.
Tập thể thao quá sức
Tập thể dục, thể thao với cường độ cao, liên tục, cũng không phải giải pháp khoa học cho việc giảm cân.
Thể dục thái quá tạo áp lực lên cơ thể, gây hao mòn quá mức, nguy cơ chấn thương, mất nước, rối loạn điện giải và cuối cùng là phản ứng ăn bù, ăn nhiều hơn.
Nguyên nhân là khi hoạt động với cường độ cao, cơ thể tăng nhu cầu năng lượng dẫn đến việc ăn nhiều hơn để bù đắp cho phần năng lượng hao hụt.
Giải pháp đúng đắn là tập luyện vừa đủ, trung bình 30-45 phút mỗi ngày, tùy theo thể trạng, sức khỏe của từng người.
Trang Dung (t/h)