Thịt gà là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, nhất là dịp Tết đến xuân về. Dù có biết bao món ăn mới lạ, hấp dẫn nhưng các món chế biến từ thịt gà là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống.
Không chỉ ngon miệng thịt gà còn có giá trị dinh dưỡng cao, các bài thuốc từ thịt gà cũng có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, trong Đông y thịt gà có vị ngọt, tính ấm, giúp ôn trung ích khí, bổ tinh tủy. Thịt gà rất bổ dưỡng, thường dùng cho các trường hợp gầy yếu sút cân, suy kiệt, đầy bụng không tiêu, ăn kém, tiêu chảy, lỵ, phù nề, tiểu rắt, bệnh đái tháo đường...
Ngon và bổ như vậy nhưng thực tế không phải bộ phận nào của con gà ăn cũng tốt và khi kết hợp với thực phẩm khác sẽ gây hại đến sức khỏe. Dưới đây là một số lưu ý cần biết trước khi ăn thịt gà:
Ăn da gà, cổ gà
Nhiều người thích ăn da gà vì hương vị thơm ngon, béo ngậy nhưng nó lại không có lợi cho sức khỏe. Da gà chứa nhiều chất béo và cholesterol, đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn. Đặc biệt, một số tuyến bạch huyết giải độc đều tập trung ở lớp mỡ dưới da của cổ gà, trong những tuyến này có các độc tố gây bệnh và chất tăng trọng trong chăn nuôi còn lưu lại. Do đó dù thích đến mấy cũng không nên ăn da và cổ gà. Nhất là khi làm món gà quay, cholesterol trong da gà sẽ bị oxy hóa, tạo thành hợp chất độc hại, nếu nhiệt độ quá cao còn có thể sinh ra chất gây ung thư.
Ăn phao câu gà
Phao câu là vị trí mọc lông đuôi của con gà. Nhiều người thích ăn phần này bởi nó mềm, béo ngậy, thơm mùi mỡ gà đặc trưng. Tuy nhiên bộ phận này là nơi tập trung của tuyến dịch bạch huyết, vì đại thực bào trong tuyến dịch bạch huyết có thể ăn các loại vi khuẩn và độc tố gây bệnh nhưng lại không thể phân giải chúng. Lâu dần, các chất độc tích tụ lại khiến phần phao câu trở thành nơi chứa các loại virus, vi khuẩn là mầm bệnh nguy hiểm.
Ăn nội tạng gà
Nội tạng gà như gan gà, phổi gà, mề gà, … cũng là những phần chúng ta không nên ăn. Gan gà chứa mầm bệnh tật, tích lũy nhiều kim loại nặng. Mề gà là nơi nhiều chất độc hại còn đọng lại của thức ăn nhiễm độc. Phổi gà rất dễ có các ký sinh trùng như giun sán, vi khuẩn kháng nhiệt, ưa nhiệt,... nấu chín chưa chắc đã sạch. Thêm nữa, hàm lượng cholesterol trong nội tạng gà còn rất cao, ăn nhiều không tốt cho sức khỏe.
Ăn thịt gà với cá chép
Thịt gà cam ôn, cá chép cam hàn, kết hợp với nhau dễ sinh chứng mụn nhọt hoặc phát chứng trường ung.
Ăn thịt gà với tôm
Tôm và thịt gà đều cam ôn, cả hai tính dễ động phong. Ăn cùng nhau có thể gây ra tình trạng mẩn ngứa trên da.
Ăn thịt gà cùng thịt chó
Thịt gà tính cam ôn, thịt chó cũng cam ôn đại nhiệt. Ăn cùng lúc hai thứ dễ bị nhiệt sinh ra đi kiết lỵ.
Ăn thịt gà cùng kinh giới
Thịt gà không nên ăn với rau kinh giới vì thịt gà tính cam ôn thuộc phong còn kinh giới tân tán, cay nóng. Ăn phải dễ sinh ra chứng phong ngứa.
Ăn thịt gà với rau răm
Theo Đông y, rau răm vị cay, tính ấm, mùi thơm, đặc trưng dễ chịu và không độc nhưng ăn nhiều sẽ làm giảm ham muốn tình dục. Đặc biệt không nên ăn rau răm với thịt gà vì dễ sinh ra chất có hại cho hệ tiêu hóa.
Ăn thịt gà với tỏi, rau cải và hành sống
Tỏi, rau cải và hành sống không nên ăn với thịt gà vì thịt gà tính cam ôn, còn hành tỏi đại nhiệt, rau cải cam hàn. Các thứ này ăn cùng nhau có thể sinh ra kiết lỵ. Trong trường hợp bị kiết lỵ, nấu nước lá dâu uống sẽ khỏi.
Ăn thịt gà với muối vừng và rau thơm
Thịt gà thuộc về phong (mộc), nếu ăn cùng muối vừng, rau thơm sẽ động đến can phong mà sinh ra chứng chóng mặt, run rẩy cả người. Lúc này nấu nước cam thảo uống sẽ khỏi tình trạng chóng mặt.
Minh Hoa (t/h)