1. Ông Phạm Văn Thụ, chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn
Ngày 8/8/2012, cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã bắt giam ông Phạm Văn Thụ, chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Thái Sơn về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay ngân hàng.
Trước đó, năm 1995, ông Thụ thành lập Công ty Thái Sơn chuyên kinh doanh sắt thép phế liệu, phá dỡ tàu cũ và nhanh chóng phất lên. Năm 2007, ông Thụ mở rộng đầu tư vào đóng tàu, sản xuất phôi thép, bất động sản… Sản lượng bán hàng của công ty khoảng 10.000 – 20.000 tấn/tháng, doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm.
Vào thời điểm này, Công ty Thái Sơn được nhiều ngân hàng “săn đón” cấp lượng vốn lớn. Năm 2008, do kinh tế khủng hoảng, giá sắt thép giảm mạnh tới 50% cùng với việc không bán được hàng, Công ty Thái Sơn lâm vào khó khăn. Lượng hàng tồn kho lớn, luôn tồn khoảng 70.000 – 80.000 tấn, nên năm đó công ty lỗ khoảng 250 tỷ đồng.
Trong thời gian này, Công ty Thái Sơn đã bán vật tư cho công ty công nghiệp tàu thủy Thái Sơn (công ty con) với trị giá hơn 110 tỷ đồng để thực hiện hợp đồng đóng mới 3 con tàu đã ký với công ty cho thuê tài chính II (ALCII). Năm 2009, ALCII mới giải ngân được 60 tỷ đồng thì bị vỡ nợ và ngừng giải ngân. Đến tháng 5/2010, công ty Thái Sơn chỉ thu hồi được 85% tiền gốc và mất lãi.
Đến năm 2011, tín dụng càng bị thắt chặt, lãi vay tới 24% (chưa kể các chi phí), Công ty Thái Sơn bắt đầu mất cân đối tài chính, không thể trả nợ đúng hạn và ngừng trả lãi. Tính đến tháng 2/2012, dư nợ vay của công ty Thái Sơn tại 13 tổ chức tín dụng (12 ngân hàng và 1 công ty tài chính) là hơn 752 tỷ đồng.
2. Ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines
Ngày 18/5/2012, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian ông Dũng làm chủ tịch HĐQT Vinalines.
Ông Dương Chí Dũng (55 tuổi) được bổ nhiệm cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam vào tháng 2 năm nay. Trước đó, ông này nhiều năm là chủ tịch HĐQT, chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines.
3. Nhiều sếp lớn ngành ngân hàng "dính chàm"
Không chỉ sếp lớn của các doanh nhiệp mà hàng loạt các sếp ngân hàng cũng dính vòng lao lý bởi những sai phạm trong kinh doanh.
Ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) từng bị Bộ Công an bắt giữ về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Những lãnh đạo ACB bị "dính chàm"
Theo đó, ông Phạm Thanh Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.
Ngày 20/8/2012, đồng loạt các trang báo đưa tin về việc ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giam về hành vi "kinh doanh trái phép".
Liên quan đến việc bầu Kiên bị bắt, một lãnh đạo Tổng cục cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt để điều tra về hành vi "kinh doanh trái phép" (theo điều 159 - Bộ Luật hình sự) tại phạm pháp luật của 3 công ty do ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch Hội đồng quản trị gồm: Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B, Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội.
Ngoài ông Nguyễn Đức Kiên, hàng loạt các lãnh đạo khác tại ACB như ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc ACB bị bắt tạm giam về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165 - Bộ Luật hình sự, thời hạn tạm giam 4 tháng kể từ ngày 23/8/2012.
Ông Trần Xuân Giá cựu chủ tịch ngân hàng ACB cùng 3 phó cựu chủ tịch ACB bị khởi tố vì tội cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế.
4. Ông Nguyễn Hữu Khai - chủ tịch Tập đoàn Bảo Long
Đây là sếp Việt mới nhất bị bắt vì liên quan đến những mờ ám trong kinh doanh.
Thông tin từ cơ quan công an Hà Nội ngày 15/6 cho biết, cơ quan điều tra đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Hữu Khai (61 tuổi), chủ tịch Tập đoàn Bảo Long, về hành vi “sử dụng trái phép tài sản”.
> Cuộc đời của chủ tịch Bảo Long vừa bị bắt
Theo đó, các quyết định và lệnh trên đều đã được viện KSND TP Hà Nội phê chuẩn. Việc bắt, khám xét đối với ông Nguyễn Hữu Khai được thực hiện tại trụ sở Công ty TNHH Đông Nam Dược Bảo Long tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) chiều 15/6.
Được biết, cơ quan an ninh điều tra tình nghi và điều tra từ năm 2011 đến nay về việc ông Nguyễn Hữu Khai đã có hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản mà Tập đoàn Bảo Long đã bán cho Tập đoàn Bảo Sơn tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Khánh An (tổng hợp)