Hồng Kông
Là “thiên đường thuế” cho các công dân và doanh nghiệp Anh khi đem tới sự bảo mật thông tin và mức thuế suất đáng mơ ước.
Theo các chuyên gia, mức thuế suất cao nhất của Hồng Kông thấp hơn 1 nửa so với của Mỹ, thu nhập từ đầu tư hầu hết không phải chịu thuế. Những người có thời gian cư trú ở Hồng Kông từ 7 năm trở lên có thể xin nhập quốc tịch.
Với hệ thống Clearing House Automated Transfer System (CHATS) - xử lý các giao dịch liên quan đến USD trong thanh toán giữa các ngân hàng, Hồng Kông còn trở thành cửa ngõ cho Triều Tiên, nơi các công ty bình phong Triều Tiên đổi ngoại tệ kiếm được từ bán sản phẩm bị cấm vận (than đá, hàng dệt may), hoặc sản phẩm phi pháp (vũ khí) sang USD.
Singapore
Được mệnh danh “thiên đường thuế” cho giới siêu giàu và triệu phú đến sinh sống. Quốc gia này có luật ngân hàng rất bí mật, đánh thuế thấp và là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.
Mức thuế suất tại đây được cho là thấp hơn so với bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Mức thuế suất tối đa chỉ 20% và các doanh nghiệp chỉ phải trả một tỷ lệ cao nhất 17%. Để nhập quốc tịch Singapore, yêu cầu có ít nhất từ 2 đến 6 năm cư trú tại đây tính đến thời điểm nộp hồ sơ.
Thụy Sỹ
Năm 1934, Quốc hội Thụy Sỹ đã thông qua Bộ luật Ngân hàng quy định: Các ngân hàng Thụy Sỹ đều phải thực hiện chế độ mật mã để bảo đảm giữ bí mật tuyệt đối cho khách hàng. Bất cứ người nước ngoài hoặc chính phủ nước ngoài nào, thậm chí cả Nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng, Chính phủ và Toà án của Thụy Sỹ, đều không có quyền can thiệp, điều tra và xử lý tiền gửi tại ngân hàng Thụy Sỹ của bất cứ người nào, dù họ là người không có quốc tịch Thụy Sỹ, trừ phi có đủ chứng cứ để chứng minh người gửi tiền có hành vi phạm tội.
Đây chính là điều khiến các ngân hàng của Thụy Sỹ trở thành nơi gửi gắm tài sản của nhiều đại gia trên thế giới.
Luxembourg
Luxembourg được coi là một trong những trung tâm tài chính của Châu Âu. Ngành ngân hàng tại đây lớn thứ 2 trong số các nước thành viên khu vực này.
Tại Luxembourg, Chính phủ không đánh thuế khoản lãi suất của các tài khoản tiền gửi ngân hàng. Thêm nữa, tình hình chính trị và kinh tế ổn định đi kèm tính bảo mật cao khiến quốc gia này trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn đa quốc gia. Theo quy định, ngân hàng sẽ không được tiết lộ thông tin tài khoản cho bất kỳ bên nào, kể cả chính phủ nếu không có sự đồng ý của chủ tài khoản.
Mức thuế doanh nghiệp tại Luxembourg cũng khá thấp, chỉ khoảng 21%, thấp hơn mức 35% tại Mỹ. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn để nhiều công ty đa quốc gia chuyển tiền đến nước này.
Hà Lan
Hà Lan là nước thuộc Liên minh thuế quan Benelux với mức thuế hấp dẫn cho giới doanh nghiệp. Hơn một nửa các công ty thuộc nhóm Fortune 500 có ít nhất một chi nhánh tại nước này. Chính phủ Hà Lan đưa ra chính sách thuế ưu đãi cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo Oxfam, chính sách ưu đãi này không hiệu quá mà còn tốn kém. Năm 2016, chi phí cho chính sách ưu đãi thuế của Hà Lan ước tính là 1,2 tỷ euro, tương đương 7,6% tổng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của nước này.
Bermuda
Bermuda, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Bắc Đại Tây Dương, là nơi áp dụng chính sách thuế suất ưu đãi cũng như không đánh thuế thu nhập cá nhân. Bởi vậy, đây là địa chỉ đăng ký kinh doanh được các công ty Mỹ vô cùng ưa thích. Các công ty đa quốc gia của Mỹ hàng năm đều kiếm được bộn tiền ở Bermuda. Hiện, Bermudal được 11/35 công ty tái bảo hiểm hàng đầu thế giới đăng ký trụ sở và có hơn 15.000 công ty quốc tế được miễn thuế.
(Tổng hợp)