Đóng giày theo "toa" của bác sĩ
Làng phong Văn Môn nằm cạnh con đường đê chắn lũ cao chênh vênh tại miền quê lúa Thái Bình. Hôm chúng tôi tới là ngày chủ nhật nên cả bệnh viện yên vắng, chỉ có những bác sĩ, y tá trực ban đang vội vã chuẩn bị bữa cơm trưa ngay tại nơi làm việc. Anh Nguyễn Văn Sáng, một thợ đóng giày có mặt tại làng phong trong ngày nghỉ dẫn chúng tôi ghé thăm xưởng giày. Gọi là xưởng nhưng thực ra đó chỉ là một căn phòng nhỏ trong khuôn viên của bệnh viện, với vài dụng cụ đóng giày thô sơ nằm ngổn ngang.
Anh Nguyễn Văn Sáng đang hoàn thành công đoạn cuối một đôi giày.
Ở đó không có những công nhân tất bật, không có những nhà thiết kế mẫu giày chuyên nghiệp. Nơi đây chỉ có 4 người thợ cặm cụi, cần mẫn đo chân của từng bệnh nhân, cắt từng miếng da cho phù hợp với bản vẽ. Họ làm như vậy để tạo nên những đôi giày phù hợp với các bệnh nhân phong.
Anh Sáng vừa nói, vừa mang ra cho chúng tôi những đôi giày được làm từ trước Tết nhưng chưa kịp giao cho bệnh nhân. Từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên chúng tôi được chiêm ngưỡng những đôi giày đặc biệt như thế này. Đôi nào da cũng to bản, khá dày và chắc chắn. Chúng được đóng với nhiều hình thù khác nhau. Nhiều khi cùng một đôi nhưng hai chiếc khác nhau hoàn toàn.
Chúng tôi ngỡ ngàng khi đôi giày đầu tiên anh Sáng mang ra có chiếc to chiếc nhỏ không đều nhau. Người đàn ông này cười, giải thích, do hai chân của bệnh nhân bị bệnh phong có một chân giả, một chân phải băng bó nên thành ra thợ giày phải thiết kế chiếc to, chiếc bé. Những đôi tiếp theo đều là những sản phẩm "độc" của xưởng, dành cho những bàn chân cực kỳ đặc biệt.
Những người bị bệnh phong, bàn chân của họ thường bị mất ngón, mất gót, có người đã không còn có hình thù của một bàn chân nữa. Chính vì thế, việc làm ra được một đôi giày phù hợp là rất khó khăn. Với những trường hợp này, anh Sáng phải tiến hành bó bột chân của họ rồi dùng thạch cao đổ những chiếc chân giả giống y khuôn chân bệnh nhân. Sau đó mới có thể về xưởng từ chiếc chân giả thiết kế ra những đôi giày phù hợp với đôi chân của họ. Anh Sáng tiết lộ: "Có những đôi chân giả thạch cao rất khó nhận ra hình thù đâu là gót, đâu là bàn chân. Chúng tôi phải cẩn trọng lắm mới không bị nhầm lẫn. Thường thường, một đôi giày chúng tôi phải làm trong 1,5 ngày mới hoàn tất. Nhưng những đôi giày đặc biệt cần đổ chân giả như thế này thì phải mất từ 7 - 10 ngày".
Khi đi tham quan xưởng, chúng tôi phát hiện ra những bản vẽ bàn chân khách hàng vẫn còn treo trước chiếc bàn bày những dụng cụ làm giày. Những bản vẽ đó phần trên ghi rất cẩn thận tên tuổi của bệnh nhân, tình trạng bệnh ra sao, bàn chân còn nguyên vẹn hay dị tật, dị tật ra sao, còn cảm giác hay mất cảm giác,... Đó là những thiết kế được sản xuất theo "toa" của bác sĩ điều trị dành cho những bệnh nhân mà bàn chân vẫn đang tiếp tục còn bị tổn thương và đau đớn do bệnh phong gây ra.
Một số mẫu bàn chân và những đôi giày đặc biệt cho người bị bệnh phong.
Thầy thuốc trở thành thợ đóng giày
Hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Văn Sáng và Cao Văn Quyên là những y tá của bệnh viện phong da liễu Văn Môn. Bệnh viện này nằm trong khu vực của cộng đồng làng phong Văn Môn. Cũng từng ấy năm, những bệnh nhân phong đã thường trú tại bệnh viện và những ngôi làng lân cận. Họ đa số là những người nghèo, bị gia đình bỏ rơi, không nơi nương tựa, sống bằng số tiền trợ cấp ít ỏi của Nhà nước và lòng hảo tâm của người khác. Với những đôi bàn chân, bàn tay bị hoại tử, đau nhức, họ đi lại vô cùng khó khăn. Những con người này không có đủ tiền để mua được những đôi giày tử tế nên chỉ đi chân đất. Người có ít tiền thì mua dép nhựa, dép cao su đi tạm.
Những loại dép này không thể giúp họ đi lại dễ dàng hơn, mà còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây tổn thương đến vết thương ở chân. Bàn chân của bệnh nhân phong thường mất cảm giác, việc đi lại của họ cũng không nhấc chân lên được như người bình thường, mà quét lê gót chân khi bước đi. Chính vì vậy, dù vết thương có đau đớn hơn, lan rộng thêm, hay thậm chí dép có rơi khỏi chân họ cũng không hề cảm nhận được.
Năm 2001, được sự hỗ trợ của Hiệp hội Cứu trợ phong Hà Lan, xưởng đóng giày làng phong Văn Môn được thành lập. Anh Nguyễn Văn Sáng và Cao Văn Quyên được cử vào trại phong Quy Hòa, Bình Định học nghề đóng giày cho bệnh nhân phong. Hơn 10 năm qua, các anh trở thành những người thợ giày "đặc chủng". Hàng ngày, họ cần mẫn đóng giày miễn phí cho cả bệnh nhân thường trú cũng như ngoại trú trên khắp địa bàn tỉnh Thái Bình.
Cùng phụ giúp hai anh còn có xơ Đinh Thị Thoái và Nguyễn Thị Thảo. Hai xơ tình nguyện đến làm tại xưởng giày. Họ là những người trực tiếp đo chân cho bệnh nhân ngoại trú, rồi mang giày dép đã hoàn thành tới tận nhà cho họ. Dù đường xa cách trở, đi lại khó khăn hai xơ vẫn không quản ngại, với ý nghĩ những đôi giày này sẽ giúp những người mắc bạo bệnh có thể đi lại dễ dàng hơn. Để làm được công việc tình nguyện của những người thợ đo giày này, các xơ cũng được học qua một số kiến thức cơ bản về bệnh phong. Họ cũng am hiểu tình trạng bệnh của bệnh nhân, để có thể đo chân một cách khoa học và giúp họ có những đôi giày dép phù hợp, thoải mái.
Nhìn khắp trong căn phòng là xưởng đóng giày này, chúng tôi không hề nhìn thấy một loại máy móc nào hiện đại. Có lẽ đáng giá nhất là hai chiếc máy khâu dùng để may giày dép. Mọi công đoạn trong quy trình đóng giày hoàn toàn được các anh làm thủ công. Ngay cả đến việc cắt gọt những miếng da giày cỡ lớn từ Hà Lan gửi qua thành những chiếc quai giày dép cũng chỉ bằng một con dao dọc giấy nhỏ bé.
Vậy nhưng hơn 10 năm qua, các anh vẫn không một ngày lơ là công việc của mình. Họ không hề nhàm chán những đôi giày dép chẳng giống ai. Bởi các anh tâm niệm rằng: "Mình làm ra những đôi giày dép để bệnh nhân phong được đi lại thuận tiện, không gây nhiễm trùng, không đau đớn cho họ là đã cảm thấy vui lắm rồi".
Đi sâu vào làng phong, chúng tôi bắt gặp một cụ già với đôi chân giả trên chiếc xe lăn đang cố đẩy cánh cổng nhà thờ. Bên cạnh đó là một cụ già với đôi chân dị tật đang ngồi trước hiên nhà thờâ. Dưới chân họ là những đôi giày dép được sản xuất từ xưởng đóng giày của làng phong Văn Môn. Chúng tôi định giơ máy ảnh lên chụp nhưng chợt thấy một cụ rụt chân lại, nên lại thôi. Có lẽ họ vẫn còn nặng lòng với cảm giác bị xã hội xa lánh, kỳ thị trong một thời gian dài trước đây. Nhưng giờ đây, trong mắt họ, chúng tôi đọc được cả sự bình yên, rộn rã trước một mùa xuân mới đang về.
Luôn cần những tấm lòng hảo tâm Theo một số bác sĩ của bệnh viện thì có những bệnh nhân phong đôi chân bị hủy hoại sớm là do họ thường xuyên đi chân đất, dễ bị nhiễm trùng. Việc bệnh nhân đi giày vừa giữ gìn vệ sinh, vừa có thể làm giảm tới 50% khả năng phải cắt bỏ chân của người bị bệnh nặng. Hiện nay, tất cả những nguyên liệu dùng để đóng giày của xưởng đều do Hiệp hội cứu trợ phong Hà Lan tài trợ. Mỗi năm một bệnh nhân phong được thay từ 2 - 3 đôi giày dép và đều được miễn phí hoàn toàn. |
Hương Lam