Theo TS. BS. Nguyễn Trọng Hưng, chia sẻ trên trang Sức khỏe và Đời sống, trung bình, bộ não tiêu tốn 400 kcal/ngày, tiêu hao khoảng 1/5 năng lượng cơ thể. Tuy nhiên, với các sĩ tử mùa thi, do áp lực học tập, lượng dinh dưỡng cần nạp tăng cao hơn bình thường.
Trung bình mỗi ngày, các em học sinh nam cần: 2,300-2,500 Kcal/ngày, nữ cần 2,100-2,300 Kcal/ngày. Đặc biệt, với những em có trọng lượng cơ thể càng nặng thì càng cần nhiều Kcalo hơn.
Vì vậy, việc bổ sung chất dinh dưỡng để có một sức khỏe tốt chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, bên cảnh việc bổ sung các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, các sĩ tử cũng nên tránh một số các loại thực phẩm có hại cho cơ thể cũng như bộ não để đảm bảo sức khỏe.
Dưới đây là một số thực phẩm các sĩ tử nên tránh để có một sức khỏe tốt cho kỳ thi sắp tới:
Các chất kích thích
Cận kề ngày thi, các em học sinh thường dành thời lượng ôn thi nhiều hơn, để giữ tinh thần tỉnh táo nhiều bạn thường uống trà, cà phê, nước tăng lực hoặc nhai kẹo cao su.
Chúng ta thường nghĩ uống trà, cà phê và động tác nhai kẹo cao su giúp tỉnh táo để học tập, nhưng thực tế, chúng chỉ khiến bạn bị phân tán và tạm quên đi cảm giác căng thẳng, mệt mỏi trong chốc lát. Bộ não vốn đã mệt mỏi lại bị bắt hoạt động khiến cơ thể càng mệt mỏi, thiếu minh mẫn, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Chất caffeine có trong các thức uống như cà phê, trà, nước tăng lực…giúp mọi người tỉnh táo bằng cách "chống lại" đòi hỏi khi ngủ của cơ thể. Chất này còn làm tim đập nhanh, đi tiểu nhiều gây mất nước, mất ngủ, nhức đầu gây hại cho não và ngăn cản quá trình hấp thụ can xi vào cơ thể.
Đồ ăn vặt
Các món ăn vặt như, bánh kẹo hoặc các loại bánh tiêu, nem chua rán, đồ ăn nhanh, nước ngọt, bim bim…là những món ăn được ưa thích của nhiều bạn học sinh. Tuy nhiên, nó không mang nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Trong các món ăn vặt không chứa các thành phần chất khoáng, chất xơ, khi ăn vào gây cảm giác no bụng, dẫn đến bữa ăn chính sẽ không còn cảm giác ngon miệng, ăn ít đi. Do vậy, cơ thể luôn bị thiếu chất sau một thời gian dài sẽ gây rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể.
Bên cạnh đó, các thực phẩm này chứa một lượng lớn đường hóa học, chất béo, nhiều thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, có thể dẫn đến ngộ độc không tốt cho cơ thể, nhất là vào những ngày ôn thi mệt mỏi.
Ngoài ra cũng nên tránh những loại thực phẩm chứa nhiều đường như sô cô la, bánh kẹo và các loại đồ ngọt khác bởi chúng sẽ khiến hệ tiêu hóa trở nên khó chịu.
Thực phẩm khó tiêu hóa
Theo lưu ý của các bác sĩ, vào những ngày trước khi thi, hãy hạn chế ăn các loại thức ăn được làm từ bột mì như các loại bánh rán,… chúng chứa quá nhiều dầu mỡ, làm các sĩ tử phải mất nhiều thời gian cho việc tiêu hóa, từ đó khiến khả năng tập trung bị giảm sút.
Không nên ăn những món ăn lạ
Vào những ngày gần thi, sĩ tử tuyệt đối không được thực các món ăn lạ, nhất là những món chưa ăn bao giờ, hạn chế tình trạng đau bụng, khó tiêu, thậm chí là ngộ độc, dị ứng ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
Tuy nhiên, để bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho não bộ và hoạt động của cơ thể, sĩ tử có thể ăn thêm các bữa phụ bằng những món ăn dinh dưỡng dễ tiêu hóa như sữa chua, cháo, trứng vịt lộn. Lưu ý không nên ăn quá nhiều đồ ăn cùng một lúc để tránh tình trạng tiêu hóa kém, có thể bị ngộ độc, đau bụng.
Ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe
Cùng với việc ăn uống vệ sinh, hợp lí, sĩ tử cũng cần có một giấc ngủ ngon để đảm bảo sức khỏe.
Theo ThS.BS.Lê Thị Hải-Viện dinh dưỡng Quốc Gia chia sẻ trên trang Giáo dục sức khỏe Sóc Trăng, áp lực bài vở cộng với tâm lí lo lắng sẽ khiến nhiều em nghĩ rằng càng học nhiều càng tốt. Việc thức đêm triền miên, thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc dẫn đến tình trạng não luôn bị kích thích làm việc liên tục, không hiệu quả.
Nếu thiếu ngủ, cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng, giảm bài tiết hormon tăng trưởng, giảm ăn, ăn mất ngon, chậm tiêu, kéo dài sự kích thích vỏ não dẫn tới suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập.
Do vậy, đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 7h, ngủ trước lúc 23h, sáng dậy sớm lúc 5h học bài. Ngủ trưa từ 30p đến 1 tiếng để giữ tinh thần tỉnh táo, tránh mệt mỏi.
Trang Dung (t/h)