Những việc xấu trên đời đều là 'trường đào tạo'

Những việc xấu trên đời đều là 'trường đào tạo'

Thứ 2, 21/10/2013 08:08

"Cuộc sống thay đổi khi ta thay đổi". Tôi đã học thuộc lòng “định lý” này kể từ khi thực sự bước vào cuộc đời, nhận biết những bão giông và thấy cả những yên bình nơi cuộc sống. Cái nghèo có thể làm cho con người ta khổ, nhưng cái khổ ấy không phải giống nhau với tất cả mọi người, dẫu cái nghèo có thể bằng nhau.

Người nghèo nhất không phải là người khổ nhất nếu lòng họ không cảm thấy đó là bất hạnh hay bất công, hoặc họ không nhìn lên bằng đôi mắt cay cú, khó chịu với những người khá hơn mình, đầy đủ hơn mình.

Có câu nói “nhìn lên mình chẳng bằng ai, ngó xuống… chẳng ai bằng mình”, nên, có thể sẽ có nhiều người khổ hơn mình; vì có thể ta nghèo nhưng ta có hạnh phúc vì ta có sức khỏe, chẳng hạn. Đó là tư duy tích cực trong thực tại của riêng mình để mình thay đổi cuộc sống, có thể nở được nụ cười ngay cả khi điều đó làm cho nhiều người rơi nước mắt. Thay đổi cách nghĩ khi ta chưa thể một sớm một chiều thay đổi hoàn cảnh sống cũng chính là cách ta đổi thay cuộc sống của mình, nhất là trước những u ám xung quanh, trong xã hội mình đang náu nương tạm bợ này.

Thiền++ - Những việc xấu trên đời đều là 'trường đào tạo'

“Tâm bình thế giới bình”, “Tâm an vạn sự an”, đó là triết lý gợi lên suy nghĩ về “hạnh phúc tùy cách nhìn”, do vậy không có một “chuẩn” chung cho khổ đau nên đôi khi ta có thể sai lầm trong việc đánh giá ai đó khổ, vui - nhất là khi đó là lựa chọn sống của họ. Có người sống theo lý lẽ: “khổ đau là chất liệu của hạnh phúc” hay “khó khăn là cơ hội để rèn mình” thì sẽ thấy rằng, những điều không tốt mà mình gặp phải là một “trường đào tạo” giúp mình vững chãi hơn.

Điều đó dễ thấy được từ những tấm gương học tốt, thành đạt được báo đăng hàng ngày, thường là những “ứng viên” có hoàn cảnh khó khăn, sinh ra nơi mảnh đất nghèo xác xơ, quanh năm bị thiên tai, lũ lụt. Chứng kiến cảnh nghèo khó của gia đình cộng với khát vọng giúp đỡ cho gia đình, thay đổi cuộc sống của mình cũng như đóng góp cho xã hội… đã giúp cho những người trẻ ấy đứng dậy từ chính đôi chân lấm lem bùn đất của mình.

Do vậy, có thể thấy rằng, đôi lúc cũng cần để cho người trẻ biết khó khổ một chút, để họ làm những việc tay chân, đổ mồ hôi cho những bữa ăn hàng ngày theo kiểu “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” cũng là một trong những phương pháp giáo dục căn cơ.

Khi xã hội loạn động, khi mà những xấu xí dường như áp đảo những chân giá trị cao thượng thì cái nhìn về sự mất mát đi kèm trong tư duy không lành hình thành nơi số đông kia chính là sự trả giá từ tòa án lương tâm vốn khắc khe, thường trực trong mình. Cũng như, đôi lúc, pháp luật có những kẽ hở nhưng sự phán xét của xã hội lúc nào cũng công bằng theo hướng ủng hộ cái tốt, loại trừ cái xấu từ chính sức mạnh của dư luận. Nghĩ như thế để an lòng, để thay vì đau đáu chuyện bất công trong xã hội, mình sẽ nhẹ lòng trở về chăm sóc tâm hồn mình thêm đẹp đẽ từ những việc hữu ích mà mình có thể làm liền. Ví dụ, sớm mai mình thức dậy, mỉm cười với mình, với người thân-thương của mình vì mình vẫn còn sống đây, họ vẫn còn sống đó, khỏe mạnh, an lành… thay vì cay cú, trách móc xã hội sao nhá nhem, lem lút quá!

Lưu Đình Long

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.