Nông dân Hà Nội biến vườn bưởi thành khoản thu tiền tỷ

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 4, 11/12/2024 15:36

Trong những năm gần đây, những vườn bưởi Diễn ở Hà Nội đã chuyển mình ngoạn mục, từ những nông trang thuần túy trở thành điểm du lịch hút khách, tạo dòng tiền bền vững cho nông dân.

Chi mạnh tay để làm nên khác biệt

Mỗi độ Tết đến, xuân về bưởi Diễn đã trở thành nét văn hóa quen thuộc với người dân Hà Nội. Không chỉ là thức quà biếu quý giá, loại quả đặc sản này còn thu hút du khách đến trải nghiệm và chụp ảnh tại các vườn bưởi vàng rực rỡ, đặc biệt là ở phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm.

Nằm trên đường Văn Tiến Dũng, vườn bưởi Dũng Thu trải rộng trên diện tích 4 ha, với khoảng 2.000 gốc bưởi gần 30 năm tuổi. Vườn mở cửa từ 7h - 18h hàng ngày, trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai muốn hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên xanh mát, yên bình.

Những hàng bưởi được cắt tỉa ngay ngắn, lối đi lát gạch tỉ mỉ, cùng các góc chụp ảnh được đầu tư công phu tạo nên không gian thơ mộng và hấp dẫn. Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Dũng - chủ vườn cho biết, để có được vườn bưởi đẹp như hiện nay, ông đã bỏ ra hàng tỷ đồng cải tạo, học hỏi mô hình từ các vườn cây từ các nước khác.

“Ban đầu, tôi chỉ nghĩ trồng bưởi để bán Tết. Nhưng khi khách hàng trầm trồ trước vườn bưởi vàng óng ánh và gợi ý mở cửa cho khách tham quan, tôi nhận ra tiềm năng phát triển du lịch. Từ đó, tôi quyết định cải tiến toàn bộ để biến nơi đây thành không gian trải nghiệm độc đáo”, ông Dũng chia sẻ.

Nông dân Hà Nội biến vườn bưởi thành khoản thu tiền tỷ- Ảnh 1.

Vườn bưởi Dũng Thu trải rộng trên diện tích 4 ha, với khoảng 2.000 gốc bưởi gần 30 năm tuổi.

Mùa thu hoạch bưởi Diễn thường bắt đầu từ giữa tháng 11 âm lịch, kéo dài đến giữa tháng 12 âm lịch. Năm nay, bưởi chín sớm hơn thường lệ, khiến du khách ùn ùn kéo đến từ cuối tháng 10 âm lịch. Chỉ tính riêng cuối tuần, vườn đón đến hàng nghìn lượt khách. 

Vé vào cửa chỉ 50.000 đồng/người, khách có thể thoải mái chụp ảnh không giới hạn thời gian. Ngoài ra, khách còn được tận tay chọn mua bưởi ngay tại vườn với giá dao động từ 20.000-60.000 đồng/quả tùy loại.

Để mang đến cho du khách những trải nghiệm phong phú, vườn bưởi Dũng Thu không ngừng sáng tạo, bổ sung các bối cảnh đẹp mắt với sắc xuân. Dự kiến đến giữa tháng 1, chủ vườn bắt đầu hái quả để phục vụ dịp Tết Nguyên đán, nên du khách có thể check-in tại điểm đến này đến hết tuần thứ 3 của tháng 1.

Không chỉ người dân Hà Nội, có nhiều khách đi theo đoàn từ Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh,... cũng đến vườn bưởi check-in.

Bà Phạm Ngọc Anh, du khách Đà Nẵng hào hứng chia sẻ: “Tôi đã từng chụp ảnh ở làng hoa cúc họa mi, hồ sen Tây Hồ, nhưng vườn bưởi Diễn có vẻ đẹp rất riêng, khiến tôi thực sự bất ngờ. Tôi cùng bạn thân chuẩn bị cả áo dài và trang phục hiện đại để đến đây chụp ảnh. Không gian ở đây rất tuyệt vời, sạch sẽ”.

Nông dân Hà Nội biến vườn bưởi thành khoản thu tiền tỷ- Ảnh 2.

Nhiều đoàn khách thích thú tham quan, check-in tại vườn bưởi Dũng Thu.

Bà Hồng Duyên, một khách quen của vườn bưởi Dũng Thu chia sẻ: “Năm nào đến mùa bưởi, tôi cũng đến đây. Đây không chỉ là dịp để tôi chụp những bức ảnh đẹp, mà còn là cơ hội để chọn mua những quả bưởi ngon về ăn Tết".

Không chỉ có khách tham quan, các nhiếp ảnh gia cũng coi đây là cơ hội làm việc. Anh Nguyễn Hòa - một thợ chụp ảnh tiết lộ: “Mỗi người đặt chụp trọn gói, từ trang điểm, trang phục đến vé vào vườn, có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Cuối tuần, lịch của tôi gần như kín mít, không chỉ vì cảnh sắc đẹp mà còn vì không gian yên bình, rất phù hợp để tạo ra những bức ảnh đậm chất mùa xuân”.

Thu tiền tỷ mỗi năm

Ngoài việc cho khách tham quan, check-in, vườn bưởi còn đem lại doanh thu ổn định từ việc bán bưởi trực tiếp tại vườn. Mỗi mùa, vườn cung cấp ra thị trường hàng nghìn quả bưởi, với giá dao động từ 20.000 đến 60.000 đồng/quả, tùy theo loại. 

Theo ông Dũng, nếu tính tổng doanh thu từ vé vào cửa và bán bưởi có thể đạt hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ đi chi phí như phân bón, nhân công và đầu tư cải tạo vườn, lợi nhuận thu về vẫn rất khả quan, dao động từ 400-500 triệu đồng mỗi mùa.

Dù đã đạt được nhiều thành công, ông Dũng không phủ nhận những thử thách trong hành trình phát triển mô hình du lịch này. 

“Việc đầu tư ban đầu rất lớn, từ cải tạo đất, xây dựng cơ sở hạ tầng đến việc quảng bá. Đôi khi, thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây trồng và số lượng khách tham quan”, ông chia sẻ. 

Cùng với đó, ông Dũng cũng phải đối mặt với bài toán an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và duy trì cảnh quan trong mùa cao điểm. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và cộng đồng, ông vẫn lạc quan về triển vọng của mô hình này, đồng thời lên kế hoạch mở rộng diện tích vườn và tổ chức thêm nhiều sự kiện hấp dẫn để thu hút du khách.

Nông dân Hà Nội biến vườn bưởi thành khoản thu tiền tỷ- Ảnh 3.

Cây bưởi rất phù hợp để phát triển theo hướng sinh thái du lịch, vừa bảo vệ không gian xanh vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thành phố.

Theo PGS.TS Dương Văn Sáu - Nguyên Trưởng khoa Du lịch Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, phát triển nông sản bưởi Diễn tại Bắc Từ Liêm không chỉ là nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững của khu vực.

Bưởi Diễn, với chất lượng quả cao và hương vị đặc trưng, có tiềm năng lớn để trở thành sản phẩm nông sản đặc sản có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và bảo quản là điều không thể thiếu.

Cùng với đó, việc kết hợp phát triển nông sản với du lịch sinh thái sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc gia tăng giá trị sản phẩm. Khi sản phẩm được quảng bá rộng rãi, người dân có thể tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ và du lịch.

TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia tư vấn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định rằng, Hà Nội có tiềm năng lớn để phát triển các mô hình nông nghiệp đa giá trị như bưởi Diễn. 

Song các vườn bưởi hiện nay chủ yếu được quản lý và vận hành theo mô hình nhỏ, manh mún, khiến việc duy trì chất lượng quả và năng suất trở thành một thách thức lớn. Ngoài ra, việc này cũng làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm, vì chi phí sản xuất tăng cao, chưa thể đáp ứng yêu cầu về số lượng sản phẩm ổn định cho du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, việc liên kết giữa người sản xuất và các doanh nghiệp du lịch vẫn còn yếu, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua các thương lái và chưa có một hệ thống phân phối ổn định. 

Để vượt qua những thách thức này, TS. Oanh khuyến nghị cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới, hoàn thiện quy trình kỹ thuật cho từng giống bưởi. Việc mở rộng diện tích sản xuất theo chuẩn VietGAP và hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Đồng thời, tạo ra một hệ thống liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất bưởi và các doanh nghiệp du lịch, nhà cung cấp dịch vụ. Điều này sẽ giúp duy trì nguồn cung ổn định và tạo ra một chuỗi giá trị bền vững.

Đồng ý với quan điểm trên, PGS. Sáu góp ý thêm, địa phương cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển các kênh phân phối uy tín như siêu thị và cửa hàng chuỗi. Ngoài ra, để phục vụ du khách tốt hơn, nên chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên về kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn viên du lịch và dịch vụ khách hàng, từ đó nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.