Nhiều nông dân đã đầu tư “đạo cụ”, trồng hoa ngay trên mảnh ruộng của nhà mình. Chủ các khu ruộng kiêm “phim trường” này bất ngờ có được thu nhập có khi lên tới vài triệu/ngày, khoản thu mà nếu chỉ trồng lúa khoai thì “nằm mơ cũng không thấy
Các cặp đôi tạo dáng ở vườn nhãn chân cầu Vĩnh Tuy |
Những nông dân “sành điệu”
Theo chân một đoàn chụp ảnh cưới đến khu vực phố Thạch Cầu (phường Thạch Cầu, quận Long Biên), hỏi thăm, ai cũng có thể chỉ đường vào “khu vườn nhãn hay chụp ảnh cô dâu”. Đây là khu đất gần chân cầu Vĩnh Tuy, có những cây nhãn đã gần 20 năm tuổi, bãi cỏ rộng xanh mát mắt, một loạt ruộng hoa đủ màu sắc.
Tuy đường vào khá mấp mô, nhưng một buổi chiều, đã có gần chục đoàn xe taxi chở người đến chụp ảnh cưới.
Một đoàn gồm thợ ảnh, thợ trang điểm, cô dâu – chú rể sẽ phải trả khoản tiền là 100 ngàn đồng cho chủ vườn. Những nhóm bạn trẻ chụp ảnh dã ngoại thì phí sẽ là 20 ngàn đồng/nhóm. Nhẩm tính sơ sơ một ngày, nếu thời tiết đẹp, đông khách, chủ vườn có thể ung dung thu tiền triệu. Đó là chưa kể đến các dịch vụ ăn theo như: Đồ ăn, nước ngọt, trà đá, trông xe… bố trí ngay trong khu đất.
Phương Thanh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết đã nghe bạn bè kháo nhau về khu chụp ảnh ở vườn nhãn này từ mấy tháng trước, nhưng vẫn bị bất ngờ khi tới đây.
“Không khí trong lành, có nhiều góc chụp rất nghệ thuật. Chủ vườn đã bài trí các ghế xích đu, tường rào, xe đạp trông lạ mắt và sinh động. Ở các góc khác còn có đường lầy lội hay nhà mái ngói lụp xụp cũng có cái hay riêng. Chụp ở đây chắc chắn độc và lạ hơn những chỗ quen như Bờ Hồ, hồ Tây, bãi hoa cải…”, Thanh nhận xét.
Chị Hoàng Thị Loan, chủ thầu khu đất này cho biết gia đình mình nhận thầu gần 10ha đất ven sông từ năm 2008, đến tháng 8/2012 bắt đầu trang trí khu đất thành khu chụp ảnh như hiện nay. Chị Loan cho biết, những “đạo cụ” thêm thắt vào khung cảnh đều do chồng và em rể tự làm, sau khi nghe góp ý của khách đến chụp ảnh, đi “học hỏi kinh nghiệm” ở khu vực các vườn hoa cho thuê chụp ảnh ở Nhật Tân.
Một thiếu nữ tạo dáng bên đường vào vườn nhãn |
“Ngày xưa nhà tôi mới trồng khoai đã thấy có nhiều đôi ra đây chụp ảnh. Họ bảo nhà tôi sao không trồng hoa để chụp ảnh thu phí, thế là tôi trồng hoa. Tiếc là trước đó đã phá mất mấy cái lò gạch ven bờ sông, nếu không thì còn độc đáo nữa”, chị nông dân nói mộc mạc.
Không nhờ kiến trúc sư hay một nhà chuyên môn nào tư vấn, những người nông dân “sành điệu” này nắm bắt khá nhanh nhu cầu của giới trẻ. Tại khu vực các vườn hoa ven sông Hồng thuộc phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), một số chủ vườn còn tỏ ra chuyên nghiệp hơn khi kết các cổng chào bằng mây, gắn thêm các loại hoa giả để các bạn trẻ thêm nhiều lựa chọn.
Đặc biệt, khu bãi đá sông Hồng còn có dịch vụ cho thuê xe máy cổ để các đôi uyên ương tạo dáng khi chụp ảnh cưới. Dù các khu vực chụp ảnh không sạch sẽ lắm, nhưng riêng các góc có đạo cụ thì rất sạch, hàng rào, xích đu luôn được lau chùi trắng muốt. Được chăm chút như vậy, người xem ảnh dễ nghĩ rằng khung cảnh được chụp ở… châu Âu, Hàn Quốc chứ không phải “bên bờ ao nhà mình”.
Đắt khách nhờ… facebook
“Thượng đế” là giới trẻ mê trưng hình trên facebook, nên tốc độc truyền tin về các địa điểm này cực nhanh. Nếu một hai năm trước đây, chỉ có bãi đá sông Hồng, hay các vườn hoa ở khu vực phường Nhật Tân, bãi hoa cải quận Hoàng Mai là hút khách, thì hiện nay “gu” của giới trẻ cũng như các studio chụp ảnh cưới lại muốn tìm đến những khung cảnh mới lạ hơn, rộng rãi, thoáng đãng hơn.
Chủ vườn nhãn Vĩnh Tuy đã “ăn may” khi có một vài bạn trẻ phát hiện ra khu vực này còn khá hoang sơ và lạ mắt, một vài bức hình được chụp và tung lên các mạng xã hội, diễn đàn của giới trẻ. Anh Nguyễn Văn Nhã, người thầu vườn nhãn là người mù tịt về công nghệ nhưng cũng lý giải được: “Nhà có quảng cáo gì đâu. Do thanh niên truyền tin, trưng hình trên mạng, nên khách đến ngày càng đông”.
Đạo cụ trong những “phim trường” nông dân |
Một “điểm trừ” của các dịch vụ chụp ảnh “đồng quê” là không có khu vệ sinh, hoặc xập xệ, tạm bợ. Những vị khách “bất đắc dĩ” mới phải vào nhà vệ sinh, còn đa số đều quây áo mưa, hay cả đoàn phải đứng xung quanh che cho cô dâu thay “xiêm y” ngay ngoài trời. Các chủ vườn thì than phiền là khu “phim trường” của họ đều là đất nông nghiệp, thuê có thời hạn ngắn, nên không thể đầu tư xây dựng đường ống dẫn nước, thoát nước làm nhà vệ sinh sạch sẽ. Không hiếm những khách vô ý còn xả rác bừa bãi, nên đằng sau những góc ảnh nghệ thuật lại là bãi cỏ trắng xóa nilon, rác thải.
Điều băn khoăn khác của gia đình chị Loan – anh Nhã chủ vườn nhãn là nếu vài bữa nữa “bọn trẻ” lại chán các bức ảnh chụp vườn nhà mình, liệu công việc kinh doanh hấp dẫn này có duy trì được không.
Các “Hai Lúa” chủ vườn hiện nay đang mày mò đi khắp các địa điểm du lịch mang màu sắc “đồng quê” như Bảo tàng Dân tộc học ở Hà Nội, khuôn viên khu đô thị Ecopark… để “học mót” cách bài trí. “Trên Nhật Tân thì bọn trẻ không phải đi qua cầu, gần phố phường, nên dễ hút khách hơn. Còn nhà tôi bên này thì hơi xa, hôm nào trời không nắng đẹp thì chẳng có khách nào, cả nhà năm sáu người lại ngồi tán dóc với nhau hay đi dọn vườn chuối. Từ khi chuyển sang trồng hoa hoét các loại thế này, thu nhập từ nông nghiệp coi như mất tiệt”, anh Nhã tâm sự.
Tương tự, những người nông dân Nhật Tân trước đây chỉ sống bằng nghề trồng hoa đào, đã có thời gian gặp khó khăn vì đất đai bị thu hồi gần hết, hiện một vài gia đình năng động đã có thể “sống khỏe” khi chuyển sang cho thuê các địa điểm chụp ảnh. Tuy nhiên chủ các vườn hoa Phương Linh, Hiệp Vụ hiện đang thu hút khá đông giới trẻ đến tạo dáng chụp hình cũng có chung lo lắng: Với tốc độ thay đổi các thú chơi đến chóng mặt của giới trẻ Hà Thành, dịch vụ làm “hậu cảnh” của mình bao giờ sẽ bị lỗi mốt?
Theo Xa lộ pháp luật