Theo báo cáo của IQAir vừa công bố, việc nhiều nước đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần hoạt động giao thông vận tải và sản xuất trong nhiều tháng của năm 2020 đã giúp giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trên toàn thế giới, kể cả ở các thành phố lớn.
Cụ thể, nồng độ bụi mịn đã giảm 11% ở Bắc Kinh (Trung Quốc), 13% ở Chicago (Mỹ), 15% ở New Delhi (Ấn Độ), 16% ở London (Anh) và 16% ở Seoul (Hàn Quốc).
Nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và là đồng tác giả của báo cáo, Lauri Myllyvirta, nhận định, trong năm vừa qua, chất lượng không khí ở nhiều nơi trên thế giới đã được cải thiện song chỉ trong thời gian ngắn. Nhờ đó, hàng chục nghìn người đã tránh được nguy cơ tử vong do ô nhiễm không khí.
Trong báo cáo cũng cho biết, chỉ có 24 trong số 106 quốc gia được khảo sát đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của WHO. Trung Quốc và nhiều quốc gia ở Nam Á chứng kiến nồng độ PM2.5 cao gấp vài lần so với mức tiêu chuẩn.
Tuy nhiên ở một số khu vực, nồng độ bụi mịn thậm chí còn cao gấp 6-8 lần. Đáng lưu ý, 22% số thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới nằm ở Ấn Độ. Nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm ở Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Mông Cổ và Afghanistan đạt 47-77mcg/m3. Theo khuyến nghị của Liên hợp quốc, nồng độ PM2.5 không nên vượt quá 25mcg/m3 trong 24 giờ và 10mcg/m³ trong cả năm.
Các thủ đô ô nhiễm nhất trên thế giới trong năm 2020 là New Delhi (Ấn Độ, 84mcg/m³) và Dhaka (Bangladesh, 77mcg/m³), trong đó Jakarta (Indonesia), Kathmandu (Nepal), Islamabad (Pakistan) và Bắc Kinh nằm trong tốp 20. Khoảng 50% số thành phố ở châu Âu vượt mức giới hạn của WHO.
Cũng theo báo cáo trên, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến mức độ ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn trong năm 2020, năm nóng nhất trong lịch sử. Cháy rừng do nắng nóng đã gây ô nhiễm nặng nề ở California (Mỹ), khu vực Nam Mỹ và Australia.
Bụi mịn là gì?
Bụi là một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn bay lơ lửng trong không khí; bao gồm sulfate, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon đen, bụi khoáng và nước.
Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter - ký hiệu PM.
Các hạt bụi mịn có kích thước siêu vi được biết đến nhiều nhất là:
PM10 – Các hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 tới 10 µm (µm là viết tắt của micromet, kích thước bằng một phần triệu mét).
PM2.5 – Các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm.
Thời gian vừa qua, nước ta đã có sự xuất hiện của bụi siêu mịn PM1.0 (dưới 1µm) và bụi nano PM0.1 (dưới 0.1 µm), nhất là vào những ngày nhiệt độ thấp hoặc không khí khô.
Các hạt bụi mịn PM2.5 và PM10 có thể sinh ra từ tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, khói núi lửa, các cơn bão cát, lốc xoáy, hoặc từ chất thải sinh vật như phấn hoa, bào tử nấm, nước thải côn trùng. Nhưng đa phần bụi được tạo ra từ các hoạt động của con người qua việc đốt than củi, đốt nhiên liệu hóa thạch, bụi từ các công trình xây dựng, bụi đường phố, đốt rác thải, khói máy công nghiệp, phá rừng, hút thuốc.
Tác hại của bụi mịn đến sức khỏe
Thông tin trên báo Sức khoẻ & Đời sống, một nghiên cứu của tổ chức Y tế thế giới WHO và cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đã cho thấy mối tương quan tỷ lệ thuận giữa mức độ ô nhiễm bụi không khí với tỷ lệ người mắc ung thư. Cụ thể là mật độ PM10 trong không khí tăng lên 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%, và mật độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng đến 36%.
PM2.5 và PM10 đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, nhưng mức độ xâm nhập khác nhau tùy theo kích thước hạt bụi. Trong khi PM10 đi vào cơ thể qua đường dẫn khí và tích tụ trên phổi, thì PM2.5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu.
Bụi mịn PM2.5 và PM10 tích tụ lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ phát bệnh ở hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ tuần hoàn và cả hệ sinh sản của con người, các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo sau:
PM2.5 là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch.
Bạn có biết rằng những hạt bụi mịn xâm nhập vào cơ thể, làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi. Đồng thời, khiến tình trạng bệnh trở nặng hơn và có thể tử vong.
Chúng là nguyên nhân gây nhiễm độc máu nhau thai, khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.
Ngoài ra, các chuyên gia của cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA và gây đột biến gen.
Được biết, nhóm đối tượng nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và PM10 đó là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, những người có bệnh tim hoặc các vấn đề về hô hấp. Trẻ nhỏ sống ở những nơi ô nhiễm không khí nặng khó phát triển chiều cao toàn diện và có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn từ 19 - 25% so với bình thường.
Để bảo vệ bản thân người lớn cũng như trẻ em trước bụi mịn chúng tra nên đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc...
Hà Lan (tổng hợp)