Cơ hội từ thương mại điện tử
Theo số liệu từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, từ 8 tỷ USD vào năm 2018 lên 20,5 tỷ USD vào năm 2023, và dự báo sẽ đạt 35 tỷ USD vào năm 2025. Con số này thể hiện sự bùng nổ và tiềm năng to lớn của thương mại điện tử trong nhiều ngành, đặc biệt là nông nghiệp.
Ghi nhận một vài trường hợp thực tế tại tỉnh Đắk Lắk, người dân trồng sầu riêng đang từng bước thay đổi cách thức tiêu thụ sản phẩm nhờ vào mạng Internet và các nền tảng số.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, bà Phạm Thị Hà (trú tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Trước đây, vào mùa vụ thu hoạch sầu riêng, chúng tôi chỉ biết gọi thương lái đến cắt tại vườn hoặc mang ra chợ bán những trái chín. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao".
Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi bà Hà quyết định thử nghiệm với mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. "Tôi đã tạo một trang Facebook riêng để quảng bá sản phẩm sầu riêng của gia đình, đặc biệt là sầu riêng chín rụng. Ban đầu, lượng khách hàng hỏi mua không đáng kể. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhiều khách hàng từ Đà Nẵng, Tp.HCM đã biết đến sản phẩm của gia đình tôi", bà Hà cho biết.
Nhờ vào việc gửi hàng qua các nhà xe khách, mọi thứ trở nên thuận lợi và nhanh chóng. "Ngoài việc bán sầu riêng của gia đình, các con tôi cũng thu gom sản phẩm từ người dân địa phương để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Có những ngày, gia đình tôi bán được cả vài tạ sầu riêng chín cây", bà hạnh phúc nói.
Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng mạng xã hội, chị Mai Thị Hằng (trú tại xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar) đã tham gia vào các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop nhằm mở rộng thị trường cho các mặt hàng nông sản của mình.
"Bán hàng qua các sàn thương mại điện tử giúp chúng tôi tiếp cận nhiều khách hàng hơn mà không phải mất công đi lại. Đồng thời, điều này cũng giảm bớt khâu trung gian, giảm chi phí và tăng lợi nhuận", chị Hằng chia sẻ.
Những nút thắt trong quá trình chuyển đổi số
Mặc dù có những kết quả khả quan, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Trao đổi với PV, ông Đặng Duy Hiển, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp cho biết, những "nút thắt" chính bao gồm vấn đề hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) ở khu vực nông thôn.
Mặc dù, tỉ lệ người dùng internet tại Việt Nam đã đạt mức cao với 74% dân số sử dụng internet, nhưng mức độ tiếp cận internet băng thông rộng ở khu vực nông thôn vẫn chưa đạt tiêu chuẩn đồng bộ.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sử dụng các dịch vụ trực tuyến của nông dân, từ đó làm giảm hiệu quả của các nền tảng thương mại điện tử và các ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thiếu hụt kỹ năng số trong lực lượng lao động nông nghiệp cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Phần lớn nông dân hiện nay vẫn chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết để làm quen với các công nghệ mới.
Việc sử dụng các hệ thống giám sát tự động, cảm biến, hay thậm chí là các ứng dụng di động để quản lý quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế. Thiếu kỹ năng và hiểu biết về công nghệ khiến nông dân gặp khó khăn trong việc áp dụng các phương pháp nông nghiệp tiên tiến, dẫn đến việc quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm chạp và thiếu hiệu quả.
Một rào cản lớn khác trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp là chi phí đầu tư cao. Xây dựng hệ thống công nghệ trong nông nghiệp đòi hỏi sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ, và các giải pháp phần mềm.
Tuy nhiên, đối với nhiều nông dân, chi phí này là một gánh nặng lớn và họ khó có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết để triển khai các công nghệ tiên tiến. Điều này dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quá trình ứng dụng công nghệ, khi chỉ số ít nông dân có điều kiện kinh tế mới có thể tiếp cận với các giải pháp số hóa.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ từ chính phủ vẫn chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Dù nhà nước đã có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhưng các cơ chế này còn nhiều bất cập và chưa đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số.
Cuối cùng, yếu tố tâm lý quan trọng cần nhắc đến là sự e ngại thay đổi của một số nông dân. Họ vẫn còn tâm lý lo ngại trước những rủi ro khi áp dụng các công nghệ mới, từ đó khiến quá trình chuyển đổi số bị chậm lại. Để vượt qua rào cản này, cần có sự tuyên truyền, hướng dẫn, và đào tạo một cách liên tục và hiệu quả để nông dân hiểu rõ hơn về lợi ích của việc áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp.
Nông nghiệp Việt Nam ở tương lai sẽ ra sao?
Theo ông Đặng Duy Hiển, dù còn nhiều thách thức, triển vọng của nông nghiệp số Việt Nam vẫn rất lạc quan. Sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT),... mở ra cơ hội cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo sự bền vững trong nông nghiệp.
Sự xuất hiện của các ứng dụng thanh toán điện tử như Momo, ZaloPay, và ViettelPay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong việc thực hiện các giao dịch trực tuyến. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những nông dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà hệ thống ngân hàng truyền thống có thể không dễ dàng tiếp cận.
Nếu Việt Nam có thể giải quyết những vấn đề về hạ tầng, kỹ năng số và chính sách hỗ trợ, nông nghiệp số sẽ không chỉ giúp tăng cường năng suất mà còn đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế quốc gia.
Tại An Giang, các dự án thí điểm ứng dụng máy móc trong canh tác lúa và rau màu đã cho thấy hiệu quả vượt trội. Bằng cách sử dụng hệ thống cảm biến để đo đạc độ ẩm và dinh dưỡng trong đất, nông dân có thể điều chỉnh kịp thời lượng phân bón và nước tưới, tiết kiệm chi phí và gia tăng năng suất.
Trao đổi với PV, ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho hay, năm 2023 tăng trưởng của ngành là 4,43%, đạt mức cao nhất từ đầu nhiệm kỳ, góp phần phát triển kinh tế cả tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn, trong đó chuyển đổi số (CĐS) góp phần rất quan trọng.
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, bước đầu đã đạt được những một số kết quả.
Thời gian qua nhiều cá nhân, hợp tác xã đã sử dụng máy bay không người lái (drone) trong gieo sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón hóa học, giảm công lao động, giúp tiết kiệm chi phí và giảm tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là tăng năng suất, lợi nhuận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện thành công, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ thông tin ở nông thôn, đào tạo kỹ năng số cho nông dân và cải thiện chính sách hỗ trợ. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các giải pháp công nghệ và khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.
Nếu các thách thức về hạ tầng và chính sách được giải quyết, Việt Nam sẽ phát huy tiềm năng lớn từ nông nghiệp số, không chỉ tăng cường năng suất mà còn giúp nông nghiệp phát triển bền vững và đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế số quốc gia.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành công đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp. Trung Quốc là một ví dụ điển hình với hệ thống nông nghiệp số tiên tiến, đặc biệt là trong việc phát triển thương mại điện tử nông thôn và ứng dụng các công nghệ giám sát hiện đại vào quy trình sản xuất.
Ấn Độ và Thái Lan cũng là hai quốc gia châu Á đã có nhiều sáng kiến trong việc chuyển đổi số. Ấn Độ đã triển khai hệ thống trợ cấp nông nghiệp trực tiếp và cổng thông tin thị trường nông nghiệp quốc gia, giúp nông dân dễ dàng tiếp cận thông tin và nâng cao hiệu quả sản xuất. Thái Lan với chương trình "Chính phủ kỹ thuật số" đã xây dựng các hệ thống quản lý nông nghiệp số và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nông dân tiếp cận và sử dụng công nghệ.