Nguyên Bộ trưởng bộ Thương mại đề xuất bỏ lương tối thiểu
Sáng 13/9, viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố nghiên cứu về lương tối thiểu và năng suất lao động ở Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu này, trong 10 năm qua, lương tối thiểu ở Việt Nam có mức tăng trưởng (5,8%), vượt xa tốc độ tăng trưởng của năng suất lao động (4,4%). Điều này dẫn đến tình trạng “ăn mòn tính cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế” – phát biểu của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP tại buổi công bố.
Đáng chú ý, tại hội thảo này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng bộ Thương mại đã nêu ý kiến cho rằng không nên coi lương tối thiểu là chính sách xã hội, bởi vì có tăng lương tối thiểu gấp đôi hiện nay thì người dân vẫn không đủ sống. Đồng thời, ông đề xuất nên nghiên cứu bỏ hình thức tính lương này để xây dựng mức lương thỏa thuận.
Trong khi đó, Thứ trưởng bộ LĐ,TB&XH – ông Doãn Mẫu Diệp cho rằng, đề xuất nói trên là thiếu căn cứ. Theo ông Diệp, lương tối thiểu là tiền lương được thương lượng, thỏa thuận nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho những người lao động hoạt động trong điều kiện bình thường, công việc đơn giản nhất chứ không phải là tiền lương dành cho toàn bộ lực lượng lao động.
Đánh thuế tiền gửi ngân hàng?
Tại hội thảo lấy ý kiến sửa 5 luật Thuế do VCCI tổ chức, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Luật Basico, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đề xuất đánh thuế với tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.
Theo luật sư Đức, ngoài việc bổ sung khoản thuế thu nhập từ tiền lãi cho vay của cá nhân, phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định, chẳng hạn cao hơn 2 lần mức thuế khởi điểm mức thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân.
Đề xuất này hiện đang gây nhiều tranh cãi. Nhiều người lo ngại nếu được chấp thuận sẽ có nguy cơ chồng chéo với thuế thu nhập cá nhân, đồng thời ngân hàng sẽ thất thu vì người dân có xu hướng găm giữ vàng, ngoại tệ đối với khoản tiền nhàn rỗi thay vì đem gửi ngân hàng.
Hàng không tăng giá từ 1/10/2017
Tuần qua, một số hãng hàng không trong nước rục rịch tăng giá vé máy bay. Hãng hàng không Vietjet Air chính thức có thông báo đến các đại lý về việc điều chỉnh phí phục vụ hành khách (phí sân bay) và phí an ninh soi chiếu trong thời gian tới.
Đại diện hãng hàng không Jetstar cho biết, hãng sẽ chính thức điều chỉnh tăng giá vé máy bay vào đầu tháng Mười tới đây sau cái “gật đầu” quyết định của bộ Giao thông Vận tải và việc nâng giá vé trực tiếp "đánh" vào túi tiền hành khách.
Theo tính toán, nếu áp dụng các mức thu mới theo quyết định mới đây của bộ Giao thông Vận tải, chi phí đầu vào của các hãng hàng không tăng thêm (161,53 tỷ đồng) thì chi phí cho một vé bay sẽ tăng 4.531 đồng/hành khách. Trong khi đó, giá phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách quốc nội bình quân tăng 25.854 đồng/khách. Tính chung tổng chi phí hành khách phải trả thêm cho một vé máy bay là 30.385 đồng.
Ngoài ra, từ 1/10/2017, giá dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không sẽ được áp mức 2 USD/khách đối với khách bay quốc tế so với mức 1,5 USD hiện nay.
PVN phủ nhận thông tin "lập quỹ đen"
Liên quan đến việc gần đây có tin và bình luận đặt câu hỏi có hay không “việc lập quỹ đen” ở PVN, tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phát đi thông báo khẳng định không có chủ trương này.
Về việc ngày 13/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, bộ Công an quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại 3 đơn vị và khởi tố bổ sung đối với ông Ninh Văn Quỳnh, thông báo nêu rõ: Tập đoàn đã và đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ việc; đặc biệt chú trọng ổn định tình hình, giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, duy trì bình thường, thực hiện cam kết với đối tác của PVN và các đơn vị.
Thông báo của PVN cũng cho hay, hiện tại, tập đoàn đang chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng xử lý những tồn tại, hạn chế; giảm thiểu tác động tiêu cực đến mọi mặt hoạt động của tập đoàn.