Đảm bảo chất lượng dạy trực tuyến
Để đảm bảo an toàn năm học 2021-2022 học sinh trên địa bàn Tp.Hà Nội bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trực tuyến. Sau một năm triển khai hình thức học tập này, các thầy cô đã không còn gặp nhiều khó khăn thay vào đó là chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Mới đây, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, năm học 2021-2022 cũng là năm học toàn ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Trao đổi với Người Đưa Tin về công tác chuẩn bị năm học mới trên địa bàn, bà Phạm Thị Lê Hằng, Trưởng phòng Giáo dục quận Hà Đông cho biết, toàn bộ giáo viên đã được tập huấn dạy học trực truyến từ tháng 7, chuẩn bị giáo án và các bài tập điện tử.
Tuy vậy, bà Hằng cũng cho biết, việc dạy online cũng gặp không ít khó khăn khi các cô giáo cũng rất vất vả để có thể chuyển chương trình dạy trước kia thành bài giảng trực tuyến. Để hỗ trợ việc này, quận cũng tổ chức tập huấn công nghệ thông tin cho các thầy cô.
Về vấn đề sách giáo khoa cho năm học mới, bà Hằng cũng cho biết thêm, các em học sinh của quận đều đã nhận được đầy đủ, ngoài ra trước khi bắt đầu năm học mới các trường cũng đã tổ chức họp phụ huynh để hướng dẫn học trực tuyến.
"Phòng GDĐT cũng rất chú trọng việc tổ chức lễ Khai giảng trực tuyến để tạo khí thế đón năm học mới cho học sinh. Các trường sẽ tiếp sóng lễ khai giảng của thành phố, hiện nay cũng đã chuẩn bị cho các học sinh đầu cấp có tài khoản để có thể dự lễ. Đặc biệt hơn, mỗi trường sẽ chuẩn bị các clip giới thiệu về nhà trường, lời chúc của thầy cô hiệu trưởng để gửi tới phụ huynh và học sinh. Điều này rất có ý nghĩa với những học sinh đầu cấp để các em có những hình dung về ngôi trường mình sắp theo học", bà Hằng cho hay.
Cô Phạm Thị Phượng giáo viên bộ môn toán trường trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa chia sẻ: “Tôi đang tham gia rất nhiều lớp tập huấn do Sở và Phòng tổ chức với nội dung đào tạo liên quan đến làm sao để dạy học trực tuyến cho hay, thú vị. Ngoài ra vẫn phải học thêm những kiến thức chuyên môn”.
Ngoài ra cô cũng chia sẻ thêm, việc tổ chức dạy trực tuyến năm nay cả cô và trò đã đi vào nề nếp không còn gặp khó khăn về làm quen phần mềm dạy học như trước kia.
Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Dung giáo viên bộ môn văn trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận Đống Đa, đối với học sinh cấp 3 sẽ dễ bắt nhịp với việc học trực tuyến hơn các cấp học khác, nhưng vẫn cần xây dựng giáo án làm hấp dẫn, thiết thực, bám sát thực tế để các bạn vừa học kiến thức của môn học và có thể học thêm cả các kỹ năng mềm như thuyết trình, thiết kế trình chiếu phục vụ cho các cấp học sau này. Các giáo viên trong tổ bộ môn trao đổi chuyên môn với nhau để có bài giảng hiệu quả nhất.
Tư vấn cho học sinh đầu cấp
Chị Đào Trần Linh, Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội mang nhiều băn khoăn khi có con năm nay vào lớp 1: “Gia đình đã chuẩn bị những thiết bị và sách vở cần thiết cho con bước vào năm học mới, tuy nhiên việc học tại nhà khiến mình lo lắng con sẽ không theo kịp các bạn và sự hướng dẫn của thầy cô, việc làm quen bạn bè cô giáo cũng gặp nhiều cản trở”.
Hiểu được tâm lý chung của các bậc phụ huynh có con vào lớp 1, cô Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn (Hà Đông) cũng xây dựng những hướng dẫn đồng hành cùng các bạn học sinh vào lớp 1.
Đối với các bậc phụ huynh, cô có những chia sẻ như nên dành nhiều thời gian cho con, chuẩn bị kỹ tâm lý cho học sinh, động viên khích lệ kịp thời, chuẩn bị tốt phương tiện học tập, trao đổi với giáo viên và thực hiện nghiêm túc thời gian biểu, đặc biệt là chọn đúng phương pháp cho con.
Cha mẹ cũng phải chuẩn bị kỹ các thiết bị học tập cho con, đường truyền mạng phải ổn định. Cô Mai cũng khuyên các phụ huynh nên cho con học bằng máy tính để đảm bảo chất lượng học của các bạn. Đặc biệt, phải nắm rõ thời khóa biểu của con, cùng con học và luyện tập các môn học, thao tác trên máy móc theo hướng dẫn của cô giáo. Trong giờ giảng, bố mẹ hãy lắng nghe sự chia sẻ bài giảng của cô giáo để có thể giải thích cho con hiểu một cách tỉ mỉ. Cần lưu ý nhất là bài tập viết, rất cần có sự đồng hành của phụ huynh hướng dẫn cho con từng nét chữ và sửa lỗi kịp thời.
Về phía các thầy cô giáo giảng dạy học sinh lớp 1, bên cạnh việc tập huấn thì giáo viên cũng cần chuẩn bị tốt phương tiện bài giảng, học liệu để giờ giảng được phong phú hơn. Bài giảng cần ngắn gọn dễ hiểu, tiết học phải tạo không khí vui vẻ không gò bó, đặc biệt thường xuyên nghỉ giải lao và tổ chức các trò chơi để thu hút học sinh. Tăng cường gọi học sinh đọc bài, vận dụng tranh ảnh khi dạy môn toán. Kỹ năng tập viết phải sử dụng phần mềm tập viết hoặc dùng máy soi vật thể để tương tác với học sinh, thầy cô phải tỉ mỉ hướng dẫn từng nét chữ cho học sinh.
Cô cũng chia sẻ thêm ở mầm non trẻ con đang tự do, nhưng sang bậc tiểu học các bạn phải làm quen với nhiều tiết học, thời gian ngồi học thì lâu hơn, phải tuân thủ nhiều quy định trong giờ học. Muốn các bạn học sinh lớp 1 làm tốt, cần có sự phối hợp giữa thầy cô và cha mẹ.
"Cô giáo phải có những tiết học nói chuyện với học sinh. Cho học sinh được giao lưu, học tập trao đổi lẫn nhau. Ở nhà cha mẹ phải cho các con tự làm công việc nhà, đặc biết nếu làm tốt cha mẹ có thể quay clip, chụp ảnh để trao đổi với giáo viên. Từ đây các cô giáo nhận thông tin để ghi nhận các bạn học sinh và cho các bạn trong lớp noi theo. Những tấm gương tích cực của các bạn cùng chăng lứa sẽ tác động rất tốt đến trẻ và giúp trẻ thay đổi, có nề nếp hơn", nữ Hiệu trưởng chia sẻ.
Giáo viên và phụ huynh lưu ý phải quan sát tỉ mỉ trẻ, ghi chép lại những mặt mạnh, điểm yếu của học sinh. Từ đó nhắc nhở khéo léo và không để thói quen xấu kéo dài. Đặc biêt, giáo viên chủ nhiệm phải giao việc cụ thể sau mỗi tiết học, kiểm tra kỹ kết quả vào tiết học sau, tuyên dương những học sinh làm tốt và nhắc nhở kịp thời những bạn chưa tự giác hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Giáo viên chủ nhiệm cũng cần hướng dẫn cha mẹ học sinh việc rèn nề nếp cho trẻ, phải cho trẻ tự làm, có thể lúc đầu còn xấu chưa như ý, nhưng từ đây sẽ tạo thói quen để tiến bộ cho lần sau.
Năm học 2021-2022 là năm lần đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, khi học sinh sẽ học các môn mới ở bậc THCS là môn khoa học tự nhiên (tích hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học), môn địa lý và lịch sử, giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm…
Hiện nay, sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành hướng dẫn chỉ đạo các trường khi xây dựng kế hoạch giảng dạy cần bám sát yêu cầu đạt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến phù hớp với tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương.
Với chương trình này các thầy cô cần phải tìm hiểu thêm kiến thức các môn tích hợp và giáo án giảng dạy vừa phải chia từng mảng cho từng môn vừa phải tích hợp lại kiến thức.
Năm học mới bắt đầu với nhiều khó khăn thách thức cho toàn bộ hệ thống giáo dục, đây là năm bản lề để thực hiện những kế hoạch mới đã đề ra nhưng đồng thời phải đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Điều này cũng tạo điều kiện cho chúng ta hoàn chỉnh lại các chương trình dạy học sao cho phù hợp với thực tiễn, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong giảng dạy. Bên cạnh đó làm sao phải giúp cho học sinh phát triển đủ cả mặt kiến thức lẫn thể chất trước tình hình phải học tại nhà kéo dài.
Hồng Bích