Khu vườn nhỏ của nữ nhà văn
"Khi nào thì cháu được đọc “Dòng xoáy 3?”... Lời hỏi thăm chân tình mang lại cho bà niềm vui, thế nhưng ẩn sau niềm vui ấy là nỗi buồn vì chưa ai chịu "đỡ đẻ" tác phẩm “Dòng xoáy 3” của bà, dù bà "thai nghén" nó đã lâu.
Ba tôi có một thú vui vô cùng tao nhã: Đọc sách. Ông thường bảo với tôi: "Một ngày ba đọc bằng cả tháng các con đọc". Một lần, khi nghe ông nói chuyện, tôi tình cờ biết đến nữ nhà văn nghiệp dư đầy truân chuyên: Trần Thị Nhật Tân, hiện đang sống ở TP.Nam Định. Chưa một lần được đọc tác phẩm của bà, nhưng qua lời kể của ba, tôi thấy bà là một nữ nhà văn vô cùng đặc biệt. Gác công việc lại một bên, hai cha con tôi lên đường tìm đến nhà văn.
Nhà văn Trần Thị Nhật Tân trao tặng thư viện tư nhân của ông Phạm Thế Cường tác phẩm đã xuất bản của mình
Quãng đường đê từ Hà Nam đến TP.Nam Định đúng là cực hình đối với cha con tôi. Con đường đổ bê tông dày vài chục phân nứt nẻ như thửa ruộng mùa khô với những ổ trâu, ổ gà khiến người đi xe máy như cưỡi ngựa, kèm với đó là bụi trắng tóc. Mất gần hai tiếng đồng hồ để vượt qua con đường vài chục cây số ấy, cuối cùng chúng tôi cũng đến được TP.Nam Định. Vòng vèo qua những ngõ nhỏ, chúng tôi hỏi thăm về nhà văn Nhật Tân. Vừa dừng xe, bác bán hàng ngay đầu ngõ liền bảo: "Nhà văn vừa đi ra chợ rồi. Bác cứ vào nhà cô ấy mà chờ, nhà cô ấy ở ngay sau chùa ấy".
Ngôi nhà nhỏ của nhà văn nằm trong một con ngõ nhỏ khá yên tĩnh. Bao quanh ngôi nhà là bức tường gạch phủ rêu cũ kỹ với cánh cổng sắt hoen rỉ, chỉ vừa một người, một xe đi vào. Bước qua cánh cửa ấy, đập vào mắt tôi là một màu xanh mướt của cây cối, rau cỏ. Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi, nhà văn bảo: "Mảnh vườn này chỉ rộng 20m2 nhưng hoa quả bốn mùa đều có, rau sạch ăn cả năm không hết". Rồi vừa đi, bà vừa mắng yêu ba tôi: "Nghe điện thoại của cậu (ba tôi được nhà văn coi như em trai), chị liền về luôn". Nhìn thấy túi mì tôm và túi rau cải cúc trên tay tôi, bà nói tiếp: "Trời! nhà chị lúc nào cũng có mì tôm dự trữ trong nhà để đón khách. Rau sạch thì đầy vườn, cậu mua làm gì chứ?". Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng người ta vẫn nhận thấy sự yêu đời, tươi trẻ ở bà…
Nhà văn Trần Thị Nhật Tân khi còn trẻ
Nhà văn truân chuyên
Người ta gọi bà là nhà văn truân chuyên bởi cuộc đời bà chứa đựng đầy cay đắng. Bà mồ côi mẹ khi mới lên 9 và khi 13 tuổi, bà mồ côi cha. Để tiếp tục sống, bà phải mò cua, bắt ốc đem bán. Những hôm không có gì ăn chắc, bà phải sống trong sự sẻ chia, đùm bọc, cưu mang bữa rau, bữa cháo của những người hàng xóm tốt bụng. Đây cũng chính là nhân tố giúp bà sáng tác những bài thơ thiếu nhi trong trẻo, như lời nhận xét của nhà thơ Phạm Hổ. Chăm chỉ học hành, bà theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy văn đi gieo chữ cho các cháu học sinh. Sau thời gian công tác, bà tiếp tục thi vào trường Viết văn Nguyễn Du. Lần đầu thi đỗ nhưng không được phép đi học, chẳng nản chí, bà tiếp tục thi lần thứ hai và được đi học với điều kiện phải viết giấy cam đoan ra trường tiếp tục về làm giáo viên. Năm 1985, bà tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du, trở về trường thì trường đã thừa giáo viên. Chuyện này được bà nói khá rõ trong "Dòng xoáy".
Từ ngày không được đi dạy học, bà phải đi rửa bát thuê lấy tiền sống qua ngày. Ngày đi làm, tối bà lại ôm giấy ra vườn hoa Vị Xuyên, nơi có tượng đài Tú Xương để viết "Dòng xoáy", tác phẩm được ấp ủ, viết ra từ chính thực tế mà bà từng trải nghiệm. Trong thời gian bà đi rửa bát thuê, bà học được cách làm nước phở thơm ngon, đặc biệt, giúp bà sinh nhai ở Vũng Tàu trong vài năm. Năm 1989, từ Vũng Tàu trở về, bà mang "Dòng xoáy 1" đi in. Khi xuất bản, tác phẩm đã gây tiếng vang lớn trong dư luận bởi nó phản ánh được những vấn nạn tiêu cực trong ngành giáo dục: Bán điểm, bán bằng cho những kẻ ngu dốt. Ngoài việc nhận được sự hưởng ứng từ dư luận, "Dòng xoáy" còn nhận được sự khen ngợi của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong thư gửi trực tiếp cho nhà văn và lời khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến công tác Nam Định. Chính nhờ sự khen ngợi ấy, bà mới có cơ hội quay lại với nghề giáo.
Sau khi tiểu thuyết "Dòng xoáy" ra đời, dù nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của độc giả, bà vẫn bị phê là "chưa đủ, phải viết thêm nữa". Cảm động vì sự yêu mến của độc giả, bà tiếp tục ấp ủ "Dòng xoáy 2". Cũng chính trong thời gian "thai nghén" này, bà nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Huyện ủy Lâm Hà (Lâm Đồng). Ông Phan Hữu Giản, Bí thư Huyện ủy lúc đó đã mời bà vào thực tế ở Lâm Đồng; đồng thời cấp chi phí ăn ở cả tháng. "Tôi cảm động lắm. Vào đó trong khi tôi "thai nghén" tập 2, tôi nhận được sự giúp đỡ của Huyện uỷ cùng các giáo viên và nhân dân ở đấy. Họ mang cho tôi khi thì gạo nếp, đậu xanh, khi thì trứng gà, trái chín cho tôi bồi dưỡng lấy sức viết tiểu thuyết", nhà văn chia sẻ. "Tập 1 đã hay, tập 2 còn hay hơn" là lời nhận xét của hàng triệu độc giả trong cả nước, thế nhưng bà đành phụ độc giả trong thiên hạ bởi tập 3 cho đến giờ vẫn chỉ là bản thảo chưa có ai chịu "đỡ đẻ" để "Dòng xoáy 3" ra đời.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà vẫn một mình lẻ bóng. Thời trẻ, bà vô cùng xinh đẹp nhưng đường tình duyên lại quá lận đận. Hai lần may áo cưới nhưng cả hai lần bà không được mặc nó. Dành phần khổ đau về mình, bà lặng lẽ huỷ hôn ước khi người yêu cũ của chồng tương lai ôm đứa con còn đỏ hỏn đến gặp. Lần thứ hai, thì đúng ngày cưới chỉ có cô dâu, còn chú rể biến mất không một lời từ biệt… Nhắc lại chuyện xưa, đôi mắt bà ánh lên chút buồn, tuy nhiên cái buồn ấy phút chốc bị xoá nhoà bởi hiện tại, dù sống một mình nhưng cuộc sống của bà khá vui vẻ, hạnh phúc trong vòng tay yêu thương của mọi người.
Dù thiếu thốn vật chất nhưng trên mỗi chuyến đi, bà đều cố gắng thắp lên ngọn lửa của sự sẻ chia. Có khi là tấm bánh, có khi là bộ quần áo cũ, hay chiếc áo đang mặc trên người, bà sẵn sàng san sẻ khi thấy người ta cần. Bà tâm sự: "Sức mình có đến đâu thì mình giúp người đến đấy. Tôi được người ta giúp đỡ nhiều thì giờ phải giúp đỡ lại thôi. Đấy là quy luật của cuộc sống mà".
Hồng Mây