Theo Global Times, bi kịch của thiếu nữ tử vong do chứng chán ăn tâm thần xảy ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Câu chuyện của Xiaoling (nhân vật đã đổi tên) được tái hiện trong một bộ phim tài liệu thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng vào cuối tháng 5.
Nhập viện ở Thâm Quyến vào tháng 3, Xiaoling cao 1,65m nhưng chỉ nặng 24,8kg, nhẹ hơn trẻ tiểu học. Cô bị suy dinh dưỡng nặng, suy hô hấp, rối loạn điện giải, teo não và đã bất tỉnh. Bác sĩ đã phải bế cô rất cẩn thận để không làm tổn thương thêm cơ thể gầy yếu. Tuy nhiên, sau hơn 20 ngày nằm tại Khoa Hồi sức tích cực, nữ bệnh nhân đã qua đời.
Theo lời kể của gia đình, nguồn cơn của việc Xiaoling giảm cân bất chấp là vì nam sinh mà cô thích thầm đã yêu một bạn nữ gầy hơn cô.
Gia đình phát hiện Xiaoling, khi đó nặng 47 kg, bắt đầu sụt cân từ tháng 8/2021. Đỉnh điểm, suốt 50 ngày kể từ mùng 3 Tết năm nay, cô đã không ăn mà chỉ uống nước lọc.
Người mẹ kể Xiaoling nặng nhất vào năm lớp 6, khoảng 52 kg. Sau khi lên cấp 2, cô bé bắt đầu yêu cầu gia đình không cho dầu vào đồ ăn của mình.
Cân nặng của cô giảm xuống đột ngột, Xiaoling nói với mẹ: "Con muốn sống, nhưng con không thể ăn nổi". Trong 1 năm rưỡi, cô thường xuyên tuyệt thực, cuối cùng chỉ uống nước mà không ăn gì.
Xiaoling được chẩn đoán mắc chứng chán ăn tâm thần, một chứng rối loạn ăn uống có tỉ lệ tử vong rất cao. Cha mẹ đã nhiều lần đưa Xiaoling đến bệnh viện nhưng cô chống cự quyết liệt.
Chán ăn tâm thần là tình trạng rối loạn ăn uống khi người bệnh hạn chế quá mức thức ăn đi kèm nỗi sợ hãi vô lý về tăng cân. Các triệu chứng của bệnh bao gồm chán ăn, không thèm ăn nhưng cũng có thể cuồng ăn rồi tìm cách đào thải thức ăn ngay (gây nôn), tập thể dục quá mức, đầy bụng, táo bón, suy kiệt, rối loạn kinh nguyệt, không quan tâm đến tình dục, trầm cảm, tụt huyết áp, thân nhiệt, phù nề.
Chứng chán ăn tâm thần ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới, thường bắt đầu trong những năm thiếu niên
Theo Johns Hopkins Medicine, nguyên nhân của chứng chán ăn tâm thần vẫn chưa rõ ràng. Các yếu tố ảnh hưởng bao gồm thái độ xã hội, ảnh hưởng của gia đình, di truyền, mất cân bằng hóa chất trong não và các vấn đề phát triển.
Đáng nói, Xiaoling không phải cô gái trẻ duy nhất bị ám ảnh cân nặng. Theo khảo sát năm 2022 về tình trạng giảm cân của Trung Quốc, 59,3% người giảm béo áp dụng chế độ ăn kiêng để giảm cân, cũng là lựa chọn phổ biến nhất của những người muốn cải thiện cân nặng.
Chen Jue, Giám đốc Khoa Tâm lý Lâm sàng của Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Thượng Hải và Trưởng Trung tâm Chẩn đoán và Điều trị Rối loạn Ăn uống, nói với China News Weekly rằng nhiều bệnh nhân biếng ăn bắt đầu ăn kiêng và giảm cân.
Hơn 90% bệnh nhân chán ăn lâm sàng có liên quan đến ăn kiêng và giảm cân, đặc biệt là các hành vi ăn kiêng quá mức, có thể phát triển thành chứng chán ăn.
Một bệnh nhân nữ từng nói với Chen Jue rằng khi mới bắt đầu ăn kiêng, cô ấy thực sự muốn trông mình đẹp hơn. Khi ăn ít hơn hoặc sau khi tập thể dục, cô sẽ cảm thấy như đạt được thành tựu lúc nhìn thấy cân nặng của mình giảm xuống.
Ban đầu cô gái chỉ muốn giảm từ 50 kg xuống 45 kg, nhưng khi đạt được mục tiêu đó vẫn không muốn dừng lại. Nếu giảm cân tiếp, cô sẽ cảm thấy hạnh phúc, ngược lại, cô sẽ lo lắng.
Chen Jue nói rằng những người mắc chứng biếng ăn cuối cùng chỉ theo đuổi mục tiêu giảm cân, bị thúc đẩy bởi cảm giác thành tựu hoặc giá trị, họ giảm cân cho đến khi quá gầy.
Chen Jue cũng chỉ ra rằng xu hướng thẩm mỹ "gầy là đẹp" đang ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ. Trên mạng xã hội, các chủ đề và thuật ngữ liên quan đến giảm cân như "eo A4", "vai góc vuông", "chân nhỏ" được chia sẻ mạnh khiến giới trẻ cảm thấy ghen tị và háo hức bắt chước.
Đồng thời, dưới ảnh hưởng của quan niệm xuyên tạc “thế giới thân thiện hơn với người gầy” của một số blogger trên mạng xã hội, nhiều học sinh bị phân biệt đối xử và bắt nạt ngay trong môi trường học đường.
Chen nhắc nhở mọi người không nên coi việc nhịn ăn, ăn kiêng là chuyện vặt, bởi nhịn ăn thời gian dài không chỉ dẫn đến chán ăn tâm thần mà còn dẫn đến chứng cuồng ăn vô độ, đều gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Minh Hoa (t/h theo Zing, VietNamNet)