“Hiện nay tâm lý của thanh niên thích chơi trội, từ đó dẫn tới những hành động lệch lạc. Người "câu" like không "câu" những thứ hay ho, mà làm những thứ vô đạo đức, đi ngược lại với xã hội. Suy nghĩ và hành động của không ít thanh niên hiện nay không có định hướng tích cực. Không chỉ hành động của một cá nhân, mà là của cả một số đông”, Tiến sĩ Tùng Lâm cho biết.
Nói về giải pháp trong những sự việc như thế này, vị Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội cho rằng: “Chúng ta phải tăng cường các biện pháp an ninh mạng, kiểm soát vấn đề, phòng những hành động dại dột của các em học sinh một cách kịp thời.
Trước khi có những biện pháp mang tính kỹ thuật ấy, có lẽ cả xã hội chúng ta không thể im lặng, khi phát hiện các em có những biểu hiện như vậy không được cổ súy, mà có những thông báo tới gia đình và nhà trường ngay để có biện pháp phòng tránh”.
“Song song với đó, gia đình và nhà trường cũng cần phải có biện pháp giáo dục, khuyên bảo để các em không có những suy nghĩ và hành động bộc phát, lệch lạc”, Vị Chủ tịch Hội Tâm lýgiáo dục học của TP. Hà Nội cho biết thêm.
Trước đó, sáng 9/10 các thầy cô trường THCS Phạm Ngũ Lão – Khánh Hòa tá hỏa khi thấy phòng Y tế trong khuôn viên trường bùng cháy dữ dội. Trao đổi với báo chí, vị Hiệu trưởng nhà trường cho biết, một em học sinh của trường đã dùng túi ni - lông đựng xăng tưới vào phòng Y tế và đốt. Nguyên nhân của sự việc ban đầu được xác định là do em này đã có lời tuyên bố trên mạng xã hội Facebook rằng: “Nếu được 1000 like” thì sẽ đốt trường.
Khi xem lại clip quay lại sự việc, điều đáng buồn các bạn của em học sinh trên không những không can ngăn mà còn có hành vi thách thức, cổ súy.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội cũng có một nam thanh niên viết rằng: “Sẽ tự thiêu nếu đủ 40.000 like”. Sự việc đã lên đến đỉnh điểm khi “điều kiện cần và đủ” của nam thanh niên ấy thành hiện thực, lực lượng chức năng đã phải vào cuộc để ngăn chặn.
Công Luân