Báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến nửa đầu năm 2024 do Metric công bố cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam đang tiếp tục phát triển ổn định với mức tăng trưởng trên 54% cả về doanh số và sản lượng.
Thông tin trên báo Công Thương, các sàn lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop đều đạt kết quả tích cực, phản ánh tiềm năng trong việc khai thác thị trường này.
Nửa đầu năm, 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop ghi nhận doanh số 143.900 tỷ đồng với 1,533 triệu sản phẩm giao thành công tới tay khách hàng, tăng lần lượt 54,91% và 65,55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng trưởng này phản ánh sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời cho thấy khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp khi sự dịch chuyển mua sắm từ offline sang online đang diễn ra mạnh mẽ.
Theo báo cáo, một xu hướng nổi bật khác là sự gia tăng thị phần của các Shop Mall - gian hàng chính hãng của nhà sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm, số lượng Shop Mall đã tăng 12,29% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm từ thương hiệu chính hãng hoặc nhà bán có uy tín.
Các nhà bán trên Shopee có doanh số cao chủ yếu đều sở hữu các kho hàng đặt tại Hà Nội và Tp.HCM - hai trung tâm kinh tế hàng đầu với hệ thống logistics phát triển. Ngoài ra, khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng được chuyên gia Metric đánh giá là khu vực đầy tiềm năng với nhiều kho hàng có doanh số cao, nhờ vào mật độ dân cư đông đúc và nhu cầu tiêu dùng lớn.
Theo VTV, Metric dự báo trong quý III/2024 thương mại điện tử sẽ tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan khi tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam có thể đạt mức hơn 88.000 tỷ đồng với 944 triệu sản phẩm được bán ra. Tăng lần lượt hơn 23.2% và 23.1% so với quý II/2024.
Trong các ngành hàng, làm đẹp, thời trang nữ và nhà cửa - đời sống tiếp tục dẫn đầu về doanh số và sản lượng trên cả 5 sàn thương mại điện tử. Trong đó, phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn duy trì sức hấp dẫn mạnh mẽ, với thị phần tăng thêm 3% so với cùng kỳ năm trước.
Với nhiều biến động của tình hình kinh tế hiện nay, "thắt chặt chi tiêu" vẫn là tiêu chí được nhiều gia đình áp dụng. Vì vậy, người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có giá cả phải chăng, phù hợp túi tiền.
Nửa đầu năm, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự thống trị của các thương hiệu lớn thuộc ngành hàng điện thoại - máy tính bảng.
Trong top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất, có tới 4 thương hiệu thuộc ngành này, bao gồm những cái tên quen thuộc như Apple, Samsung, Xiaomi. Thêm vào đó, Honda lần đầu xuất hiện trong danh sách, chứng minh rằng người Việt giờ đây đã tin tưởng và sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm có giá trị cao trên nền tảng trực tuyến. Sự phát triển của hạ tầng logistics và các dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy xu hướng mua sắm này.
Đáng chú ý, Top 10 nhà bán trong hai quý đầu năm chứng kiến sự xuất hiện duy nhất của thương hiệu Việt Nam là Vinamilk. Các sản phẩm sữa đã mang về cho thương hiệu này gần 260 tỷ đồng trên các kênh thương mại điện tử để xếp ở vị trí thứ 9.
Cũng theo Metric, cuối tháng 8 và tháng 9 là thời điểm vàng cho ngành hàng văn phòng phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Doanh số ngành này trong hai tháng gần đây đã bắt đầu tăng mạnh. Năm nay, xu hướng này tiếp tục được Metric dự đoán sẽ "bội thu".
"Người mua hàng online hiện nay có xu hướng tích cực mua qua livestream và mua combo để tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp có thể khai thác xu hướng này để có mùa kinh doanh tốt trong tương lai...", Metric lưu ý.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng trung bình tới 30%
Theo báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của tổ chức OpenGov Asia công bố gần đây, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16-30% trong 4 năm qua, cao nhất thế giới.
Mặc dù nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Đông Nam Á vẫn liên tục tăng trưởng qua các năm, trong đó nổi bật là Việt Nam, báo Công Thương đưa tin.
Báo cáo của OpenGov Asia nêu bật, việc Việt Nam vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba trong khu vực.
Năm 2023, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của 8 nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á đạt 114,6 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu quỹ đạo tăng trưởng, với GMV lần lượt tăng 52,9% và 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thị trường ASEAN, Shopee chiếm ưu thế với tổng doanh thu GMV 55,1 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 48% thị phần. TikTok Shop đã vươn lên trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai ở Đông Nam Á sau khi mua lại Tokopedia.
Tại Việt Nam, TikTok Shop nắm giữ 24% thị phần, trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai.
Việt Nam đang tăng cường nỗ lực phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, được hỗ trợ bởi nhiều chính sách, hướng dẫn và giải pháp đổi mới.
Lĩnh vực này đang mở rộng với tốc độ nhanh hơn 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường trong khoảng thời gian từ năm 2022 - 2025, với dự báo mức tăng trưởng hàng năm sẽ vào khoảng 20% cho đến năm 2026.
Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế, với số lượng sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng 300%, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD.
Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững trong thương mại điện tử.
Minh Hoa (t/h)