Cụ thể, công ty vận tải Nishida Shoun có trụ sở tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) đã phát triển một phương pháp "có một không hai", nhằm tạo ra nhiên liệu sinh học từ nước dùng mì ramen, cụ thể là món tonkotsu ramen.
Tonkotsu ramen là món mì có nguồn gốc từ tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu, Nhật Bản. Món ăn có nước dùng màu trắng đục được hầm từ xương heo. Công ty Nishida Shoun đã tách chiết phần mỡ lợn từ nước dùng Tonkotsu ramen còn sót lại sau khi ăn, rồi trộn phần mỡ này với nhiên liệu được làm từ dầu ăn phế thải.
Nhiên liệu diesel sinh học từ nước dùng Ramen đã được sử dụng để vận hành một vài xe trong tổng số 170 xe tải của công ty và Nishida Shoun dự kiến sẽ thay thế toàn bộ nhiên liệu này cho các xe kể từ tháng 9 tới. Nhiên liệu diesel sinh học được coi là giải pháp thay thế hiệu quả cho dầu diesel và khá thân thiện môi trường nhờ làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ông Masumi Nishida, Chủ tịch công ty vận tải Nishida Shoun nghĩ ra ý tưởng này từ năm 2013. Trong thời gian nghiên cứu về nhiên liệu diesel sinh học có nguồn gốc từ dầu thực vật, ông Nishida đã có cuộc trao đổi với một nhà điều hành dây chuyền sản xuất ramen.
Người này cho biết đã phải trả tiền để xử lý nước dùng ramen còn sót lại và hỏi rằng có phương pháp nào xử lý phần nước dùng còn sót lại thành nguồn nguyên liệu có ích hay không.
Đối với ông Nishida câu hỏi ấy như một thách thức mà ông luôn muốn tìm cho ra câu trả lời. Sau đó Nishida đã cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu và phát triển thiết bị để tách mỡ heo ra khỏi nước dùng, có thể đặt trong nhà bếp của các cửa hàng ramen. Vì mỡ heo có xu hướng đông đặc dễ dàng hơn so với dầu thực vật, ông Nishida đã tìm cách loại bỏ một số nguyên tố trong quá trình tinh chế để có thể trộn với nhiên liệu diesel sinh học làm từ dầu ăn phế thải.
Hiện công ty Nishida Shoun thu mua mỡ heo và dầu ăn phế thải từ khoảng 2.000 nhà hàng sau đó sử dụng chúng để sản xuất khoảng 3.000 lít nhiên liệu mỗi ngày.
Minh Hoa (t/h)