Rẽ hướng khởi nghiệp nuôi cá đi đến thành công
Sinh ra và lớn ở vùng quê nghèo nhưng anh Lý Láo Tả quyết tâm làm giàu tại quê hương. Vốn là người dân tộc Dao và bố mẹ anh đều làm nghề nông nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tả quyết định đi học nghề cắt tóc vào năm 2017. Đến năm 2018, anh trở về quê và mở tiệm cắt tóc gần trụ sở UBND xã Dền Sáng. Mặc dù công việc cắt tóc giúp anh Tả có thu nhập ổn định, thậm chí là mơ ước với nhiều bạn trẻ vùng cao cùng trang lứa. Thế nhưng, trong lòng anh Tả muốn có sự thay đổi, muốn trở về nơi mình sinh ra để khởi nghiệp.
Từ một thợ cắt tóc anh Tả mạnh dạn chuyển đổi mô hình làm giàu từ nông nghiệp tại quê nhà. Tiết lộ về bí quyết khởi nghiệp với loài cá quen thuộc với Dân Việt, thanh niên 9X Lý Láo Tả ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết. Năm 2020 anh đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng để đầu từ mô hình nuôi cá nước lạnh. Thời điểm đó anh còn rất trẻ mới bước qua độ tuổi 20. Đây là khoản tiền lớn không chỉ với anh mà cả gia đình anh. Tuy nhiên với ý chí làm giàu đã thôi thúc anh chính là vượt qua "nỗi sợ" để có được thành công như ngày nay.
Với số vốn 200 triệu đồng vay của ngân hàng cùng với 70 triệu đồng bản thân tích góp được để đầu tư, anh Tả làm mô hình nuôi cá nước lạnh. Anh nông dân 9X đến với công việc chăn nuôi cá này không phải tình cờ mà thực ra bố mẹ anh Tả đã nuôi cá nước lạnh từ lâu, là một trong những trang trại đầu tiên ở quê, nhưng ở quy mô nhỏ lẻ với vài bể nuôi.
Có số vốn trong tay, anh Tả trở về và bày tỏ ý định muốn đầu tư mở rộng mô hình lớn hơn. Tuy nhiên trái lại sự ủng hộ, bố mẹ anh lại can ngăn, khuyên anh Tả an phận với nghề cắt tóc, bởi nghề nuôi cá rất nhiều rủi ro, không ít chủ trại cá mất trắng chỉ sau một đêm do mưa lũ, kèm theo khoản nợ vài trăm triệu, nếu không may mất trắng thì khó mà có thể trả nợ được. Tuy nhiên với quyết tâm thoát nghèo và làm bằng được, anh Tả đã thuyết phục bố mẹ.
Thuở ban đầu bắt tay làm trang trại cá, anh Tả chăn chỉ học tập và tiếp thu kiến thức mình đã học được từ những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tầm, cá hồi ở Sa Pa, Bát Xát. Thậm chí, anh đã cất công vào tận Lâm Đồng học kỹ thuật nuôi mới.
Vừa bắt tay vào khởi nghiệp chưa được bao lâu, 4 bể cá đầu tiên được xây dựng trong niềm vui của chàng trai trẻ nhanh chóng "trắng tay". Sau khi đúc kết năm đầu tiên thực hiện mô hình, trang trại nuôi cá, anh Tả không những không có lãi mà còn gánh thêm khoản nợ 70 triệu đồng.
Mặc dù thất bại lại gánh thêm khoản nợ mới, nhưng cũng từ đây bố mẹ giúp anh tìm ra nguyên nhân, vấn đề chính là nguồn nước, khí hậu nắng nóng cực đoan, nhiệt độ không còn trong phạm vi lý tưởng nên cá sinh bệnh.
Vừa tiếc công tiếc của, anh Tả quyết tìm hiểu nguyên nhân thất bại. Ban đầu nghĩ chủ quan, để những con cá bị nhược, yếu chung với đàn cá khỏe mạnh, khiến cá chết hàng loạt. Mặt khác, việc cho cá ăn quá nhiều mà không tính đến thức ăn dư thừa, tan ra trong nước khiến nguồn nước bị ô nhiễm, làm cá chết. Cũng từ đây bức tranh "màu hồng" về viễn cảnh làm giàu nhanh chóng từ cá nước lạnh bỗng chốc tan biến.
"Tiền không cánh mà bay" anh Lý Láo Tả cảm thấy sợ, tuy nhiên cũng không vì thế mà nản chí. Từ thất bại ban đầu anh Tả tự sốc lại tinh thần, suy nghĩ rất nhiều và quyết định tiếp tục gắn bó với cá nước lạnh.
Sau những thất bại đó, năm thứ 2, anh nông dân này chịu khó học hỏi, lắng nghe ý kiến của mọi người. Với quyết tâm làm giàu cho bằng được, anh Tả khăn gói sang tận Trung Quốc, dành cả tháng trời học hỏi kinh nghiệm nuôi, phòng bệnh của những chủ trang trại cá tầm, cá hồi ở tỉnh Vân Nam. Ngày trở về quê hương anh bắt tay vào làm trang trại nuôi cá ngay.
Từ những lần thất bạn ban đầu, anh chú trọng hơn trong việc xử lý đầu vào nguồn nước, luôn theo dõi độ lạnh, độ kiềm và lượng ô xy trong nước.
Bắt tay vào làm lại từ đầu anh Tả không ngừng học hỏi kinh nghiệm. Ban ngày "bầu bạn" với cá, tối đến anh lại lên mạng tìm hiểu thêm thông tin kỹ thuật nuôi cá nước lạnh và tìm đầu ra cho cá. Toàn thời gian nghĩ đến cá dần dần, mô hình đi vào ổn định đến cuối năm thứ 2 anh Tả đã có lãi.
Khi đã có trong tay ít tiền lãi, anh tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình. Rồi may mắn cũng đến với chàng trai trẻ tuổi này năm thứ 3, sản phẩm cá nước lạnh trang trại của anh Tả "tiếng lành đồn xa", nhiều thương lái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đặt mua với số lượng lớn.
Có lượng khách ổn định anh Tả lại tiếp tục dùng số tiền lãi để mở rộng mô hình, lắp đặt thêm hệ thống mái che làm mát cho bể cá...
Giờ đây sau 4 năm gắn bó với mô hình cá nước lạnh, chàng trai trẻ người dân tộc Dao này đã đến ngày hái quả ngọt. Ban đầu từ 4 bể nuôi ban đầu đã mở rộng lên 26 bể. Thời gian gần đây trang trại duy trì từ 30.000 - 40.000 con cá theo hình thức nuôi gối. Đáng chú ý năm vừa qua, anh Tả xuất bán 50 tấn cá nước lạnh, doanh thu hơn 8,5 tỷ đồng.
Với nguồn cung chất lượng nên những bạn hàng của anh ở hầu hết các tỉnh khu vực miền Bắc, đặc biệt đã cung cấp hàng ổn định cho thương lái 2 chợ đầu mối lớn ở Hà Nội.
Nói thêm về bí quyết thành công chỉ nhờ chăn cá, anh Tả khẳng định, nuôi cá nước lạnh như con dao 2 lưỡi, nếu thành công thì mang lại giá trị kinh tế rất cao, nhưng khi thất bại thì cũng phải trả cái giá rất đắt. Anh cũng từng thất bại nặng nề, nhưng điều quan trọng là phải vượt qua nỗi sợ và đặt niềm tin vào chính mình. Giờ đây nhìn những thành quả anh đạt được ai cũng hết lời khen ngợi.
Không chỉ chịu khó làm ăn, anh Tả còn rất năng động trong công tác đoàn thanh niên. Nổi bật năm 2023, anh tham gia Cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức với mô hình nuôi cá nước lạnh của mình và đã xuất sắc đi đến vòng chung kết toàn quốc, giành giải Khuyến khích.
Ngoài làm giàu cho bản thân và gia đình, anh tả cũng rất năng động trong công tác xã hội. Điển hình, đầu năm 2024, anh Tả thành lập tổ hợp tác với 5 chủ mô hình là đoàn viên, thanh niên tham gia nhiều mô hình kinh tế như chủ homestay, nhà hàng, nuôi cá nước lạnh cùng giúp đỡ nhau phát triển sản xuất và kinh doanh.
Nuôi cá nước lạnh mang lại thu nhập tiền tỷ
Những năm gần đây có nhiều thanh niên trẻ thành công với mô hình nuôi cá nước lạnh ở vùng cao mang lại thu nhập tiền tỷ. Tương tự anh Tả, anh Nguyễn Quang Huy triển khai mô hình nuôi cá tầm ở huyện Mù Cang Chải rộng khoảng 2 ha. Hiện nay, mỗi năm cơ sở nuôi cá tầm Khau Phạ thả 50.000 cá giống, thu về khoảng 50 tấn cá thương phẩm. Cá giống lúc thả có trọng lượng từ 100-150gr, nuôi hơn 1 năm có thể đạt từ 2-2,5kg/con. Với giá cá tầm dao động từ 200-250 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm ông Huy lãi khoảng 4-5 tỷ đồng.
Theo số liệu trên báo Nông Nghiệp, địa bàn huyện Mù Cang Chải có 4 trang trại nuôi cá tầm, diện tích nuôi trên 3,6 ha, hằng năm cung cấp ra thị trường gần 90 tấn cá thương phẩm. Theo những người nuôi cá ở đây, điều quan trọng khi nuôi cá tầm là quản lý môi trường nước bao gồm việc kiểm soát lượng oxy, điều chỉnh, duy trì nước chảy liên tục và duy trì nhiệt độ nước ở ngưỡng thích hợp.
Bà con nông dân muốn phát triển mô hình chăn nuôi cá nước lạnh cần chú trọng nhiều yếu tố như thị trường, nguồn nước, môi trường sống. Cần thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững, khắc phục tận gốc tình trạng phát triển "nóng" và giảm thiểu tổn thương của ngành nghề này do các vấn đề về môi trường.
Đặc biệt, trước khi bắt tay làm cần tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng phòng dịch và quản lý chất lượng. Đặc biệt quan tâm bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, xử lý nghiêm các hành vi làm tổn hại môi trường tự nhiên.
Cá tầm thực phẩm giàu dinh dưỡng không phải ai cũng biết
Đây là một loại cá tầm có thịt trắng, dai, có thành phần dinh dưỡng cao, dễ hấp thu và dễ tiêu hóa. Thịt cá tầm chứa nhiều vitamin A, phốt-pho, selen và vitamin B6, B12 đặc biệt là omega 3 và omega 6. Đặc biệt, hàm lượng DHA trong 100gr thịt cá là khoảng 0,54gr, cá tầm là nguồn cung cấp DHA cho bà mẹ mang thai và trẻ em.
Cá tầm còn cung cấp hàm lượng đáng kể Protein, Niacin và Vitamin 12, những dưỡng chất có lợi cho hoạt động của cơ thể và bộ não của con người. Không chỉ vậy cá tầm là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho tất cả mọi lứa tuổi. Hàm lượng Vitamin A, omega 3 và omega 6 trong cá tầm rất tốt cho làn da và mái tóc của chị em phụ nữ, theo VOV.
Ngoài thịt, sụn cá tầm còn được sử dụng để bào chế ra các loại thuốc có lợi cho xương khớp, giúp phát triển chiều cao của trẻ em và phục hồi các khớp xương của người già. Trong khi đó, trứng cá tầm (còn gọi là caviar) là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng với các thành phần như canxi, photpho, protein, selen, sắt, magiê và các loại vitamin B12, B6, B2, B44, C, A, và D.
Trúc Chi (t/h)