Nuôi dế mang lại thu nhập cao hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Những năm trở lại đây mô hình nuôi dế không mới, nhưng nuôi dế để phát triển kinh tế và có thu nhập cao thì vẫn còn ít người làm được. Điển hình, nông dân Trần An Vinh ở huyện Bến Cầu, Tây Ninh thu hút sự chú ý.
Bén duyên với mô hình "Nuôi dế thương phẩm" gần 10 năm, nông dân Vinh ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh có thu nhập đáng ngưỡng mộ. Khi nhắc đến tiền lãi ai cũng trầm trồ bởi tổng doanh thu mỗi lần xuất bán dế thịt; cung cấp trứng dế, thức ăn; thu mua dế thương phẩm...sau khi trừ chi phí, gia đình anh Vinh thu nhập khoảng 70 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ cái duyên đến với nghề nuôi dế với Dân Việt, anh Trần An Vinh cho biết, năm 2013, gia đình anh Trần An Vinh (sinh 1967) là hội viên Nông dân thuộc Chi hội ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) đã mạnh dạn học hỏi nghề nuôi dế và các dịch vụ đi kèm nghề nuôi dế.
Thủa ban đầu khởi nghiệp từ 1 khay trứng dế nuôi thử, sau 10 năm thực hiện mô hình "Nuôi dế thương phẩm", gia đình anh Vinh có nguồn thu nhập ổn định khoảng 70 triệu đồng/tháng. Nếu tính trong 1 năm sẽ thu nhập khoảng 840 triệu đồng.
Vì gia đình anh Vinh rất thích ăn món dế rang nên anh luôn yêu cầu vợ đi chợ sớm để mua dế đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần vợ đi chợ mà không còn dế để mua, nhận thấy nhu cầu thị trường cao đối với dế thương phẩm, từ đó anh đã nghĩ đến việc nuôi dế. Anh tìm đến các trang trại dế ở tỉnh Long An để học tập kỹ thuật và mua 1 khay trứng dế về nuôi thử. Cũng vì thế mà anh bén duyên với nghề nuôi dế lúc nào không hay.
Khởi nghiệp từ một khay trứng dế, sau 35 ngày nuôi dưỡng, anh Vinh đã thu hoạch được 3 kg dế thịt và có thêm 3 khay trứng. Nhận thấy con vật này tiềm năng, anh Vinh quyết tâm làm giàu với nuôi dế.
Sau nhiều năm vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, anh quyết tâm vay ngân hàng số tiền 40 triệu đồng về bắt tay vào làm chuồng trại.
Từ thành công ban đầu, anh đã hướng dẫn các hội viên nông dân kỹ thuật nuôi và thành lập Tổ hợp tác nuôi dế do anh Vinh làm Tổ trưởng (với 13 thành viên) và hoạt động có hiệu quả cho đến nay. Hiện anh đã phát triển được 30 lồng nuôi, mỗi lồng có chiều rộng 2 mét dài 3 mét chuồng, cao 0,5 mét; bình quân 1 tháng anh xuất khoảng 1,5 tấn dế thương phẩm.
Chia sẻ bí quyết nuôi dế thành công anh Trần An Vinh cho biết: "Khi mới nuôi tôi cũng rất lo lắng nhưng làm rồi mới thấy kỹ thuật nuôi dế rất đơn giản, ít vốn đầu tư, ít dịch bệnh, không cần diện tích rộng, thời gian thu hoạch nhanh. Khi mua trứng về, khoảng 7-8 ngày là trứng nở, khi nở thì mình chăm sóc.
Đây là một con vật dễ nuôi, chỉ cần nơi thoáng mát là dế có thể sinh sống được; thức ăn chủ yếu của dế là cám gà con và tất cả các loại lá cây, rau, cỏ có thể làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, như: cỏ voi, bẹ chuối, lá mì..., dùng bình xịt tưới lan để phun sương cho dế uống nước.
Người nuôi chỉ cần nuôi dế khoảng 30-35 ngày là có dế thịt bán, nuôi từ 40–45 ngày là có thể khai thác trứng.
Điều đáng nói, khi nghe tiếng dế gáy râm ran là bước vào giai đoạn dế đẻ trứng, các khay đất cát được tưới phun sương tạo ẩm, là tổ để dế vào đẻ trứng. Khi ta thu hoạch dế, đồng thời vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ và gom phân dế để dùng làm phân bón cho cây trồng, góp phần cải tạo đất."
Hiện mô hình nuôi dế của anh Vinh có đầu ra ổn định, phù hợp với các nông hộ có diện tích đất ít, không yêu cầu sức lao động lớn, có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi tăng thu nhập. Đây là mô hình chăn nuôi tạo được nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, thân thiện môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nên cần được áp dụng học tập và nhân rộng.
Nhằm phát triển kinh tế gia đình hơn nữa, anh Vinh còn trang bị thêm 2 xe tải nhẹ để thu mua dế thương phẩm của các hội viên nông dân các địa bàn huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng với số lượng 15 tấn dế thịt/tháng để cung cấp ra thị trường tại Tp.HCM, Long An, Đồng Nai,…
Nói về trường hợp chăn nuôi dế có thu nhập ổn định ở địa phương, ông Lê Văn Trọng-Chủ tịch Hội nông dân xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) cho biết: "Anh Vinh là một hội viên gương mẫu, đi đầu trong việc phát triển kinh tế-xã hội ở xã, nhất là trong chăn nuôi dế; ngoài việc phát triển kinh tế gia đình. Anh Vinh cũng rất nhiệt tình tham gia công tác Hội và các phong trào thi đua của địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong nhiều năm qua, anh vinh dự được các cấp, các ngành tuyên dương khen thưởng trên nhiều lĩnh vực và gia đình anh là hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi cấp huyện và là hội nông dân tiêu biểu của xã".
Kinh nghiệm của những người nuôi dế
Dế là loài côn trùng sống trong môi trường tự nhiên, có tuổi thọ không quá 2 tháng, rất phổ biến ở các vùng nông thôn. Nuôi dế vốn đầu tư thấp, dễ chăm sóc, thu hoạch ngắn, lợi nhuận khá, giúp các hộ nuôi dế có thu nhập ổn định.
Tương tự anh Vinh chị Phạm Thị Bích Hằng ở huyện Bến Cầu có 0,4ha đất vườn, vất vả gieo trồng quanh năm cũng không đủ chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Hơn 3 năm trước, thấy phong trào nuôi dế ở địa phương phát triển, chị Hằng mua dế non về nuôi thử một chuồng rộng khoảng 4,5m², kết quả thu lãi chỉ sau 30 ngày thả giống. Thấy nuôi dế có triển vọng cao, chị mở rộng diện tích nuôi dế lên 20 chuồng, và chị có dự định tăng thêm 10 chuồng nữa trong thời gian tới. Chị Hằng chia sẻ với Công Lý: "Tôi nuôi một chuồng mà đã thu được 60 đến 70kg dế thương phẩm, với 20 chuồng dế, trừ tiền cám và các chi phí khác thì mỗi tháng lãi khoảng 12 triệu. Hiện nay, tôi muốn mở rộng diện tích nhưng chưa có vốn".
Theo kinh nghiệm của những người nuôi dế có thu nhập cao, chuẩn bị chuồng nuôi dế không quá khó khăn, chỉ cần lấy thân cây mì (cây sắn non) làm chuồng là chủ yếu, bổ sung thức ăn tự nhiên cho dế, tạo môi trường ẩm ướt vừa phải giống ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, số lượng thân cây mì cần khá lớn, nên người nuôi dế chủ động tự trồng thêm cây mì phòng khi thiếu. Khi chăm sóc và cho dế ăn cần chú ý không cho thân mì làm cản trở đường dế lên xuống, đi lại, thường xuyên thay thân cây mì mới để tránh gây nấm bệnh ở dế.
Thời gian gần đây mô hình nuôi dế mang lại thu nhập cho nông dân ở Tây Ninh. Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu, nhận định: "Mô hình nuôi dế ở Tiên Thuận là tự phát nhưng mang lại hiệu quả tích cực. Có những giai đoạn khó khăn cực đỉnh nhưng các hộ nuôi vẫn kiên trì bám nghề cho đến ngày nay. Từ việc nuôi dế tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Tới đây, Hội Nông dân huyện sẽ tham mưu cấp ủy phối hợp các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn dế, tạo thương hiệu cho dế Tiên Thuận đạt chuẩn OCOP."
Một số bài thuốc dân gian chế từ con dế
Ở nước ta, con dế rất quen thuộc với nhiều người. Theo Đông y, con dế có vị mặn tính hàn, không độc, dùng chữa táo bón, tiểu tiện bí dắt, sỏi đường niệu...
- Tiểu tiện bí, nước tiểu ít: Đầu tiên để làm bài thuốc này bạn dùng dế và bột cam thảo, đồng lượng, mỗi lần uống 2 - 6g, ngày 2 - 3 lần, trước khi ăn. Nếu không có bột dế chế sẵn, có thể lấy khoảng 20 - 30 con dế, rửa sạch, bỏ chân, cánh, ngắt đầu, rút ruột, sao nhỏ lửa tới khi khô giòn, vàng đều, nghiền mịn. Mặt khác dùng bột cam thảo, đồng lượng, trộn đều uống với nước ấm. Ngày 2 lần.
- Tiểu tiện khó khăn: GS.TS. Phạm Xuân Sinh chia sẻ với báo Sức khỏe & Đời sống về bài thuốc dân gian này. Nguyên liệu là mèn 4 con, dế dũi 4 con. Nếu không có đủ hai loại dế thì dùng 8 con, một loại cũng được. Đem ngắt bỏ chân cánh, bỏ đầu, rút ruột, cùng với 3g cam thảo, sắc với 300ml nước, còn khoảng 150 ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Trúc Chi (t/h)