Nuôi "thủy quái" trên đỉnh núi, người đàn ông thu hàng chục tỷ mỗi năm

Nuôi "thủy quái" trên đỉnh núi, người đàn ông thu hàng chục tỷ mỗi năm

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Chủ nhật, 30/03/2025 20:54

Từng rong ruổi khắp các tỉnh thành để tìm kiếm cơ hội, anh Tấn dừng chân tại vùng núi Kon Tum, nơi có nguồn nước mát lành và khí hậu lý tưởng. Anh Tấn từng bước xây dựng trang trại cá tầm quy mô lớn, mang về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Vượt ngàn cây số tìm cơ hội khởi nghiệp

Giữa nhịp sống hối hả của Tp.HCM, anh Nguyễn Bá Tấn (39 tuổi) lặng lẽ theo đuổi đam mê với tầm nhìn xa và sự kiên trì bền bỉ. Anh đã rong ruổi khắp các tỉnh, vượt rừng, băng suối, khảo sát từng vùng đất để tìm kiếm cơ hội mới.

Tình cờ đặt chân đến xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) – vùng núi hẻo lánh với độ cao 1.000-2.300m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình khoảng 20°C – anh phát hiện một nguồn nước trong lành chảy từ lòng núi.

Nhận thấy đây là môi trường lý tưởng để nuôi cá tầm, loài cá có giá trị kinh tế cao nhưng yêu cầu điều kiện sống khắt khe, anh quyết định bắt tay vào hành trình mới.

Nuôi

Trang trại nuôi cá tầm quy mô lớn của anh Tấn tại xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Năm 2023, anh Tấn quyết định đầu tư hơn 40 tỷ đồng để biến vùng đất hoang sơ thành một trang trại cá tầm quy mô lớn. Trang trại có diện tích mặt nước khoảng 1,5ha, với hệ thống nuôi đảm bảo nước chảy liên tục và duy trì nhiệt độ từ 21-23°C để hạn chế bệnh tật. Khi mọi điều kiện được đảm bảo, anh nhập giống cá tầm từ tỉnh Lâm Đồng với giá 5.000 đồng/con, chính thức khởi nghiệp.

Theo anh Tấn, xã Đăk Na có khí hậu thuận lợi, dòng suối Siu Puông tinh khiết, phù hợp cho cá tầm sinh trưởng. Tuy nhiên, loài cá này dễ mắc bệnh ghẻ do nấm hoặc bệnh đường ruột do nhiễm khuẩn, khiến cá bơi chậm, kém ăn và xuất hiện lở loét. Để phòng bệnh, cần nuôi mật độ hợp lý, kích thước đồng đều và sử dụng thuốc phù hợp khi điều trị.

Mỗi ao nuôi được thiết kế hệ thống nước vào – ra riêng biệt để đảm bảo nguồn nước sạch và hạn chế lây lan dịch bệnh. Trung bình, mỗi ao nuôi từ 2.000 - 2.500 con cá tầm.

Nuôi

Theo anh Tấn, tại xã Đăk Na có khí hậu thuận lợi, dòng suối Siu Puông rất tinh khiết, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá tầm.

Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá tầm ở nhiều nơi, anh Tấn không gặp quá nhiều khó khăn trong khâu kỹ thuật. Do nắm chắc kỹ thuật, cá tầm phát triển khỏe mạnh, đạt chất lượng cao, sau thời gian chăm sóc khoảng 15 tháng, cá đạt trọng lượng 2kg/con với giá bán 170 nghìn đồng/kg, anh xuất bán lứa đầu tiên khoảng 119 tấn thu về hơn 17 tỷ đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình của anh còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần thay đổi diện mạo vùng quê nghèo nơi đại ngàn Kon Tum.

Trang trại cá tầm quy mô lớn của anh Tấn tại xã Đăk Na.

Anh Tấn chia sẻ: "Tôi có kinh nghiệm nuôi cá tầm ở nhiều nơi nên kỹ thuật không phải vấn đề lớn. Khó khăn nhất là địa hình đồi núi hiểm trở, khiến việc vận chuyển con giống và thức ăn gặp trở ngại, ảnh hưởng đến chất lượng cá.

Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, tôi đã dần khắc phục khó khăn và đưa hoạt động sản xuất vào ổn định. Trong tuần tới, tôi dự kiến xuất bán lứa cá thứ hai, khoảng gần 200 tấn. Sau khi trừ chi phí, phần lãi dôi dư sẽ được dùng để mở rộng diện tích mặt nước và nâng cấp hệ thống chuồng trại".

Nuôi

Sau thời gian chăm nuôi cá tầm đạt trọng lượng 2kg/con, anh Tấn dự kiến chuẩn bị xuất bán khoảng 200 tấn.

Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi cá tầm, anh Tấn đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu.

Anh chia sẻ: "Để nuôi cá tầm thành công, ngoài vốn đầu tư, quan trọng nhất là hiểu rõ tập tính loài cá này và kiểm soát tốt môi trường sống. Cá tầm cần nguồn nước sạch, mát, giàu oxy và ổn định quanh năm, nên việc chọn vị trí nuôi rất quan trọng. Những vùng có khí hậu ôn hòa, nước chảy tự nhiên sẽ giúp đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Cá tầm cũng đòi hỏi chế độ dinh dưỡng hợp lý để phát triển nhanh và có chất lượng thịt tốt. Thức ăn cần đủ protein, bổ sung khoáng chất cần thiết và hạn chế dư thừa để tránh ô nhiễm nguồn nước.

Tôi luôn ưu tiên phòng bệnh hơn là chữa bệnh bằng cách duy trì môi trường sống sạch sẽ, tiêm phòng định kỳ và sử dụng chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho cá. Bên cạnh đó, tôi cũng theo dõi sát sao nhu cầu thị trường để điều chỉnh quy mô sản xuất và chọn thời điểm xuất bán hợp lý. Nhờ vậy, cá tầm của tôi luôn được tiêu thụ ổn định với giá cao".

Nuôi

Trang trại nuôi cá tầm của anh Tấn tạo điều kiện việc làm cho khoảng 15 người dân địa phương.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, cho biết: "Mô hình nuôi cá tầm của anh Tấn bước đầu mang lại hiệu quả cao, tạo thu nhập ổn định và giải quyết việc làm cho người dân.

Hiện, trang trại của anh đã tạo điều kiện việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương với thu nhập ổn định hàng tháng.

Huyện mong muốn tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để mở rộng mô hình này, không chỉ trong doanh nghiệp mà còn đến các hộ dân.

Doanh nghiệp sẽ tiên phong triển khai, sau đó hướng dẫn kỹ thuật để người dân làm theo. Từ đó, có thể thành lập hợp tác xã nuôi cá tầm, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển".

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.