Sách để đưa giáo viên tham khảo, giới thiệu đã in sẵn giá cụ thể - dù chỉ là “dự kiến”. Điều bất ngờ là giá “dự kiến” này rẻ hơn đáng kể so với giá thực mà nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đề xuất xin bộ Tài chính thực hiện. Như vậy, sách giáo khoa (SGK) để “chào hàng” của NXBGDVN là giá ảo, còn giá thực để các cơ sở giáo dục mua lại... không phải như vậy.
Giáo viên cảm thấy bị lừa dối?
Theo nguyên tắc, khi SGK đã được bộ GD&ĐT công nhận, cho phép sử dụng trong năm học mới, các công ty, NXB phải cung ứng sách mẫu về các địa phương để địa phương lựa chọn sách. Cũng vào thời điểm này, các NXB làm văn bản kê giá gửi lên bộ GD&ĐT và bộ Tài chính phê duyệt.
Trước khi được bộ Tài chính chuẩn y về giá, SGK chưa thể có giá và NXB cũng chưa thể công bố giá đó - bất kể dưới hình thức nào. In giá lên bìa sách lại càng sai. Nhưng vì sao NXBGDVN cố tình làm sai như vậy?
Vừa qua, PV nhận được phản hồi từ nhiều cơ sở giáo dục về việc giá “dự kiến” của NXBGDVN đối với 2 bộ sách của NXB này rẻ “bất thường”. Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cho biết, SGK lớp 6 của NXBGDVN in giá dự kiến rất cụ thể ở bìa 4 trong khi trường này và các trường trên địa bàn đang trong giai đoạn lựa chọn SGK. Khi tìm hiểu, vị Hiệu trưởng được biết, SGK trong đợt giới thiệu xuống các trường để hội thảo lựa chọn, lẽ ra không được in giá, vì chưa được bộ Tài chính phê duyệt.
Nhưng có lẽ do “sốt ruột” và tính “một công đôi việc”, NXB đã vẽ giá theo cách của mình, để khách hàng tưởng nhầm giá sách của NXB này “hời” như vậy. Điều đáng nói, trong lúc “chào hàng” bằng giá thấp thì NXBGDVN lại lẳng lặng xin bộ Tài chính duyệt giá cao hơn. Đơn cử, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống - lớp 6 giá dự kiến giới thiệu xuống các cơ sở giáo dục, in sẵn trang bìa 4 là 238.000 đồng/bộ, nhưng giá NXBGDVN xin bộ Tài chính phê duyệt lại là 245.000 đồng/ bộ. SGK lớp 2 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có giá “chào hàng” là 177.000 đồng/bộ. Giá NXBGDVN xin bộ Tài chính phê duyệt là 186.000 đồng/bộ.
Khi khách hàng phát hiện giá thực không phải là giá dự kiến, thì đã “trót” đăng ký chọn mua rồi. Các văn bản, hợp đồng đã được ký xong xuôi, “ván đã đóng thuyền”, vì họ không thể hình dung, giá của bộ Tài chính cho phép NXBGDVN lại là giá cao hơn đáng kể.
Phải chăng đây là “chiêu” bán hàng của NXB này?
Cạnh tranh không lành mạnh?
Trong các tiêu chí chọn SGK, ngoài các tiêu chí về nội dung, hình thức, còn có tiêu chí về giá. Sự cạnh tranh về giá là phép thử đối với các doanh nghiệp.
Với giá chào hàng cụ thể nhưng lại mang cái tên tù mù “dự kiến”, không ít khách hàng, nhất là các nhà quản lý - những người phải cân nhắc từng đồng bạc trong chi tiêu - sẽ cho bộ SGK giá rẻ là một sự lựa chọn tốt cho địa phương mình.
Theo thông tư số: 233/2016/TT-BTC (ngày 11/11/2016) về việc sửa đổi bổ sung một số điều của thông tư số 56/2014/TT BTC ngày 28/04/2014 của bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 17. Quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện kê khai giá
2. Đối với tổ chức, cá nhân thực hiện kê khai giá:
d) Không được áp dụng mức giá kê khai trong mua, bán hàng hóa, dịch vụ trước ngày thực hiện kê khai giá theo quy định. Trường hợp kê khai giảm giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm giá ngay phù hợp với biến động giảm của yếu tố hình thành giá; đồng thời, gửi Văn bản kê khai giá,thông báo mức giảm giá đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Tuy nhiên, NXBGDVN đã ấn định giá cụ thể trong thời gian bắt đầu triển khai giới thiệu sách. Với giá ghi rõ sau bìa 4 của từng tập sách, bộ sách. Trang xi nhê của mỗi tập sách đều ghi cụ thể ngày tháng QĐXB:05/02/2021(VD: Sách giáo khoa Giáo dục Thể chất 6, ghi rõ ở trang 112 thời gian xuất bản: ngày 05/02/2021). Tại sao chỉ là in thử lại ấn định giá cụ thể ở bìa 4?. Theo Thông báo mới nhất gửi các NXB trực thuộc, các công ty phát hành sách, các công ty Sách - Thiết bị trường học, công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục...trên toàn quốc của NXBGDVN do Giám đốc Hoàng Lê Bách ký, tới ngày 19/03/2021, cái gọi là giá “dự kiến” ban đầu của NXB được thay thế bằng biểu giá mới cao hơn mà NXB đã đề nghị lên bộ Tài chính trước đó (như trên đã phân tích).
Theo Luật Giá, không được phép ghi giá khi chưa được bộ Tài chính định giá. Điều đáng nói, tới ngày 18/03/2021, bộ Tài chính mới có công văn phúc đáp tới các NXBGDVN về giá cụ thể cho từng bộ sách.
Việc NXBGDVN tự cho mình cái quyền được ấn định giá tùy tiện, với mục đích “chào hàng” SGK rẻ hơn với giá xin bộ Tài chính, sau đó thay đổi giá cao hơn bất ngờ, khiến dư luận cho rằng, việc phạm Luật Giá của NXBGDVN là có chủ định.
Dư luận chưa hết sửng sốt vì mới đây, NXBGDVN vừa “bức tử” 2 bộ sách Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục chỉ sau một năm chào đời, thì lần này, lại bàng hoàng vì NXB đứng trên cả Luật Giá để đạt mục tiêu chiếm thị phần bằng bất cứ chiêu trò nào.
Phải chăng, đây là chiêu trò hạ “đối thủ”, bằng màn "ảo thuật" về giá mà ai cũng dễ dàng nhận biết?
Vậy, vai trò của bộ GD&ĐT ở đâu, đằng sau sự việc này và đằng sau hàng loạt những bất thường xảy ra ở NXBGDVN? Liệu Bộ có đứng sau NXB này - một đơn vị trực thuộc Bộ - trong chuỗi hành vi sai trái để “bức tử” nốt bộ SGK xã hội hóa duy nhất, trở lại độc quyền? Chủ trương của Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội về xã hội hóa việc biên soạn SGK, xóa bỏ độc quyền trong lĩnh vực này phải được thực hiện nghiêm túc bằng các biện pháp cụ thể, chứ không thể bằng quyết tâm suông.
Thạch Sơn và nhóm PV Giáo dục