Hệ quả của ô nhiễm môi trường
Ngày 11/6, Chi hội Luật gia phường Bưởi phối hợp với UBND phường và Hội Luật gia quận, Công an quận Tây Hồ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020; Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) năm 2001, hướng dẫn cách thức sử dụng bình bọt chữa cháy, phương án thoát nạn, và cách thức nhận biết các loại chất thải rắn sinh hoạt.
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Luật học Trần Văn Duy - Chuyên viên chính Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp đã tuyên truyền, phổ biến về Luật BVMT 2020 và hướng dẫn thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo 3 loại như quy định tại khoản 1, Điều 75 của Luật BVMT 2020.
Theo đó, Luật BVMT năm 2020 ban hành trong bối cảnh bảo vệ môi trường được coi là vấn đề rất cấp thiết. Luật đã thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước đó là “công dân được quyền sống trong môi trường trong lành”.
Do vậy, việc ban hành Luật BVMT xuất phát từ quan điểm về bảo vệ con người, nhưng đồng thời xuất phát từ thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
TS. Trần Văn Duy đưa ra một số nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn cầu, ảnh hưởng đến chất lượng và môi trường sống, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững không chỉ của thế hệ hiện tại mà còn ảnh hưởng đến cả giống nòi tương lai.
Bên cạnh đó, theo ông vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay cũng liên quan đến vấn đề xả thải của con người như: Công nghiệp, nông nghiệp, giao thông…
“Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, nhưng trong đó có một nguyên nhân chính là ý thức của mỗi hộ gia đình, của cá nhân, tổ chức trong việc chung tay với chính quyền thực hiện các quy định về Luật Bảo vệ môi trường”, TS. Trần văn Duy nói.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Luật học cũng đưa ra dẫn chứng đau lòng rằng chính người thân của ông cũng đều mắc các bệnh hiểm nghèo trong đó có một phần tác động từ ô nhiễm môi trường và cho rằng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
“Ô nhiễm môi trường sống đang “gặm nhấm” sức khỏe của con người”, TS. Trần Văn Duy nhấn mạnh.
Từ những phân tích nêu trên, ông Duy chia sẻ thêm các quy định mới của Luật BVMT năm 2020. Trong đó, có hoạt động tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Luật BVMT cũng có quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đẩy mạnh phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo ông Duy việc phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Và để thực thi có hiệu quả Luật BVMT năm 2020, ông Duy cho rằng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến Luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đặc biệt, để người dân hình thành dần thói quen phân loại rác thải tại nguồn. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn cụ thể người dân về cách thức phân loại rác theo đúng quy định.
Thông qua Hội nghị, TS. Trần Văn Duy cho rằng các cấp chính quyền cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường; truyền thông pháp luật về Luật BVMT năm 2020 tới từng cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp để lan tỏa tinh thần Luật đi vào đời sống nhân dân.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Trung tá Chu Thành Quân – Phó đội trưởng đội cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an quận Tây Hồ tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 và hướng dẫn cách thức sử dụng bình chữa cháy, cách thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Các hộ gia đình, cá nhân đã được đội nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy công an Quận hướng dẫn trực tiếp cách sử dụng bình bột, bình khí chữa cháy.
Trở thành “sứ giả” tuyên truyền Luật BVMT, PCCC
Phát biểu tại Hội nghị, bà Đỗ Thị Hồng Lan - Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ nhấn mạnh môi trường có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng đối với đời sống của mỗi con người. Việc bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sự sống của chúng ta.
Bà Lan cho rằng, để góp phần bảo vệ môi trường thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân là điều rất cần thiết. Bà Lan tin rằng, mỗi đại biểu dự hội nghị hôm nay sẽ là một báo cáo viên, một “sứ giả” tuyên truyền về Luật PCCC, Luật BVMT để lan tỏa tới người thân trong gia đình và lan tỏa tới toàn thể các hộ gia đình trên địa bàn.
“Tôi tin rằng, làm tốt công tác tuyên truyền dần sẽ biến nhận thức thành hành động cụ thể ngay tại gia đình. Từ việc phân loại rác thải sinh hoạt tới việc hạn chế sử dụng túi nilon để thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.
Đồng thời, xây dựng phường Bưởi trở thành phường đạt chuẩn đô thị văn minh trong thời gian tới. Đặc biệt, phát huy vai trò người dân trong việc thực hiện Quyết định 217 về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, bà Lan nói.
Bà Lan đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Chi Hội Luật gia phường Bưởi, trong đó có bà Phan Thị Thúy Nga là Trưởng khối Dân vận phường, Chi hội trưởng chi Hội Luật gia phường Bưởi sẽ tiếp tục tham mưu với Đảng ủy, phối hợp với chính quyền, các đoàn thể Chính trị xã hội phường thực hiện tốt các mô hình, điển hình dân vận khéo trong lĩnh vực văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng tại phường Bưởi.
Đồng thời, gắn với Nghị quyết đảng bộ phường Bưởi đề ra về xây dựng phường Bưởi đạt chuẩn đô thị văn minh giai đoạn 2023-2025.
Cùng với đó, thực hiện tốt kế hoạch số 18 của Ban Dân vận Quận uỷ Tây hồ về tuyên truyền, vận động nhân dân không lấn chiếm vỉa hè lòng đường xung quanh Hồ Tây để kinh doanh, bán hàng, xây dựng tuyến đường “văn minh đô thị”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Lê Trung Đức - Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ một lần nữa nhấn mạnh vấn đề bảo vệ môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó có việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Ông Đức cho biết việc bảo vệ môi trường sống rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Theo ông Đức, Luật đã có quy định, chế tài xử phạt. Tuy nhiên, để việc phân loại rác mang lại kết quả như mong đợi, đòi hỏi nhiều yếu tố, cần sự bền vững.
Do đó, để bảo vệ môi trường đạt kết quả như kỳ vọng rất cần sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhất là sự đồng tình, ủng hộ và tham gia của người dân.
Nêu thêm thực trạng về an toàn PCCC, ông Đức nhắc lại những vụ việc đau lòng liên quan đến các vụ hỏa hoạn thời gian qua. Từ đó, ông cho rằng toàn xã hội cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn phòng chống cháy nổ.
Tại Hội nghị, ông Đức cũng gửi lời cảm ơn đến báo cáo viên trong việc hướng dẫn cách thức sử dụng bình chữa cháy, cách thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy nổ. Thông qua việc hướng dẫn cách sử dụng bình bột, bình khí chữa cháy, ông mong mỗi người dân trên địa bàn phường sẽ biết cách tự bảo vệ bản thân và người thân khi xảy ra sự cố cháy nổ.
“Tôi cũng mong mỗi người dân có mặt hôm nay sẽ trở thành những sứ giả tuyên truyền Luật BVMT, PCCC đến đông đảo người thân xung quanh, hơn nữa là lan rộng ra toàn cộng đồng”, ông Đức nhấn mạnh.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) quy định các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024 (ngày 31/12/2024).
Cụ thể, điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực. Trong đó, quy định phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.