Ngày 18/8, tại trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace đã diễn ra buổi toạ đàm về thời kỳ bao cấp qua các câu thành ngữ, tục ngữ, các câu cửa miệng và các bài đồng dao, với chủ đề “Cùng ôn cố tri tân với Thương nhớ thời bao cấp” với sự tham gia của các diễn giả chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và họa sỹ Thành Phong.
Buổi toạ đàm không chỉ thu hút những bậc lão thành đã đi qua, thấu hiểu thời gian bao cấp mà còn là sự quan tâm của các bạn trẻ ít nhiều lạ lẫm với khái niệm “Thời bao cấp”.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, em N.T.H (sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền) không giấu nổi sự tò mò thích thú trước khi buổi hội đàm diễn ra: "Em thật sự không thể ngờ được rằng, ông bà bố mẹ mình đã từng qua một thời như thế".
Việt Nam đã đi qua thời bao cấp 30 năm. Tuy nhiên, những ký ức của nó vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người. Nhà văn Bảo Ninh tâm sự: "Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng nửa đêm đột ngột thấy mình đang giữa thời bao cấp...Sau đó chẳng ngủ tiếp được cứ nằm miên man nhớ lại."
Ta hoài niệm về quá khứ để trân trọng tương lai, cùng ôn cũ hiểu mới để thấy một giai đoạn lịch sử thăng trầm của đất nước. Ở đó, con người hàng ngày đối diện với nỗi lo về nhu yếu phẩm sinh hoạt như: Khăn mặt, túi cá khô, quần đùi hoa, cuốn sổ gạo... Tuy nhiên, người dân vượt qua tất thảy bằng tinh thần lạc quan, tâm thế sống hài hước, dí dỏm.
Chia sẻ với PV Báo Người Đưa Tin, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ rằng thời bao cấp gắn liền với chiêm nghiệm: "Chúng ta cùng nhau chia sẻ những điều trong quá khứ để hiểu hiện đại".
Nói về quy tắc vận hành kinh tế thời bao cấp, chuyên gia cho biết: "Cái “khổ” chung cho mọi người một phần do chiến tranh một phần do cơ chế tập chung quan liêu bao cấp. Sự áp dụng dập khuôn máy móc khiến nền kinh tế suy giảm, song phải khẳng định sức sống của nền kinh tế tư nhân “con phe”. Chính họ một phần nào đó bổ sung cần thiết cho những nhu cầu thiết yếu của con người."
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – người viết lời đề tặng cho cuốn artbook "Thương nhớ thời bao cấp" suy tư khi nhớ lại thời gian công tác xa Thủ đô thời bao cấp. Ông nói: "Phải những ai đi qua và sống trong thời bao cấp mới thấu hết cái thiếu thốn, cái đói nghèo. Giá trị nhất của những hộ dân thời ấy là sổ hộ khẩu và sổ gạo. Mất coi như "méo mặt" cả tháng liền.
Điều chúng ta đáng nhớ là tình người không tạp nham hỗn loạn như bây giờ. Câu chuyện chiếc gạch có chân là để nói về sự trung thực giúp đỡ nhau, kỉ luật không chen ngang khi lấy đồ ở những cô mậu dịch viên ấy, là thương quá.
Nhưng "cơ chế tạo ra khó khăn sẽ gây sự ám ảnh quyền lực, ấy thế mới có những nụ cười cạn trên môi, những ánh mắt lườm xéo. Hay cơ chế "xin-cho", theo tôi, đến bây giờ cơ chế xin cho vẫn là vấn đề nhức nhối làm lệch chuẩn quy tắc xã hội".
Hoạ sỹ Thành Phong sinh năm 1986 được biết đến là thành viên nhóm vẽ truyện tranh Phong Dương, nổi tiếng trong giới truyện tranh trẻ Việt Nam. Cùng với hoạ sỹ Hữu Khoa, chia sẻ về thời bao cấp, anh nói: "Thời bao cấp có những di sản vẫn được tiếp tục trong hôm nay.
Một thời đại đi qua nó không giống như việc ta gấp lại một trang sách để mở ra một trang hoàn toàn mới; nó vẫn có những hệ quả của thời kỳ cũ tiếp tục ở lại với đời sống của thời kỳ mới. Thậm chí ngay đến tận bây giờ thì vẫn có những nếp nghĩ được truyền lại từ thời bao cấp".
Cuối buổi tọa đàm là khoảng lặng đáng trân trọng về những chia sẻ của những bậc lão thành, là sự rưng rưng thương nhớ về thời bao cấp.